MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà nước lấy đâu ra tiền để giúp doanh nghiệp

14-04-2020 - 23:00 PM | Tài chính - ngân hàng

Không có gói cứu trợ nào đủ để cứu nền kinh tế, mà cần chính sách điều hành, hỗ trợ để mọi người cùng chung tay duy trì nền kinh tế.

Thiệt hại về kinh tế do Covid 19

Tôi là một doanh nhân có quan hệ với các nhà đầu tư nước ngoài và là một nhà nghiên cứu trong lĩnh vực luật pháp quốc tế, vì thế tôi hay ra nước ngoài. Tôi đã từng nhiều lần đến các thị trường lớn ở châu Âu, châu Á, Cuba, Úc và nhiều tiểu bang nước Mỹ.

Mỗi chuyến đi khi tôi còn làm doanh nghiệp xuất nhập khẩu là những hợp đồng giá trị nhiều triệu đô la. Khi tôi là chuyên gia nghiên cứu pháp lý và thị trường, mỗi chuyến đi của tôi là gặp gỡ các nhà đầu tư có tên tuổi và các đồng nghiệp. Tôi kể ra như thế để thấy dịch Covid-19 xảy ra đã gây tác hại như thế nào.

Thứ nhất, những chuyến bay của Vietnam Airlines và các hãng hàng không quốc tế đã bao năm nay, từng bay rợp trên bầu trời từ Việt Nam đi các quốc gia và từ các quốc gia đến Việt Nam. Bây giờ sân bay không có hành khách, bao nhiêu máy bay nằm bất động ở sân bay, hàng ngàn cán bộ, nhân viên, chuyên viên ngành hàng không tạm nghỉ việc. Chúng ta thử tưởng tượng thiệt hại như thế nào?

Thứ hai, các doanh nhân không còn đi lại giữa các nước, cứ cho là họ sẽ làm việc qua email, tin nhắn, messenger, viber… với những hình ảnh đẹp, những cuộc họp trực tuyến. Nhưng làm sao bằng mặt đối mặt thương thảo, làm sao bằng việc mắt thấy sản phẩm, tay sờ sản phẩm để xem độ mịn, độ chính xác của hàng hóa. Rõ ràng với việc gần như bế quan, tỏa cảng những ngày qua sẽ thiệt hại đến đâu, sụt giảm kim ngạch xuất nhập khẩu là giảm thu ngân sách của thuế quan, giảm công ăn việc làm của ngành kho vận, logistics....

Thứ ba, ngành du lịch lữ hành quốc tế, các công ty truyền thông, tổ chức sự kiện, các hội thảo phải ngưng hoạt động, rõ ràng là thiệt hại, không chỉ là du lịch, tham quan, hội họp mà còn ảnh hưởng đến các ngành khác như khách sạn , nhà hàng, các sản phẩm lưu niệm, các mặt hàng thủ công truyền thống của địa phương, xuất khẩu tại chỗ cho du khách, số lượng lao động trong lĩnh vực này rất đông. Hàng loạt người trong số họ đã mất việc làm.

Những người lao động đơn giản mất việc làm

Dạo đầu bài viết với sự so sánh thời thịnh vượng và những thiệt hại thời Covid-19, nhiều anh chị doanh nghiệp đã bổ sung thêm cho tôi về những khó khăn của doanh nghiệp, đa phần đồng thuận với suy nghĩ “còn người còn của, người làm ra của”, nên thở ra nhẹ nhàng, sức khỏe con người là trên hết, mọi việc rồi sẽ qua.

Vì thế tôi không viết tiếp ngành kinh doanh nào bị thiệt hại, mà tôi muốn viết đến những con người trực tiếp làm ra sản phẩm, dịch vụ cho các doanh nghiệp, họ sẽ ra sao khi các doanh nghiệp tạm đóng cửa.

Câu chuyện con cá sống vì nước và oxy trong nước để thở khiến tôi liên tưởng đến hình ảnh cái trục phun nước đã khuấy động dòng nước tạo ra oxy. Cái trục phun nước chính là chính sách quản lý của nhà nước và chính sách hỗ trợ thiên tai, dịch bệnh khi dân cần. Nhà nước đang chiến thắng dịch cúm Corona, đang được lòng dân. Nhà nước sẽ tiếp tục làm gì để ổn định và tiếp tục phát triển kinh tế đất nước. Những doanh nghiệp nên có biện pháp gì để cùng nhà nước chiến thắng trên mặt trận kinh tế tiếp theo.

