MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

"Nhà quan tài" bộc lộ bất ổn ở Hồng Kông giữa dịch Covid-19: Chúng tôi sai vì chúng tôi nghèo!

17-02-2021 - 10:22 AM | Tài chính quốc tế

"Nhà quan tài" bộc lộ bất ổn ở Hồng Kông giữa dịch Covid-19: Chúng tôi sai vì chúng tôi nghèo!

Những người thu nhập thấp, dân tộc thiểu số đang chịu sự kỳ thị rõ rệt của tầng lớp thượng lưu ở Hồng Kông.

Nguồn lây nhiễm tiềm ẩn

Shirley Leung, 60 tuổi, thức dậy và thấy mình bị mắc kẹt trong nhà bởi lệnh phong tỏa đầu tiên của Hồng Kông do ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 . Bà nhìn lướt qua căn phòng nhỏ nơi bà sống cùng cậu con trai, trong phòng chỉ có một chiếc giường đơn, vài thùng carton và xô nhựa đựng quần áo.

Bà cố gắng không nghĩ đến mùi ẩm mốc từ trần và bốn bức tường nhà. Bà chia nhỏ số lượng rau tươi đang có trong nhà, không hài lòng với thực phẩm đóng hộp và mì gói mà chính quyền đã cung cấp kể từ khi lệnh phong tỏa được ban hành. Bà trăn trở về tình trạng đông đúc và thông nhau của khu chung cư đang sống.

"Nếu có người trong một căn hộ lớn bị nhiễm bệnh, làm thế nào để các ca bệnh không lây lan giữa các căn hộ nhỏ", bà Leung nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại với The New York Times (NYT). "Làm sao tòa nhà này có thể an toàn?".

 Nhà quan tài bộc lộ bất ổn ở Hồng Kông giữa dịch Covid-19: Chúng tôi sai vì chúng tôi nghèo! - Ảnh 1.

Khu dân cư Jordan với điều kiện sống tồi tàn, tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm dịch bệnh. Ảnh: NYT

Từ lâu, Hồng Kông đã là một trong những nơi có sự chênh lệch giàu nghèo lớn nhất thế giới. Ở thành phố này, các trung tâm mua sắm sang trọng thời thượng nằm cạnh những khu chung cư cho thuê giá rẻ đông đúc. Ở một số khu chung cư cho thuê giá rẻ, phòng tắm đôi khi đóng vai trò như nhà bếp. Thời điểm bình thường, sự bất bình đẳng này thường được che giấu bởi vẻ ngoài hào hoa của Hồng Kông. Nhưng trong đại dịch Covid-19, cái giá phải trả của sự bất bình đẳng này đã bộc lộ.

Trong vòng 1 tháng đầu năm nay, Hồng Kông đã xác nhận khoảng hơn 1.000 trường hợp nhiễm SARS-CoV-2. Phản ứng của chính quyền là phong tỏa 16 khu phố với hơn 10.000 cư dân. Hơn 3.000 nhân viên (nhiều người trong số họ mặc quần áo bảo hộ từ đầu đến chân) bất ngờ xuất hiện tại các khu dân cư để tiến hành xét nghiệm virus quy mô lớn.

Trưởng đặc khu Hồng Kông Carrie Lam hồi tháng 1 nói rằng, biện pháp phong tỏa đã đạt được thành công và tuyên bố có thể phong tỏa nhiều khu vực hơn nữa. Sau đó không lâu, giới chức Hồng Kông ban bố lệnh phong tỏa đối với khu Yau Ma Tei.

Họ cho rằng môi trường sống tồi tàn của nhiều cư dân ở khu Jordan đã thúc đẩy sự lây lan của virus. Là một khu dân cư đông đúc nổi tiếng với chợ đêm sôi động, những chung cư cao tầng cũ và nhiều quán ăn, Jordan là nơi có mật độ dân cư cao nhất của thành phố. Tại đây, những căn hộ lại bị chia nhỏ thành hai hoặc nhiều căn hộ nhỏ hơn.

Hơn 200.000 cư dân nghèo nhất của Hồng Kông sống trong loại căn hộ này. Diện tích sống bình quân dưới 4,5m2/người, nhỏ hơn một phần ba diện tích chỗ đậu xe của thành phố New York . Một số không gian sống nhỏ đến mức người ta gọi chúng là lồng hoặc quan tài.

