Nhà phố, biệt thự vùng giáp ranh Tp.HCM “soán ngôi” thị trường
Đồng Nai, Long An, Bình Dương… dự báo là những thị trường nổi lên ở phân khúc nhà phố, biệt thự trong năm 2021 với nhiều dự án có quy mô lớn lên đến vài trăm hecta.
Theo báo cáo của DKRA Vietnam, năm 2020, phân khúc nhà phố/biệt thự khu vực Tp.HCM và các tỉnh giáp ranh ghi nhận có 45 dự án mới mở bán, cung cấp ra thị trường 7,339 căn. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 72%, tương đương khoảng 5,259 căn.
Theo số liệu thống kê, năm 2020 có 18 dự án mở bán (bao gồm bao gồm 12 dự án mới và 6 dự án cũ thuộc giai đoạn tiếp theo của dự án trước đó), cung cấp ra thị trường 2,504 căn, tăng 59% so với năm trước. Tỷ lệ tiêu thụ đạt 76% (khoảng 1,891 căn), tăng 75% so với năm 2019.
Đại diện đơn vị này cho rằng, nếu ở Tp.HCM quỹ đất phát triển phân khúc nhà phố, biệt thự ngày càng khan hiếm thì các thị trường giáp ranh lại đang nổi lên với các dự án quy mô. Nguồn cung mới tăng trong 2020 tập trung chủ yếu ở Đồng Nai, Long An. … Trong đó, Đồng Nai dẫn đầu nguồn cung chiếm khoảng 38% nguồn cung mới toàn thị trường. Tương tư, tại Long An xuất hiện một số dự án nhà phố, biệt thự quy mô của các CĐT lớn thay vì những dự án đất nền lẻ tẻ như trước đây. Chẳng hạn một số dự án quy mô như Central Hill, The Sol City...
Năm 2020, chứng kiến sự xuất hiện những khu đô thị lớn có quy mô hàng trăm hecta, được phát triển bài bản, đầy đủ tiện ích. Điểm chung, những KĐT được phát triển ở các quận vùng ven thuộc Tp.HCM hoặc nằm huyện giáp ranh Tp.HCM nơi có hạ tầng giao thông kết nối thuận lợi.
Nhiều dự án nhà phố, biệt thự tỉnh lân cận Tp.HCM ra thị trường với quy mô lớn, bài bản
Còn theo JLL Việt Nam, các dự án nhà phố, biệt thự đang dịch chuyển ra xa trung tâm thành phố, nơi có quỹ đất lớn cho môi trường sống xanh và rộng rãi phục vụ cho đối tượng mua nhà để an cư. Các nhà đầu tư mong muốn mở cửa hàng kinh doanh hoặc đơn giản là để giữ tài sản nhà đất dài hạn không bị mất giá theo quan điểm của người Việt Nam cũng chịu chi vào các dự án này, chủ yếu là những gia đình có dòng tiền tốt và ít bị ảnh hưởng bởi nền kinh tế đang chậm lại.
Theo đơn vị này, đợt sóng Covid-19 thứ hai diễn ra ngắn ngủi và dường như không ảnh hưởng đến tâm lý thích sở hữu nhà liền thổ của người Việt. Ngoài ra, dịch bệnh xét về một mặt nào đó cũng là cơ hội để thị trường loại ra những nhà đầu cơ ngắn hạn có vốn hạn chế. Trên toàn thị trường, những dự án có mức giá dưới USD 450.000 một căn tiếp tục được cả người mua để ở và những nhà đầu tư dài hạn săn đón do mức giá này phù hợp với nhiều người.
Theo ông Võ Huỳnh Tuấn Kiệt, Giám đốc bộ phận nhà ở CBRE Việt Nam, trong năm 2020 Đồng Nai, Long An, Bà Rịa – Vũng Tàu, các vệ tinh có kết nối giao thông tốt về Sài Gòn đều ồ ạt bung hàng nhà phố, biệt thự với nguồn cung vượt trội so với Tp.HCM.
"Các thị trường lân cận nhiều khả năng tiếp tục trở thành thị trường thay thế và soán ngôi Sài Gòn để trở thành những điểm nóng thu hút đầu tư trong 12 tháng tới. Doanh nghiệp địa ốc sẵn sàng đi xa hơn, đẩy mạnh tìm kiếm thị trường mới bên ngoài Tp.HCM để sinh tồn, phát triển quỹ đất dự án, từ đó giới đầu tư cũng theo chân họ đến các thị trường vệ tinh", ông Kiệt khẳng định.
Giới chuyên gia xác nhận bất động sản vệ tinh "chiếm sóng" Tp.HCM trong năm 2020 là do thủ tục pháp lý phát triển các dự án nhà ở tại Sài Gòn kéo dài nhiều năm liền khiến nguồn cung tắc nghẽn cục bộ, đẩy các doanh nghiệp tại TP HCM buộc phải di cư về các tỉnh thành khác dễ phát triển dự án hơn. Nếu tình trạng này kéo dài, TP HCM có thể bị giảm sức hút đầu tư và bị các tỉnh vệ tinh chiếm thị phần. Xu hướng "chiếm sóng" này có thể tiếp diễn trong các năm tới.