Hãy nhìn, các con đường đều vắng, các hàng quán đều đóng cửa, từ quán cà phê, quán phở, quán bánh cuốn, cửa hàng cắt tóc, uốn tóc, làm móng đến những shop thời trang, những nhà hàng có thiết kế sang trọng trên những con đường quanh thành phố... Không chỉ tạm đóng cửa trong những ngày cách ly toàn xã hội mà họ đã tự đóng vì sợ dịch lây cho chính gia đình họ và vì ít khách đến ăn uống, mua sắm... Nhiều người đang khổ sở về tiền thuê nhà vẫn phải trả, nếu quyết định trả mặt bằng thì mất tiền cọc, mất tiền đầu tư sửa chữa mặt bằng.

Trên những đường phố này, các doanh nghiệp có khi chỉ đăng ký là doanh nghiệp cá thể nhưng họ đã giải quyết bao nhiêu công việc làm cho người lao động từ phục vụ bàn, đến pha chế, rửa bát, bảo vệ, giữ xe... những người này hầu như không có hợp đồng lao động đóng bảo hiểm, chủ cần thì gọi, chủ bảo nghỉ thì nghỉ. Họ sẽ sống ra sao trong những ngày này?

Thuyền lớn sóng to

Khó khăn của các doanh nghiệp thì ai cũng thấy, thuyền lớn sóng lớn, thuyền bé sóng bé. Nhiều doanh nghiệp đang kêu cứu chính phủ có biện pháp hỗ trợ, đã có nhiều chuyên gia kinh tế bàn đến các gói cứu trợ .

Tôi xin mạn phép được đặt câu hỏi: Vậy ai được hưởng ưu đãi cứu trợ, đối tượng nào cần thiết để được cứu trợ, tiền đâu để Chính phủ cứu trợ?

Tôi đã nêu cụ thể 3 đối tượng quan trọng gặp khó khăn ở các loại hình doanh nghiệp lớn liên quan gồm: Hàng không, xuất nhập khẩu, du lịch, khách sạn, sản xuất hàng tiêu dùng của địa phương. Các doanh nghiệp rất nhỏ ở các khu vực đường phố. Tất cả đều nằm im, tất cả đều đóng cửa, thiệt hại rất lớn, nhiều người mất việc làm ai cũng thấy rất rõ.

Nhưng có một đối tượng rất khó khăn thì chưa ai thấy đó là Ngân sách nhà nước! Xuất nhập khẩu giảm, nhà nước thất thu thuế nhập khẩu. Các doanh nghiệp không kinh doanh, chỉ có chi ra mà không có doanh thu, không có lợi nhuận, nhà nước thất thu thuế thu nhập doanh nghiệp.

Hàng hóa không lưu thông trên thị trường, dịch vụ không hoạt động, nhà nước thất thu thuế giá trị gia tăng VAT. Công nhân, người lao động mất việc làm, nhà nước thất thu thuế thu nhập cá nhân.

Nhà nước thất thu nhiều loại thuế tiêu thụ đặc biệt do người dân thắt chặt chi tiêu đối với các mặt hàng xa xỉ, không khuyến khích tiêu dùng…

Tóm lại, nhà nước thất thu toàn tập! Trong khi đó nhà nước phải chi cho dịch Covid-19 rất lớn, từ việc cách ly, cung cấp thực phẩm, thuốc men chữa trị cho người bệnh trên toàn quốc.

Nhà nước vẫn phải đảm bảo trả lương cho các bệnh viện, các y bác sĩ, cho bộ máy điều hành quản lý nhà nước, đảm bảo trật tự an ninh cho người dân. Nhà nước lúc này chính là người sử dụng một lực lượng lao động rất lớn.

Vậy thì nhà nước còn khó khăn hơn doanh nghiệp rất nhiều. ?

