MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà máy trăm tỷ chết yểu, ‘bỏ của chạy lấy người’

Trong những năm qua, nhiều tỉnh thành đã vay vốn ODA để xây nhà máy “biến rác thành phân bón” quy mô hàng chục, hàng trăm tỷ đồng. Thế nhưng, đến nay, nhiều nhà máy lại lâm cảnh “bỏ thì thương, vương thì tội”, sản phẩm làm ra không bán được, nhà máy nằm 'đắp chiếu'. Trong khi đó, tiền đi vay thì không thể không trả.

Xin trả lại nhà máy 'đắp chiếu’

Cuối 2012, Nhà máy Chế biến phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt Hải Dương được Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Hải Dương đầu tư bắt đầu vận hành. Nhà máy có tổng vốn đầu tư là hơn 137 tỷ đồng. Trong đó, gần 60 tỷ đồng là nguồn vốn ODA của Tây Ban Nha và gần 78 tỷ đồng từ ngân sách.

Hoạt động chưa bao lâu, Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị Hải Dương đã chuyển nhà máy cho Công ty CP Môi trường APT – Seraphin Hải Dương quản lý, vận hành.

Theo báo cáo ngày 1/8 của UBND tỉnh Hải Dương, sau khi tiếp nhận nhà máy, APT – Seraphin Hải Dương đã sử dụng dây chuyền máy móc, thiết bị hiện có và vận hành nhà máy phân hữu cơ từ rác thải sinh hoạt, đã trả nợ gốc và lãi vay phần vốn ODA được 4 kỳ với tổng số tiền là hơn 3,2 tỷ đồng.

Tuy nhiên, sau một thời gian vận hành, do sản phẩm phân hữu cơ không tiêu thụ được nên dây chuyền sản xuất phân vi sinh phải tạm dừng hoạt động, toàn bộ lượng rác thải sinh hoạt được chuyển sang Nhà máy xử lý rác thải Seraphin để đốt.

Bị bỏ không, và “không phù hợp với thời tiết Việt Nam”, nhiều linh kiện, thiết bị của nhà máy bị hư hỏng. UBND tỉnh Hải Dương cho biết để khôi phục lại APR – Sepharin sẽ phải đầu tư khoảng 79 tỷ đồng nữa.

Tiếp nhận nhà máy được 2 năm, đầu năm 2015, APT – Seraphin Hải Dương đã xin trả lại dự án này. Lý do là không đủ năng lực tài chính để tiếp tục đầu tư, vận hành nhà máy.

Lúc này, tỉnh Hải Dương phải tìm kiếm “ông chủ” mới cho nhà máy. Vượt lên nhiều “ứng viên”, Công ty CP Môi trường Bắc Việt đã được Hải Dương chọn. Nhưng vừa được chọn không lâu, hồi tháng 5 năm nay, Công ty này cũng xin thôi không tiếp nhận, thực hiện dự án. Cho nên UBND tỉnh Hải Dương buộc lòng phải bãi bỏ chủ trương cho Công ty CP môi trường Bắc Việt tiếp nhận nhà máy.


Nhà máy đắp chiếu; bên núi tác.

Nhà máy 'đắp chiếu; bên núi tác.

Trao đổi với chúng tôi, đại diện Sở Kế hoạch và Đầu tư Hải Dương cho hay: Sở đã có báo cáo UBND tỉnh chọn Công ty CP Quản lý công trình đô thị Hải Dương làm nhà đầu tư mới. Đầu tháng 8/2016, UBND tỉnh Hải Dương đã báo cáo Tỉnh ủy Hải Dương về chủ trương này.

Như vậy, sau 4 năm khánh thành, nhà máy “biến rác thành phân” ở Hải Dương vẫn trong tình trạng “bỏ thì thương, vương thì tội”, còn các doanh nghiệp (DN) thì lần lượt ‘’bỏ của chạy lấy người’.

Đại diện Sở KHĐT Hải Dương chia sẻ: Nhiều nhà đầu tư bỏ vì thấy xử lý rác thành phân bón là vấn đề rất khó. Trước đây giao cho Công ty APT Sepharin nhưng giao xong người ta cũng không thực hiện được.