Điều kiện sống có thể dẫn đến bùng phát dịch bệnh này cũng khiến nhiều cư dân lo lắng về hậu quả của việc không đi làm trong một ngày, hoặc lo lắng về việc bị mắc kẹt trong một môi trường không thông thoáng và hơn thế nữa lại có lợi cho sự lây lan của virus. Giới chức địa phương thừa nhận họ không biết chính xác số lượng người sống trong những căn hộ chia nhỏ như vậy, điều này khiến việc lấy mẫu xét nghiệm trở nên phức tạp hơn.

 Nhà quan tài bộc lộ bất ổn ở Hồng Kông giữa dịch Covid-19: Chúng tôi sai vì chúng tôi nghèo! - Ảnh 2.

Khu chợ, hàng quán dày đặc ở Jordan. Ảnh: NYT

Phân biệt đối xử bộc lộ rõ rệt

Ngoài ra, sự phân biệt đối xử đối với những cư dân gốc Nam Á có thu nhập thấp (nhiều người sống ở khu Jordan) cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề.

Có cáo buộc cho rằng, đã có những ca bệnh xuất hiện trong giới thượng lưu Hồng Kông, thậm chí một số người giàu đã ngang nhiên coi thường các quy định giãn cách xã hội nhưng chính quyền chưa bao giờ phong tỏa khu vực giàu có.

"Nếu nói họ làm sai điều gì thì đó là họ nghèo, sống trong những ngôi nhà chia nhỏ hoặc có màu da khác", Andy Yu, đại diện hội đồng quận chia sẻ.

Kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát, tình hình ở các căn hộ chia nhỏ này rất đáng lo ngại.

Bà Leung và con trai chỉ có một chiếc giường, ban đêm khi con trai đi làm ca ở công trường, bà ngủ trên giường, ban ngày con trai bà sẽ được ngủ trên giường. Bà cho biết một thanh dầm đã xuất hiện vết nứt nhưng chủ nhà không sửa chữa. Nấm mốc cũng là vấn đề muôn thuở vì nước bẩn tiếp tục rò rỉ từ các căn hộ liền kề.

Hệ thống đường ống của các căn hộ nhỏ thường được sửa chữa để nối liền nhiều nhà vệ sinh hoặc nhà bếp hơn, nhưng việc lắp đặt lại thường bị lỗi. Trong đợt dịch SARS từ năm 2002 đến 2003, virus đã lây lan qua hệ thống đường ống nước kém chất lượng khiến hơn 300 người trong khu dân cư nhiễm bệnh và 42 trường hợp tử vong.

Chính quyền Hồng Kông từng hứa sẽ cải thiện sau dịch SARS, nhưng thừa nhận rằng tình hình vẫn còn nguy hiểm.

"Các tòa nhà trong khu vực cấm này ngày càng cũ và đang hư hỏng", Sophia Chan, Giám đốc Cục Y tế và Thực phẩm Hồng Kông cho biết. "Nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng là rất cao".

 Nhà quan tài bộc lộ bất ổn ở Hồng Kông giữa dịch Covid-19: Chúng tôi sai vì chúng tôi nghèo! - Ảnh 3.

Sushil Newa, chủ của một nhà hàng Nepal, cho biết, họ đang chịu sự kỳ thị sắc tộc tại Hồng Kông. Ảnh: NYT

Thực tế, lệnh phong tỏa trên chỉ kéo dài khoảng hai ngày và chính quyền Hồng Kông cho biết, họ đã hoàn thành việc lấy mẫu xét nghiệm. Kết quả, 13 người dương tính với SARS-CoV-2.

Nhưng các chuyên gia cho rằng chính quyền đặc khu vẫn chưa giải quyết được vấn đề cơ bản.

Wong Hung, Phó Giám đốc Viện Sức khỏe Công bằng thuộc Đại học Trung Quốc Hồng Kông, nói rằng chính quyền đã không giám sát đầy đủ đối với các căn hộ chia nhỏ.

"Họ lo lắng rằng nếu họ thi hành bất cứ quy định gì, những gia đình thu nhập thấp này sẽ không có nơi để sống", ông Hung nói, thị trường bất động sản Hồng Kông liên tục được xếp hạng là thị trường có giá cả đắt đỏ nhất trên thế giới.

Bất bình đẳng thu nhập ở Hồng Kông cũng đan xen với các vấn đề sắc tộc. Đại dịch Covid-19 đã làm gia tăng sự phân biệt đối xử lâu đời đối với cư dân Nam Á, những người chiếm khoảng 1% dân số Hồng Kông. Theo thống kê của chính quyền, gần một phần ba các gia đình Nam Á Hồng Kông, có con cái, sống dưới mức nghèo khổ, gấp đôi tỷ lệ của tất cả các gia đình Hồng Kông sống dưới mức nghèo khổ.

Nhiều cư dân Nam Á sống ở Jordan và các khu vực lân cận, bao gồm cả những ngôi nhà chia nhỏ, khi virus lây lan, một số người dân địa phương thường cáo buộc người Nam Á có thói quen không hợp vệ sinh.

Quan chức y tế cấp cao của Hồng Kông, Raymond Ho, đã kích động sự tức giận vào hồi tháng 1 khi cho rằng các nhóm thiểu số ở Hồng Kông đang góp phần vào việc lây lan virus vì "họ thích chia sẻ thức ăn, hút thuốc, uống rượu và nói chuyện". Lãnh đạo Đặc khu hành chính Hồng Kông Carrie Lam sau đó nói rằng chính phủ không có ý nói rằng sự lây lan của dịch bệnh có liên quan đến sắc tộc.

Sushil Newa, chủ của một nhà hàng Nepal với những bức tường sơn màu rực rỡ, trong khu phong tỏa chia sẻ với NYT ảnh chụp màn hình của các bình luận kỳ thị sắc tộc được lưu trên điện thoại của mình.

"Chúng tôi làm việc chăm chỉ và đóng thuế ở đây, vậy tại sao chúng tôi lại bị Hồng Kông cô lập?", Newa đặt câu hỏi khi đề cập đến sự phân biệt đối xử.

Wong Hung cho rằng chính quyền đặc khu chưa cũng giao tiếp hiệu quả với cư dân Nam Á, khiến người dân cảm thấy hoang mang về lệnh phong tỏa. Mặc dù chính quyền sau đó nói rằng họ đã cử thông dịch viên đến khu vực này nhưng nhiều người dân nói rằng chính quyền đã cung cấp thực phẩm không phù hợp về văn hóa, chẳng hạn như tặng thịt lợn cho người Hồi giáo.

Tuy nhiên, Newa cho biết ông ủng hộ các hạn chế về di chuyển. Ông nói, tuy buôn bán thua lỗ nhưng điều quan trọng hơn là phải kiểm soát được dịch bệnh.

Các chủ doanh nghiệp khác đồng ý với điều này nhưng cũng yêu cầu chính quyền hỗ trợ họ.

Low Hung-kau, chủ quầy hàng Ẩm thực Thượng Hải ở góc phố, nói rằng ông đã phải vứt bỏ các nguyên liệu để làm xiaolongbao, điều này đã khiến việc kinh doanh càng trở nên sa sút.

"Tôi đã tổn thất 60% thu nhập", ông nói. "Hầu như không có ai đến".

Trong ngày thứ hai sau lệnh phong tỏa, ông đã tập trung các chủ nhà hàng gần đó, cùng họ gọi điện yêu cầu chính quyền hỗ trợ một phần thiệt hại do lệnh phong tỏa gây ra. Tuy nhiên, giới chức địa phương né tránh vấn đề bồi thường, chỉ nói rằng họ hy vọng người sử dụng lao động sẽ không trừ lương của những nhân viên không làm việc .

Trong thời gian hạn chế đi lại, một số người không có lựa chọn nào khác, họ chỉ có thể đi làm mặc dù làm như vậy rất rủi ro.

Ho Lai-ha, 71 tuổi, công nhân vệ sinh môi trường cho biết, bà đã hoàn thành việc dọn dẹp đường sá và ống cống vào cuối tuần, dù trước đó vài ngày, chính quyền đã liệt những nơi này vào danh sách nguồn lây nhiễm tiềm ẩn.

"Tôi hơi sợ, nhưng không còn cách nào khác", cô nói khi vừa ngâm cây lau nhà trong một ống cống lộ thiên. "Dù khu vực này đã phong tỏa nhưng chúng tôi vẫn phải làm việc".

Theo An An

Doanh nghiệp & Tiếp thị

Trở lên trên