Nhà khoa học nước ngoài duy nhất và cuối cùng tại phòng thí nghiệm Vũ Hán lên tiếng
Nhà virus học Danielle Anderson vẽ ra một bức tranh rất khác về Viện Virus học Vũ Hán.
- 15-06-2021Nguồn gốc Covid-19: Thêm chi tiết mâu thuẫn về Viện Virus học Vũ Hán
- 10-06-2021Phát hiện 47.000 động vật hoang dã bán ở chợ Vũ Hán trước khi Covid-19 bùng phát
- 05-06-2021Vũ Hán đìu hiu sau cơn bạo bệnh Covid-19: "Tôi không muốn đến Vũ Hán vì virus có thể vẫn đang rình rập"
- 16-02-2021Trở về từ TQ, đoàn WHO nói SARS-CoV-2 không phát tán từ Vũ Hán mà có thể từ... Đông Nam Á
- 15-02-2021Phát hiện bất ngờ của nhóm điều tra WHO tại Vũ Hán
Vài tuần trước khi xuất hiện trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên ở miền trung Trung Quốc, Danielle Anderson vẫn đang làm việc tại phòng thí nghiệm khét tiếng nhất thế giới. Tuy nhiên, nhà virus học người Australia vẫn băn khoăn không biết mình đã bỏ lỡ điều gì.
Cô là một chuyên gia nghiên cứu virus lây truyền qua dơi, đồng thời cũng là nhà khoa học nước ngoài duy nhất thực hiện nghiên cứu tại phòng thí nghiệm BSL-4 của Viện Virus học Vũ Hán.
Đây là phòng thí nghiệm đầu tiên của Trung Quốc đại lục được trang bị để xử lý các mầm bệnh chết người nhất hành tinh. Anderson kết thúc công việc tại đây tháng 11/2019, thời điểm dịch lây lan ở Trung Quốc. Chính vì vậy, Anderson cũng là người có góc nhìn đặc biệt nhất về đại dịch tồi tệ nhất trong một thế kỷ qua.
Sự xuất hiện của virus corona trong cùng thành phố với Viện Virus học Vũ Hán, nơi các nhà khoa học mặc đồ bảo hộ kín mít và nghiên cứu chính xác loại virus, đã làm dấy lên suy đoán về nguồn gốc của dịch bệnh. Virus có thể đã rò rỉ từ phòng thí nghiệm, hoặc qua một nhân viên bị nhiễm bệnh hoặc một vật thể bị lây nhiễm.
Sự thiếu minh bạch của Trung Quốc kể từ ngày đầu bùng phát đã làm dấy lên những nghi ngờ trên và đã bị Mỹ bắt thóp. Điều đó đã biến nhiệm vụ tìm ra nguồn gốc virus để ngăn chặn các đại dịch trong tương lai thành một bãi mìn địa chính trị.
Thực tế, hoạt động của Viện Virus học Vũ Hán vẫn là bí ẩn với phần lớn thế giới. Nổi tiếng nhất ở viện này chính là giám đốc Shi Zhengli, người được mệnh danh là "người dơi" vì công việc tìm kiếm virus trong các hang động của cô. Bà Shi là đồng nghiệp lâu năm của Anderson.
Phía Mỹ đã đặt ra câu hỏi về sự an toàn của phòng thí nghiệm và cáo buộc các nhà khoa học của viện tham gia vào nghiên cứu chức năng gây tranh cãi nhằm điều khiển virus khiến chúng trở nên nguy hiểm hơn.
Nó hoàn toàn trái ngược với nơi mà chuyên gia Anderson mô tả trong cuộc phỏng vấn với Bloomberg News – lần đầu tiên chuyên gia virus học chia sẻ về công việc trong phòng thí nghiệm.
Theo cô, một nửa sự thật và những thông tin bị bóp méo đã che khuất đi mô tả chính xác về chức năng và hoạt động của phòng thí nghiệm, vốn bình thường hơn những gì các phương tiện truyền thông miêu tả.
Anderson cho biết các nhà nghiên cứu phải trải qua khóa huấn luyện kéo dài 45 giờ trước khi được phép làm việc độc lập ở phòng thí nghiệm. Thời điểm cuối năm 2019, khi cô còn làm việc ở đó, cô không biết bất cứ trường hợp nào bị ốm. Bản thân Anderson cũng không có kháng thể khi được tiêm vắc xin, điều cho thấy cô chưa từng nhiễm bệnh.
Tuy nhiên, cô Anderson cũng không loại trừ khả năng virus có nguồn gốc từ Viện virus học Vũ Hán. Một loạt những sự trùng lặp khiến người ta không thể không nghi ngờ. Dẫu vậy, với trải nghiệm của mình, cô Anderson tin rằng Viện virus học Vũ Hán cũng bình thường như các viện nghiên cứu khác và mọi người đang nghĩ không đúng về nơi này.
Nhà virus học Anderson hiện đang làm việc tại Viện Nhiễm trùng và Miễn dịch của thành phố Melbourne, Australia. Cô đã bắt đầu cộng tác với các nhà nghiên cứu Vũ Hán vào năm 2016 khi đang là giám đốc khoa học của phòng thí nghiệm an toàn sinh học tại trường Y Duke-NUS của Singapore.
Nghiên cứu của Anderson tập trung vào lý do tại sao các virus chết người như Ebola và Nipah không gây ra bệnh trên loài dơi mà chúng ký sinh. Các nghiên cứu bổ sung đang được tiến hành tại viện của Trung Quốc, nơi cung cấp tài trợ để khuyến khích hợp tác quốc tế. Anderson cho biết công việc nghiên cứu về virus Ebola tại Vũ Hán là hiện thực hóa mục tiêu nghề nghiệp lâu dài.