Nhà ở gắn mác công trình xanh - mỗi nơi “xanh” một kiểu
Đa số các dự án chung cư quảng cáo là công trình xanh đều là tự gắn mác để thu hút khách hàng mà không hề theo chuẩn được công nhận.
- 15-08-2016Hành trình chinh phục “giải Oscar” của những công trình xanh
- 12-08-2016Công trình xanh: Bài toán cần giải trong sự bức bối của đô thị
- 20-07-2016Công trình xanh - Điểm nhấn Capital House tại Vietbuild Hà Nội 2016
Hiện nay, trên thị trường bất động sản xuất hiện hàng loạt dự án chung cư được quảng cáo là cuộc sống xanh, thành phố xanh, khu đô thị sinh thái…, khiến cho người mua nhà như bị bủa vây bởi những lời hoa mỹ về công trình xanh.
Tuy nhiên, trên thực tế, đa số các chủ đầu tư tự “phong” cho dự án của mình là xanh, chứ không theo một tiêu chuẩn nào. Ở nước ta cũng chưa có một bộ tiêu chuẩn quốc gia về công trình xanh, cách hiểu về công trình xanh rất chung chung.
Tìm hiểu về các dự án chung cư trong thời gian gần đây, chị Nguyễn Minh Châu bất ngờ khi dự án nào cũng được ví von như “khu vườn sinh thái”, “thiên nhiên trong lòng Hà Nội”… Dù là dự án được xây dựng trên khoảng diện tích lớn hay nhỏ, thì hầu hết đều có đủ vườn hoa, sân chơi, cây xanh, mặt nước, không hồ điều hòa thì hồ bơi… Ngay từ cái tên của dự án cũng nhấn mạnh đến yếu tố “xanh” như “Eco” (sinh thái), “Green” (xanh), “Nature” (thiên nhiên), Garden (khu vườn)…
“Qua tìm hiểu tôi thấy là hầu hết các dự án đều quảng cáo là dự án xanh, rất gần gũi thân thiện với môi trường, có cả cây xanh, hồ nước, bể bơi. Nhưng tôi cũng lo không biết là sau khi hoàn thiện thì có đạt được như vậy không. Như chúng tôi là những người mua nhà thì rất muốn tìm được một môi trường sống gần gũi, thân thiện, còn về vật liệu xây dựng thì chúng tôi không thể biết được là thế nào thì đạt tiêu chuẩn xanh”, chị Châu bộc bạch.
Từ quảng cáo cho đến thực tế là khoảng cách khá xa, nên nhiều người mua nhà đã phải thất vọng vì các dự án từng được gắn với các mỹ từ liên quan đến các yếu tố “xanh”. Tại dự án Thăng Long Garden, Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội, người dân đã phải bỏ nhiều tỷ đồng để mua nhà chung cư với cam kết có đầy đủ vườn hoa, cây xanh,… Chị Trương Mỹ Dung, mua nhà tại dự án này cho hay, phối cảnh của dự án phủ đầy màu xanh mát mắt, nhưng khi hoàn thiện lại không phải như vậy.
“Về đây là chúng tôi mua cả không gian rộng, có cả vườn hoa, cây xanh cho trẻ con và người già. Tuy nhiên đấy chỉ là “bánh vẽ” của chủ đầu tư, chúng tôi đã bỏ tiền ra mua nhà là mua luôn cả phần đất đấy rồi, tuy nhiên về ở đến giờ cơ sở hạ tầng thì chưa có, diện tích đất cây xanh, không gian cho trẻ con và người già chơi thì lại bị xây thành các hạng mục công trình kiên cố khiến nhiều người bất bình”, chị Dung bức xúc.
Nhiều người chỉ hiểu đơn giản một công trình xanh là sẽ có nhiều cây xanh, thảm cỏ, hồ nước, không gian công cộng… Tuy nhiên, công trình xanh cần có đánh giá tổng thể, mà đặc tính quan trọng nhất phải là tiết kiệm điện, nước, cung cấp được khí tươi, có ánh sáng tự nhiên, vật liệu xây dựng không có các hóa chất gây độc hại cho sức khỏe…
Nhưng những đặc tính xanh này lại ít khi được nhắc đến trong các chương trình quảng cáo của dự án chung cư. Do vậy, đa số các dự án chung cư quảng cáo là công trình xanh đều là tự gắn mác để thu hút khách hàng.
Ông Trần Như Trung, Phó Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Thương mại Thủ đô nhận định: “Hầu hết các dự án đều có mở đầu là eco trong khoảng 3 năm trở lại đây. Còn năm 2016 khó tìm ra một dự án không có chữ eco, không eco nọ thì eco kia. Các chủ đầu tư cũng mong muốn làm một thứ gì đó xanh sinh thái, ít nhất là theo nguyện vọng của chủ đầu tư. Bên cạnh đó đang có sự chú ý rất đặc biệt của thị trường đối với các dự án xanh, điều đó nói lên thị trường hiện rất nhạy cảm, mong muốn được ở trong những ngôi nhà tại dự án eco nọ, eco kia, mặc dù chưa có ai xác nhận là xanh”.
Xây dựng và phát triển công trình xanh là tất yếu, phù hợp với xu thế trên thế giới, nhất là trong điều kiện biến đổi khí hậu ngày càng gia tăng. Các chuyên gia cho rằng, cách hiểu về công trình xanh hiện nay quá chung chung, trong khi các cơ quan chức năng chưa đưa ra được định nghĩa, rõ ràng thế nào là công trình xanh cũng như bộ tiêu chí quốc gia.
Ông Đặng Thành Long, Giám đốc điều hành Hội đồng công trình xanh Việt Nam phân tích, hiện Bộ Xây dựng đã ban hành quy chuẩn số 09 năm 2013 về công trình tiết kiệm năng lượng hiệu quả là gần nhất với tiêu chuẩn về công trình xanh, nhưng đến nay cũng không có cơ chế để yêu cầu các công trình phải thực hiện. Do đó, nếu có xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn về công trình xanh mà không có cơ chế bắt buộc thực hiện thì các tiêu chí cũng sẽ chỉ nằm trên giấy.
“Nhìn chung các thành viên trên thị trường đều cho rằng, nếu như có một bộ tiêu chí chung cho cả nước thì công trình xanh ở Việt Nam sẽ phát triển nhanh hơn hiện nay. Trước mắt nếu quy chuẩn 09 của Bộ Xây dựng tìm cách áp dụng phổ biến, thực thi chặt chẽ đã là tốt lắm rồi, nếu làm được thì sẽ tính xa hơn là có một bộ công cụ xanh cho cả nước. Thị trường cần bây giờ là Nhà nước có một cái khung, định nghĩa về công trình xanh là như thế nào để người mua nhà hiểu rõ ràng công trình xanh là gì, các chủ đầu tư cũng cứ thế mà làm. Chưa có định nghĩa cụ thể nên bây giờ cứ mỗi người hiểu theo một kiểu”, ông Long nhận định.
Mỗi dự án chung cư hiện đang “xanh” một kiểu, chẳng theo tiêu chuẩn nào, chỉ nhằm mục đích marketing để bán hàng. Người mua nhà tưởng được ở công trình xanh mà lại không phải; chủ đầu tư có thực sự muốn làm công trình xanh cũng không đúng phương pháp, tiêu chuẩn.
Vì vậy, các cơ quan quản lý nhà nước cần nghiên cứu chiến lược cũng như có giải pháp hỗ trợ phát triển công trình xanh, nhất là các công trình chung cư, vì đây là loại công trình đang và sẽ còn tăng lên nhanh chóng về số lượng./.
VOV