Nhà đầu tư ngoại ngày càng “bạo tay” mua cổ phần của công ty Việt
Nhật Bản đã vượt Singapore để trở thành nước đầu tư lớn thứ hai tại Việt Nam trong 4 tháng đầu năm trong khi Hàn Quốc vẫn giữ chắc ngôi đầu.
- 07-04-2017Chứng khoán hấp dẫn nhà đầu tư ngoại
- 17-03-2017Gần 70% nhà đầu tư ngoại tin doanh nghiệp nhà nước có nhiều đặc quyền, đặc lợi
- 15-02-2017Vì sao Bắc Ninh “hút” cả chục tỷ USD của nhà đầu tư ngoại, giúp công nghiệp tăng 1.200 lần sau 20 năm?
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và đầu tư), tính từ đầu năm đến ngày 20/4, cả nước có 734 dự án FDI mới được cấp phép đầu tư với tổng vốn đăng ký là 4,88 tỷ USD, giảm 4% so với cùng kỳ năm 2016.
Ngoài ra, có 345 lượt dự án đăng ký tăng vốn đầu tư với tổng vốn đăng ký tăng thêm là 4,36 tỷ USD, tăng 241,8 % so với cùng kỳ năm 2016. Nhà đầu tư nước ngoài cũng có 1.687 lượt góp vốn, mua cổ phần tại công ty trong nước với tổng giá trị góp vốn là 1,35 tỷ USD, tăng 106,8% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, tổng vốn đăng ký cấp mới, tăng thêm và góp vốn mua cổ phần là 10,95 tỷ USD, tăng 40,5% so với cùng kỳ năm 2016.
Trong số có 83 quốc gia và vùng lãnh thổ có dự án đầu tư tại Việt Nam từ đầu năm, Hàn Quốc vẫn là nước rót tiền nhiều nhất vào Việt Nam, với tổng vốn đầu tư là 4,05 tỷ USD.
Đáng chú ý, Nhật Bản vượt Singapore để trở thành nhà đầu tư lớn thứ hai, với tổng số vốn là 1,85 tỷ USD, tăng 1,4 tỷ USD so với tháng trước. Điều này nhờ vào đối tác Nhật Bản liên doanh với PetroVietnam và PV Gas góp vốn vào dự án đường ống dẫn khí lô B – Ô Môn (Kiên Giang), với tổng vốn đầu tư đăng ký 1,27 tỷ USD.
Cũng nhờ dự án này Kiên Giang nhảy vọt lên vị trí thứ 3 trong số các địa phương nhận được nhiều vốn FDI nhất, từ vị trí 51 trong tháng trước.
Bắc Ninh, nhờ Samsung Display điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm 2,5 tỷ USD tại nhà máy sản xuất màn hình, vẫn đứng đầu các địa phương về thu hút FDI, với tổng số vốn là 2,7 tỷ USD. Bình Dương đứng thứ hai với số vốn cam kết đầu tư là 1,39 tỷ USD.
Theo báo cáo, nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 18 ngành lĩnh vực trong 4 tháng đầu năm, trong đó lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo là lĩnh vực thu hút được nhiều vốn ngoại nhất với tổng số vốn là 7,36 tỷ USD, chiếm 69,53% tổng vốn đầu tư đăng ký trong kỳ.
Lĩnh vực khai khoáng đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 1,28 tỷ USD, chiếm 12% tổng vốn đầu tư. Đứng thứ ba là lĩnh vực bán buôn, bán lẻ với tổng vốn đầu tư đăng ký là 546,68 triệu USD, chiếm 5,16% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Cơ quan xúc tiến đầu tư nước ngoài cho biết, các dự án FDI ước tính đã giải ngân được 4,8 tỷ USD, tăng 3,2% so với cùng kỳ năm 2016.
Số liệu cho thấy các doanh nghiệp nước ngoài vẫn chiếm ưu thế trong kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam trong 4 tháng đầu năm. Theo đó, xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 44,05 tỷ USD, tăng 16,1% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 71,82% kim ngạch xuất khẩu.
Nhập khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài trong kỳ đạt 38,29 tỷ USD, tăng 25,3% so với cùng kỳ năm 2016 và chiếm 59,77% kim ngạch nhập khẩu. Tính chung trong 4 tháng đầu năm 2017, khu vực đầu tư nước ngoài xuất siêu 5,75 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu 4,82 tỷ USD không kể dầu thô.
Bizlive