Theo báo cáo của Sở KHĐT Hải Dương, nhà máy xử lý rác hoạt động gián đoạn đã dẫn đến tình trạng lượng rác tồn đọng không xử lý kịp, có thời điểm lượng rác tồn đọng lên đến khoảng 22.000 tấn, cộng với lượng phân vi sinh không tiêu thụ được ủ thành mùn đã và đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

Hàng loạt nhà máy lâm cảnh khốn đốn

Không chỉ ở Hải Dương Rất nhiều nhà máy xử lý rác vay vốn ODA từ Tây Ban Nha, Hàn Quốc, Pháp, Bỉ… ở nhiều tỉnh đã không phát huy hiệu quả như kỳ vọng ban đầu. Nhà máy “biến phân thành rác” ở TP Lào Cai là một ví dụ tiếp theo.

Nhà máy này được đưa vào vận hành thử nghiệm từ đầu tháng 10/2015 với kinh phí đầu tư trên 81 tỷ đồng, trong đó, vốn vay của Pháp là 66,3 tỷ đồng, vốn ngân sách là gần 15 tỷ đồng. Nhà máy có công suất xử lý rác tối đa là 147 tấn/ngày.

Thế nhưng, vận hành chưa được bao lâu, nhà máy đã phải tạm dừng hoạt động một lần. Cuối tháng 3/2016, UBND tỉnh Lào Cai đã phải chỉ đạo tạm dừng hoạt động nhà máy từ 1/4. Bởi lẽ sản phẩm cuối cùng thu được không đáp ứng các chỉ số hóa lý theo thiết kế nên không tiêu thụ được trên thị trường, phương án kinh tế của nhà máy không theo phương án ban đầu.

Ngay tại Hà Nội, Nhà máy xử lý rác làm phân tại Cầu Diễn do Công ty TNHH MTV môi trường đô thị Hà Nội quản lý vận hành cũng không đạt hiệu quả như mong muốn. Nhà máy có vốn đầu tư hơn 61 tỷ đồng từ năm 2001 (một nửa vay ODA của Tây Ban Nha) từng bị Hội đồng nhân dân thành phố Hà Nội đánh giá là “đầu tư lớn nhưng hoạt động cầm chừng, công suất thiết kế là 180 tấn/ngày song chỉ hoạt động với công suất 30 tấn/ngày, thua lỗ, kém hiệu quả nhưng chậm được tháo gỡ, xử lý”.

Các nhà máy tương tự ở một loạt tỉnh thành khác như Hải Phòng, Nam Định, Hà Tĩnh… cũng từng bị “điểm mặt” là không hiệu quả.

Lý giải cho việc thất bại của các nhà máy “biến rác thành phân”, một chuyên gia trong lĩnh vực này cho hay: Công nghệ xử lý rác thải thành phân bón là rất tiên tiến, đảm bảo phát triển môi trường bền vững. Tuy nhiên chi phí xử lý rất đắt đỏ, cao gấp 3 lần so với chi phí xử lý bằng công nghệ chôn lấp. Chính vì thế, các công ty môi trường thường chọn xử lý rác bằng phương pháp chôn lấp và đốt rác là chính.

“Hơn nữa ở Việt Nam, rác thải sinh hoạt thường lẫn lộn giữa vô cơ và hữu cơ, trong khi đó đầu vào của nhà máy chỉ tiếp nhận nguồn rác hữu cơ. Vì thế các nhà máy thường phải tốn nhiều nhân công nhặt rác bằng tay. Đầu vào sản xuất phân không đảm bảo, nên đầu ra "tắc" là đương nhiên. Ngoài ra, trên thị trường có rất nhiều loại phân bón tốt, giá cả thấp, nên sản phẩm phân hữu cơ của các nhà máy rác khó lòng được tiếp nhận. Đó là chưa kể hiện giờ nhiều sản phẩm phân hữu cơ của các nhà máy rác chưa được cấp phép bán ra thị trường", vị chuyên gia này cho hay.

Theo Lương Bằng

Vietnamnet

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên