MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà đầu tư lao đao vì giá điện gió

Giá mua điện gió 8,5 cent đang được Bộ Công Thương đề xuất gia hạn đến 31/12/2023 thay vì kết thúc vào ngày 30/10/2021.Nguyên nhân là do ảnh hưởng của dịch Covid-19, việc nhập khẩu trang thiết bị, việc nhập cảnh của chuyên gia đều khó khăn, tạo ra độ trễ nhất định trong việc hoàn thành dự án.Nhà đầu tư cho rằng nếu giá điện gió giảm xuống mức 8,5 cent/kWh thì hàng loạt dự án điện gió đang triển khai sẽ tạm dừng vì doanh nghiệp không có lãi.Điểm mấu chốt để phát triển được điện gió với giá cả hợp lý là phải nội địa hóa được công nghệ, dây chuyền sản xuất.

Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ gia hạn việc áp dụng cơ chế giá điện cố định với dự án điện gió theo Quyết định 39/2018 đến hết ngày 31/12/2023. Theo đó, giá mua điện gió đất liền tại điểm giao nhận là 1.927 đồng/kWh, tương đương 8,5 Uscent/kWh. Tương tự, điện gió trên biển có giá là 2.223 đồng/kWh, tương đương 9,8 Uscent/kWh. Hai mức giá vừa nêu chưa bao gồm VAT. Những dự án điện gió có một phần hoặc toàn bộ nhà máy có ngày vận hành thương mại trước 1/11/2021 và áp dụng trong 20 năm kể từ ngày vận hành thương mại sẽ được áp dụng giá nêu trên. Từ 1/1/2024 trở đi, các dự án điện gió sẽ áp dụng cơ chế đấu thầu, đấu giá cạnh tranh.

Trao đổi với Người Đồng Hành, ông Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam cho biết một trong những lý do khiến doanh nghiệp đề xuất gia hạn giá FIT (giá bán điện cố định) với điện gió là do ảnh hưởng của dịch Covid-19 khiến việc nhập khẩu thiết bị, tua bin hay việc nhập cảnh của chuyên gia đều khó khăn. Điều này tạo độ trễ nhất định cho việc hoàn thành tiến độ dự án điện gió.

Nhà đầu tư lao đao vì giá điện gió - Ảnh 1.

Ông Hoàng Giang, Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV PE Việt Nam. Ảnh: Ngọc Hà.

Mỗi dự án điện gió từ lúc triển khai đến khi hoàn thành thường mất 24-36 tháng và nhanh nhất cũng phải mất 18-24 tháng. Trong khi đó, thời gian để các dự án được hưởng giá FIT chỉ còn 13 tháng.

Ông Giang dẫn thông tin, Chính phủ đã có ý kiến về việc gia hạn cơ chế mua điện ưu đãi nhưng về giá thì có yêu cầu tính toán lại. Việc tính lại có thể là giảm giá. Như vậy, giá đầu ra cho dự án đã thay đổi và có thể sẽ phá vỡ toàn bộ hệ thống đầu tư dự án của doanh nghiệp.

“Trường hợp, mức giá điện gió mới giảm hơn 10% so với mức 8,5 cent thì nhà đầu tư sẽ lỗ, dự án không khả thi, ngân hàng không cho vay vốn và Việt Nam khó có thể phát triển nguồn năng lượng từ gió”, vị này phân tích.

Đồng thời, ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam cũng cho rằng giá điện gió 8,5 cent/kWh là mức doanh nghiệp có thể chấp nhận được để đầu tư. Đối với tư nhân, dòng tiền là 'máu', nếu thấy lợi họ sẽ nhào vào làm còn không thì ngược lại. Vì vậy, nếu giá này giảm xuống dưới mức 8,5 cent/kWh thì tất cả dự án điện gió sẽ dừng triển khai. Tương tự, giá mua điện gió gần bờ là 9,8 cent/kWh doanh nghiệp cũng chỉ “vừa kịp ngáp”, bởi mức đầu tư cho một trạm điện trên biển gần 200 triệu USD hay chỉ tính riêng việc đầu tư cáp ngầm cũng đã lên đến 1.500 tỷ đồng.

Nhà đầu tư lao đao vì giá điện gió - Ảnh 2.

Ông Nguyễn Tâm Tiến, Tổng Giám đốc Tập đoàn Trung Nam. Ảnh: Ngọc Hà.


Vì vậy, đại diện Tập đoàn Trung Nam kiến nghị gia hạn giá FIT 8,5 cent/kWh điện gió đất liền đến 2023 và 9,8 cent/kWh điện gió gần bờ đến 2030. 

Ông Đặng Quốc Toản - Giám đốc Công ty Cổ phần năng lượng dầu khí Châu Á cho biết kinh nghiệm khuyến khích phát triển điện gió tại các nước đó là đều áp dụng giá FIT ở giai đoạn đầu sau khi dự án được vận hành thương mại. Việc này nhằm hỗ trợ nhà đầu tư có thể đủ sống và tồn tại với dự án của mình. Tại Đức, giá FIT là 40 cent/kWh và Thái Lan là 38 cent/kWh vào 2009. Tại thời điểm đó, Việt Nam chưa xây dựng bất kỳ chính sách về phát triển năng lượng tái tạo. Đến 2011, Quyết định 37 của Thủ tướng về cơ chế hỗ trợ phát triển các dự án điện gió tại Việt Nam đã quy định giá mua điện gió ngoài khơi là 7,8 cent/kWh.

Ông Toản còn cho biết, trước đây, do muốn thu hút dòng vốn FDI, Chính phủ đã đưa ra những ưu đãi gồm có gia điện thấp, tài nguyên cho thuê rẻ và mức thuế phải nộp thấp... Sau 30 năm, Việt Nam đã thu hút được 376,5 tỷ USD vốn lũy kế.

“Trong thời gian tới, những ưu đãi này nói chung và đặc biệt giá điện sản xuất không thể duy trì mức thấp như trước đây và sớm muộn giá điện cũng phải tăng lên. Vì nếu giá điện bán ra thấp thì EVN cũng không thể mua điện đầu vào với giá cao, trong đó có cả điện gió”, ông Toản nói.

Tuy nhiên, vấn đề cốt lõi nhất để có giá điện hợp lý, người dân, nhà đầu tư và nhà nước đều được lợi đó là phải nội địa hóa được dây chuyền công nghệ. Như vậy, Việt Nam mới có thể phát triển năng lượng tái tạo bền vững, đảm bảo an ninh năng lượng.

Nhà đầu tư lao đao vì giá điện gió - Ảnh 3.

Bộ Công Thương đang đề xuất gia hạn giá điện gió FIT 8,5 cent/kWh đến 31/12/2023.


Kinh nghiệm từ Bộ Năng lượng Anh, sau 3 năm hợp tác với Đan Mạch về phát triển điện gió, Anh đã nội địa hóa được toàn bộ chuỗi cung ứng và ban hành giá điện ngoài khơi ở hai mức. Phương án một, nếu nhà sản xuất điện gió ký hợp đồng mua trọn gói giá FIT trong thời gian 20 năm thì giá mua điện là 7,2 cent/kWh. Ngược lại, nếu nhà đầu tư ký hợp đồng FIT 10 năm đầu, giá mua là 8,4 cent/kWh và từ năm thứ 11 trở đi, giá mua điện là 6 cent/kWh. Với một quốc gia có chi phí lao động lớn, mức sống rất cao như nước Anh đã đưa được giá điện về mức hợp lý nhờ chính sách khuyến khích giá điện đi kèm với xây dựng chuỗi cung ứng.

Hay như tại Đài Loan (Trung Quốc) cũng phát triển năng lượng tái tạo thành công nhờ chính sách khuyến khích của nhà nước. Theo đó, để được mua điện với giá cao ngay từ những ngày đầu dự án đi vào vận hành, nhà đầu tư phải mang được toàn bộ quy trình, công nghệ về nước.

Với tư cách chuyên gia, nguyên Thứ trưởng Kế hoạch & Đầu tư Đặng Huy Đông cho rằng doanh nghiệp đầu tư dự án điện gió cũng phải đặt câu hỏi là việc lựa chọn nhà cung cấp sản phẩm đã cạnh tranh hay chưa, chuỗi cung ứng đã tối ưu hay chưa? Vì mọi chi phí đều tính vào giá thành sản xuất điện. Ví dụ, việc đầu tư 250 triệu USD tàu siêu trường, siêu trọng để vận chuyển thiết bị lắp đặt điện gió cho kịp tiến độ mà chỉ dùng cho dự án 250MW thì rõ ràng như vậy là đắt. Hay như việc đầu tư đường dây truyền tải điện mặt trời chỉ dùng trong 6-8 tiếng một ngày, còn lại 14-16 tiếng còn lại để không, khi tính chi phí đầu tư vào giá thành điện chắc chắn cũng sẽ đắt. Đó là lý do cần phải có quy hoạch và khi làm chính sách giá trong thời gian tới cơ quan quản lý cũng phải lưu ý đến tất cả những yếu tố này.

Vị này còn cho biết, khó khăn của Chính phủ phải là "trọng tài" đứng giữa đảm bảo lợi ích của nhà đầu tư và đảm bảo ổn định đời sống của người dân. Nếu một dự án tăng/giảm 1 cent/kWh thì 1MW tương ứng tăng/giảm 10 cent. Với dự án điện gió có quy mô 1.000 MW và được mua với giá FIT trong vòng 20 năm, doanh thu tăng/giảm là 800 triệu USD và con số này sẽ là 1 tỷ USD nếu trong thời gian 25 năm. Điều này cho thấy độ nhạy về giá cho mỗi dự án điện gió là quá lớn. Vì vậy, Chính phủ và Bộ Công Thương đã đặt ra bài toán đấu giá điện.

"Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp phải tìm được điểm hài hòa mà ở đó cả người dân, doanh nghiệp và nhà nước đều thắng trong hoạt động phát triển năng lượng tái tạo này, vị này nói.

Theo Ngọc Hà

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên