Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1: Chậm 1 ngày bồi thường 1 triệu USD
Trước yêu cầu cấp bách về tiến độ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành, Trưởng Ban Chỉ đạo quốc gia về phát triển điện lực yêu cầu UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận bàn giao xong mặt bằng hành lang tuyến các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 trong tháng 12/2021.
- 12-11-2021Chuyên gia lý giải vì sao NĐT nên ưu tiên cổ phiếu hơn trái phiếu và tiền mặt, bất chấp rủi ro lạm phát
- 12-11-2021Nhìn lại các mô hình đầu tư trong quá khứ: Lạm phát tăng ở mức nào thì NĐT nên 'rót tiền' vào cổ phiếu, trái phiếu, vàng, BĐS...?
- 12-11-2021Kinh tế gia đoạt giải Nobel chỉ ra điều khiến tắc nghẽn 'nhất thời' sẽ kéo dài hơn nữa: 'Hệ thống chuỗi cung ứng đang như một người cận thị không đeo kính vậy!'
Ngày 9/11, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã ký Văn bản số 112/BCĐQGĐL chỉ đạo thực hiện một số nhiệm vụ cấp bách để bảo đảm tiến độ các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1. Trong đó, yêu cầu UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận bàn giao xong mặt bằng hành lang tuyến các dự án giải tỏa công suất nhà máy trong tháng 12/2021
Để đạt được tiến độ này, Phó Thủ tướng yêu cầu các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận hoàn thành thủ tục chuyển đổi mục đích sử dụng rừng trong tháng 11. Đồng thời phối hợp với Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) tổ chức tốt công tác bồi thường, nhanh chóng thực hiện di dời, tái định cư các hộ dân nằm trong vùng dự án, sớm hoàn thành và bàn giao mặt bằng móng trước ngày 30/11/2021.
Văn bản cũng nêu rõ, Chủ tịch UBND các tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về việc bàn giao mặt bằng theo thời hạn nêu trên; chủ động họp giao ban định kỳ với các sở, ngành và các cấp chính quyền địa phương để kịp thời giải quyết các khó khăn vướng mắc phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện; có biện pháp xử lý cương quyết đối với những trường hợp cố tình cản trở, và tạo điều kiện tối đa để EVN thi công hoàn thành công trình theo kế hoạch.
Cũng tại Văn bản 112, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cũng yêu cầu Bộ NN&PTNT khẩn trương hoàn thiện báo cáo thẩm định chủ trương chuyển mục đích sử dụng rừng thuộc thẩm quyền xem xét của Thủ tướng Chính phủ liên quan đến các dự án giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, báo cáo Thủ tướng Chính phủ.
Văn bản cũng yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN chủ động bám sát, phối hợp với các cấp chính quyền địa phương trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng, tổ chức triển khai thi công ngay đối với những vị trí, khu vực đã được bàn giao mặt bằng, nhằm bảo đảm tiến độ các dự án đã cam kết.
Sẽ thiệt hại lớn nếu chậm tiến độ
Cụm công trình giải tỏa công suất Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1 bao gồm dự án đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân, dự án đường dây 500 kV đấu nối trạm 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV nhiệt điện Vân Phong-nhiệt điện Vĩnh Tân, dự án trạm 500 kV Vân Phong và đầu nối.
Đây là những công trình cấp bách, phải hoàn thành trong tháng 12/2022, đáp ứng mục tiêu truyền tải công suất của Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1, Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái và nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận lên hệ thống điện quốc gia.
EVN cho biết, nếu dự án chậm tiến độ, mỗi ngày Việt Nam phải bồi thường 1 triệu USD. Nếu dự án truyền tải này chậm tiến độ 6 tháng, số tiền phải bồi thường lên tới khoảng 5.000 tỷ đồng. Nếu quá 6 tháng, hợp đồng BOT Nhà máy nhiệt điện Vân Phong 1 sẽ bị chấm dứt sớm và Chính phủ Việt Nam phải mua lại nhà máy.
Bàn giao mặt bằng, vướng mắc lớn nhất vẫn là hành lang tuyến
Đại diện Ban Quản lý dự án các công trình điện miền Trung (CPMB) - đơn vị được Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia giao quản lý điều hành dự án cho biết: Sự án trạm 500 kV Vân Phong và đấu nối và dự án đường dây 500 kV đấu nối trạm 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV nhiệt điện Vân Phong-nhiệt điện Vĩnh Tân hiện nay đang thực hiện theo đúng kế hoạch đặt ra.
Tuy nhiên, vướng mắc lớn nhất nguy cơ ảnh hưởng tiến độ đối với cụm công trình này chính là dự án đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân. Cụ thể, tính đến đầu tháng 11/2021, toàn tuyến còn chưa bàn giao mặt bằng móng đối với 133/304 vị trí (chiếm 43,8%), trong đó tỉnh Khánh Hòa chưa bàn giao 52/172 vị trí (chiếm 30,3%) và tỉnh Ninh Thuận còn chưa bàn giao tới 81/131 vị trí (chiếm 61,4%).
Đáng chú ý, toàn tuyến vẫn chưa bàn giao được vị trí hành lang tuyến nào.
Dự án đường dây 500 kV Vân Phong-Vĩnh Tân do Tổng công ty Truyền tải điện quốc gia thuộc EVN làm chủ đầu tư. CPMB thay mặt chủ đầu tư quản lý điều hành dự án.
Dự án có quy mô xây dựng mới đường dây 500 kV 2 mạch dài khoảng 156,78 km từ nhiệt điện Vân Phong đến điểm D (G36A) - điểm đấu nối trạm 500 kV Thuận Nam vào đường dây 500 kV nhiệt điện Vân Phong-nhiệt điện Vĩnh Tân. Dự án đi qua các huyện Ninh Hòa, Diên Khánh, Cam Lâm và TP. Cam Ranh (Khánh Hòa) và các huyện Bác Ái, Ninh Phước, Ninh Sơn, Thuận Nam (Ninh Thuận).
Dự án này có nhiệm vụ giải phóng công suất của Trung tâm Điện lực Vân Phong (trong đó có Nhà máy nhiệt điện BOT Vân Phong 1), Nhà máy thủy điện tích năng Bác Ái và các nguồn năng lượng tái tạo khu vực tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận vào hệ thống điện quốc gia.
Chinhphu.vn