Cần chính sách hỗ trợ của Nhà nước

Cần hiểu sâu để chia sẻ với những khó khăn trong thu ngân sách của nhà nước trong thời gian chống dịch bệnh và những nỗ lực trong điều hành quản lý vĩ mô để chiến thắng dịch bệnh của cả nước. Cho đến nay Việt Nam không có ca tử vong nào liên quan Covid-19. Số người khỏi bệnh mỗi ngày mỗi tăng, số ca phát hiện dương tính mới vẫn còn nhưng không đáng kể. Điều đó toàn dân cả nước phải lấy làm mừng, là thắng lợi lớn, là đáng tự hào.

Cũng trong thời gian này, chúng ta ghi nhận sự đồng lòng, đồng chung sức của người dân, doanh nghiệp, các trường đại học, khu resort, khách sạn, doanh trại bộ đội đã sẵn sàng giao nơi kinh doanh, nơi làm việc, đóng quân của mình làm khu cách ly tập trung cho hàng chục ngàn người dân đã đi làm việc nước ngoài trở về, các du học sinh được trở về nhà bình an, thật ấm áp, thật tình người, thật đúng nghĩa đồng bào.

Cách ly toàn xã hội, thắng lợi lớn của chúng ta là sự đồng lòng, mọi người dân, mọi doanh nghiệp cùng răm rắp thực hiện, câu nói "mọi người ở đâu, ở yên đó cho chúng tôi nhờ" được chia sẻ vui vẻ trên mạng xã hội.

Nhưng lâm râm đã có sự lo lắng, đâu đó đã có những từ "phá sản" xuất hiện, đã có những ông bà chủ doanh nghiệp rút tiền ngân hàng, bán vàng để có tiền chi hỗ trợ một phần lương cho công nhân và cán bộ nhân viên. Một nhà báo quen tôi rụt rè viết coi chừng "toang" ngành ngân hàng nếu người dân cùng đua nhau rút tiền tiết kiệm .

Vì thế, bài này tôi muốn đưa ra thông điệp rằng không có gói cứu trợ nào đủ để cứu nền kinh tế, mà cần chính sách điều hành, hỗ trợ để mọi người cùng chung tay duy trì nền kinh tế.

Thứ nhất, về bảo hiểm xã hội, phải chi lương thất nghiệp thực tế cho người lao động của các doanh nghiệp có đóng bảo hiểm xã hội (mà tạm thời đóng cửa ngưng hoạt động trong thời gian dịch bệnh). Tạm ngưng thu bảo hiểm xã hội (BHXH) của người lao động vì họ có lương đâu mà bắt doanh nghiệp đóng BHXH thay cho họ.

Thứ hai, ngân hàng giãn nợ cho doanh nghiệp, không phạt nợ và lãi vay quá hạn của doanh nghiệp (ít nhất là 6 tháng)

Thứ ba, ngân hàng có kế hoạch thuyết phục người dân không rút tiền tiết kiệm và gia hạn sổ tiết kiệm trong giai đoạn này (ít nhất 6 tháng tương ứng với chính sách giãn nợ cho doanh nghiệp)

Thứ tư, Ngân hàng Nhà nước luôn sẵn sàng lượng tiền mặt ứng cứu các ngân hàng thương mại nếu người dân rút tiền.

Thứ năm, doanh nghiệp không kinh doanh, không có lợi nhuận thì Nhà nước muốn thu thuế cũng chẳng được. Riêng thuế đất nhà nước nên hoãn hoặc không thu của doanh nghiệp vì họ thực sự khó khăn.

Thay đổi phương cách kinh doanh

Cách ly toàn xã hội, bà giáo như tôi không đến trường, ngồi ở văn phòng Viện Khoa học pháp lý IBLA nằm trong khuôn viên nhà ở Điện Biên Phủ để chỉ đạo từ xa chương trình học online của Trường Duy Tân High School. Nhiều sự thay đổi trong xã hội, nếu không thay đổi sẽ không còn phù hợp.

Thứ nhất là thay đổi hệ thống giáo dục. Kể từ khi dịch bệnh cúm Corona virus, từ sau Tết ngày 3/2 đáng lẽ học sinh, sinh viên trên toàn quốc phải đến trường nhưng đành phải hoãn, mà chẳng biết hoãn đến bao giờ. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo "học sinh không đến trường nhưng vẫn phải học bằng nhiều hình thức". Từ đó các trường công lập, tư thục và các giáo viên đã nỗ lực để giúp học sinh theo học từ xa bằng các phần mềm online, bằng video bài giảng sinh động hơn và bằng những bài kiểm tra trên phần mềm tự động chấm điểm.

Hàng loạt câu hỏi đang đặt ra, vậy nhà trường với quy mô to lớn có cần thiết, có còn tồn tại? Tồn tại như thế nào? Bộ giáo dục và đào tạo phải thay đổi chính sách quản lý giáo dục như thế nào?...

Tuy vậy, cần phải có cuộc khảo sát ở diện rộng, nhiều phụ huynh vẫn muốn cho con đến trường. Trong thực tế học trực tuyến online vẫn còn nhiều bất cập, mạng internet chập chờn, học sinh học không nghiêm túc...

Thứ hai là mua bán hàng hóa trên online. Trong những ngày cách ly toàn xã hội. Các shop trên đường phố phải đóng cửa. Các siêu thị, cửa hàng tiện ích hạn chế người ra vào. Các doanh nghiệp đã năng động tổ chức giao hàng tận nhà qua website, qua facebook đặt hàng. Người tiêu dùng ngồi ở nhà không cần ra ngoài đường vẫn mua được hàng. Một lượng lao động (shipper) có việc làm, năng động, có trách nhiệm.

Nhưng thói quen phải nhìn thấy mặt hàng, phải thử size cỡ, chất lượng... Mọi người vẫn thích đi ra ngoài, uống ly cà phê ngắm phố phường, ăn tô phở nước trong có thịt tái nước lèo nóng bỏng tay hơn là mua về nhà nước nguội ngắt, hâm lại thì bánh phở bèo nhèo...

Cách ly toàn xã hội, chưa hết 15 ngày cách ly mà mọi người đã cuồng cẳng, đường đã bắt đầu đông, các hàng quán đang chuẩn bị, hết cách ly là bung lụa.

Thứ ba, những nhà đầu tư nhà đất (theo dạng cá nhân) mua căn hộ cho thuê, mua shophouse cho thuê, những năm qua rất tốt vì nhiều người nước ngoài vào Việt Nam làm việc. Những ngày dịch cúm Corona họ phải về nước nên trả lại nhà, mất tiền cọc. Hết dịch họ sẽ sang lại, các doanh nghiệp vẫn cần họ, họ vẫn cần việc làm. Nhà chưa cho thuê thì còn đó. Nếu người thuê cũ quay lại thì nên xem xét lại tiền cọc đã giữ lại. Shophouse cho thuê mà thời gian qua đóng cửa, chủ nhà cũng nên xem xét cùng chia sẻ lợi ích và rủi ro cho hai bên.

Hàng quán mở trở lại, kinh doanh lại vui vẻ bình thường, shop thời trang phải có sản phẩm đẹp để bán, hàng phở phải có người cung cấp thịt bò, bánh phở, chanh, rau húng... công nhân lại vào nhà máy sản xuất, nhà nông, người chăn bò, người trồng lúa, người trồng rau húng lại tất bật làm việc để cung cấp cho người đặt hàng.

Thị trường lại náo hoạt giữa người mua và người bán, lại có thu nhập, lại mua sắm trở lại theo đúng nghĩa của sự kích cầu.

Mấy người bạn có tiền tiết kiệm gửi ngân hàng hỏi tôi "có nên rút ra không vì em sợ lạm phát tiền mất giá". Tôi trả lời "không sao, dịch bệnh chỉ là sự cố nhất thời. Kinh tế Việt Nam đang tốt, mọi việc sẽ bình thường sớm thôi. Chúng ta đã nghỉ hưu, già rồi, làm gì bây giờ cũng phải lo toan, đau đầu chi vậy".

(*) Bài viết thể hiện quan điểm của Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn - Viện trưởng Viện Khoa học pháp lý và kinh doanh quốc tế (IBLA)

Nhà nước lấy đâu ra tiền để giúp doanh nghiệp - Ảnh 1.

Tiến sĩ Nguyễn Thị Sơn

The Leader

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên