10 cách để "đánh lừa" bộ não và khiến bạn đạt được hiệu suất làm việc đáng kinh ngạc: Đơn giản đến không thể ngờ!
Nếu bạn đang cảm thấy quá mệt mỏi và căng thẳng với công việc, đừng vội đổ lỗi cho ông chủ của bạn. Có lẽ bạn cần xem xét lại bộ não của mình trước tiên đã.
- 19-05-2019Câu chuyện đằng sau bức ảnh đẹp nhất năm 1987 trên tạp chí National Geographic
- 19-05-2019Lời khuyên đắt giá từ tỷ phú Jack Ma để học cách đối mặt với lời từ chối: Hãy coi đó là cơ hội giúp bạn phát triển!
Ngoài công việc thực tế, nhân viên lãng phí nhiều thời gian hơn với những bận tâm bên ngoài. Những cuộc gọi, tin nhắn không thuộc phạm vi làm việc liên tục được gửi đến, theo công ty phần mềm Atlassian. Công nghệ không giúp được gì trong quá trình làm việc của bạn. Vox Media - một công ty truyền thông kỹ thuật số đa quốc gia - phát hiện ra rằng trung bình công nhân của họ gửi tin nhắn Slack cứ sau 12 phút một lần trong 8 tiếng làm việc. Có thể tưởng tượng Slack là một "phòng chat" cho toàn bộ nhân viên trong công ty của bạn.
Đó chính là điều mà nhân viên và giám đốc điều hành trên toàn thế giới phàn nàn về sự kiệt sức và căng thẳng của nhân viên, đặc biệt là tại các công ty công nghệ lớn.
Nghịch lý giữa sự suy giảm năng suất làm việc và cảm giác phải làm việc quá sức có thể làm giảm khả năng sinh học của bạn, nhà thần kinh học Sahar Yousef đến từ Viện Đại học California, Berkeley chia sẻ với khán giả tại hội nghị 99U của Adobe. Nơi tập hợp các chuyên gia sáng tạo trong các lĩnh vực từ thực tế ảo đến nghệ thuật tương tác.
"Cơ thể của chúng ta là thứ duy nhất không thay đổi. Nhiều người trong chúng ta đã không biết cách điều chỉnh cơ thể sinh học hoặc tái tạo bộ não của mình cho sự biến đổi công nghệ tại nơi làm việc", Yousef nói.
"Chúng ta đã tạo ra công nghệ và những thiết bị tân tiến, nhưng mấu chốt của vấn đề là chúng ta không thay đổi. Chúng ta vẫn có cấu tạo cơ thể và cơ chế sinh học như vậy từ xưa đến nay", Yousef nói với khán giả trong buổi diễn thuyết.
Yousef đã giải thích các cách để điều chỉnh lại ngày làm việc của bạn và để tận dụng tối đa khả năng hoạt động tối ưu của cơ thể. Dưới đây là 10 cách để lừa bộ não của bạn hoàn thành công việc nhiều hơn so với kế hoạch.
1. Giữ điện thoại thông minh tránh xa tầm mắt của bạn
Hạn chế sử dụng điện thoại.
Sự mất tập trung là kẻ giết người hiệu quả số một, và điện thoại thông minh của bạn chính là thủ phạm, Yousef nói.
Trên thực tế, một nghiên cứu của Đại học Texas-Austin đã phát hiện ra rằng nếu mọi người ở trong cùng một phòng với bất kỳ chiếc điện thoại thông minh nào. Cho dù nó không được bật và không phải là của họ thì trí nhớ và sự chú ý của họ đều bị giảm đi. "Việc sử dụng điện thoại có thể làm giảm chỉ số IQ của toàn bộ căn phòng", Yousef chia sẻ với khán giả.
Điện thoại thông minh làm xao lãng con người bởi vì, về mặt tâm lý, chúng không còn được dùng chỉ để liên lạc. Mọi người trở nên gắn bó về mặt cảm xúc thông qua các cuộc gọi điện thoại và khi xem lại những hình ảnh hoặc video của người thân mà họ lưu trữ trong máy.
"Những chiếc điện thoại này là cảm xúc. Chúng tôi rất quan tâm đến chúng, và đây là lý do tại sao chúng là thứ gây xao lãng nhất trong lịch sử loài người vào thời điểm này", Yousef nói.
Việc cách xa điện thoại giúp bạn tách khỏi kết nối cảm xúc mà bạn có với điện thoại của mình.
2. Hạn chế làm việc tại các văn phòng mở
Không dành quá nhiều thời gian cho các văn phòng mở.
Các văn phòng mở đã gây ra sự suy giảm năng suất. Các nhà nghiên cứu của Harvard nhận thấy rằng với các kế hoạch văn phòng mở, thời gian làm việc thường xuyên bị gián đoạn.
Ở đó, mọi người liên tục tương tác với những đồng nghiệp mà họ thích. Vì bản chất con người thường rất hòa đồng và thích tương tác với những người thân thiết với mình. Do đó thời gian dành cho công việc theo đó sẽ bị ít đi, Yousef nói.
Vì lý do này, làm việc trong một quán cà phê bận rộn có thể hiệu quả hơn, vì bạn không có bất kỳ kết nối nào với những người xung quanh. "Bộ não con người không được thiết kế để ở trong một không gian mở rộng lớn. Nó sẽ khiến bạn bị căng thẳng về mặt sinh lý nhiều hơn. Bạn giống như đang cố gắng hoàn thành công việc tại một nhà trẻ vậy", Yousef nói.
3. Hãy nhớ rằng bạn không thể làm quá nhiều việc một lúc
Đừng làm quá nhiều việc một lúc.
Khi con người chuyển từ công việc này sang công việc khác, bộ não của chúng ta phải dành thời gian và năng lượng để tập trung vào nhiệm vụ tiếp theo. Thời gian lãng phí trong việc chuyển đổi giữa các tác vụ được gọi là "chi phí chuyển đổi".
"Mỗi lần chúng tôi chuyển đổi đều mất phí. Và nó đang cạn kiệt dần. Bạn mất rất nhiều thời gian để làm một công việc tương tự", Yousef nói.
Thay vào đó, Yousef khuyến khích mọi người thực hiện nhiệm vụ đơn, hoặc thậm chí sắp xếp thời gian có chủ ý để thực hiện một việc, được gọi là "tập trung chạy nước rút". Để thực hiện điều đó, bạn phải dành một khối thời gian để cố hoàn thành một nhiệm vụ, hẹn giờ và tắt tất cả các thông báo không liên quan.
4. Tắt thông báo điện thoại
Tắt thông báo điện thoại.
Năm 2011, mọi người có thể tập trung trên ba phút trước khi bị phân tâm bởi một thứ gì đó. Nhưng đến năm 2013 thời gian bị rút ngắn chỉ còn 90 giây, theo nghiên cứu của Đại học California-Irvine.
Thông báo của bạn khiến cho bạn mất tập trung và quên hết những việc bạn đã làm trước đó, Yousef nói. Mạng xã hội được thiết kế để sử dụng các thủ thuật tâm lý giúp thu hút sự chú ý của bạn. Các nhà phát triển ứng dụng thậm chí đã xem xét cách thu hút các con bạc của các sòng bạc hiện nay. Và họ đã tạo ra các thông báo với hiệu quả tương tự như vậy, phóng viên Avery Hartmans của Business Insider cho biết.
Để tránh bị phân tâm, Yousef nói hãy lấy lại quyền kiểm soát các thông báo bằng cách tắt chúng đi và tập trung năng lượng của bạn vào các nhiệm vụ khác.
5. Hướng sự chú ý của bạn vào mục đích đã đề ra
Ghi chú lại mục tiêu của bạn.
Trước khi thực hiện việc "tập trung chạy nước rút" hoặc bất cứ khi nào bạn muốn dành thời gian để hoàn thành một công việc. Hãy ghi chú nó lại, dán và giữ trên màn hình máy tính của bạn sẽ giúp thu hút sự chú ý của bạn. Mỗi khi bạn bị phân tâm, ghi chú đó sẽ giúp đưa bạn trở lại với công việc đã đề ra. Việc hẹn giờ cũng có thể giúp đốc thúc bạn thực hiện nhiệm vụ trước mặt và giảm phiền nhiễu không đáng có, Yousef nói.
6. Để ngăn chặn sự trì hoãn hãy làm cho công việc của bạn bớt đáng sợ
Chia nhỏ công việc sẽ giúp bạn thoải mái hơn.
Nguyên nhân sâu xa của sự trì hoãn là nỗi sợ hãi. Khi bạn có hàng núi công việc trước mặt, bạn sẽ nghĩ rằng dù sao đi nữa mình cũng không bao giờ hoàn thành được và bắt đầu chần chừ. "Đó là khi nhiệm vụ trước mặt chúng ta lớn đến mức khiến chúng ta bắt đầu làm những điều ngớ ngẩn, và nghĩ rằng mình không đủ năng lực", Yousef nói.
Để lừa bộ não của bạn làm nhiều hơn, chia nhỏ các nhiệm vụ của bạn và tự hỏi những gì mình có thể hoàn thành trong năm phút. Điều này sẽ đẩy bạn tiến về phía trước và hoàn thành xuất sắc công việc được giao, Yousef nói.
7. Tìm thời điểm bạn đạt hiệu suất cao nhất
Tìm thời điểm bạn đạt hiệu suất cao nhất.
Số giờ trong ngày không bằng nhau. Một số thời điểm nào đó trong ngày sẽ khiến bạn sáng tạo hơn. Trong khi những lúc khác lại khiến bạn rơi vào mức năng lượng thấp. Tìm kiếm số giờ trong ngày khiến bạn đạt đến mức hiệu suất cao nhất và tối ưu hóa khung thời gian đó sẽ khiến bạn thành công hơn, Yousef lập luận.
Trên thực tế, các giám đốc điều hành hàng đầu có thể đạt được năng suất cao gấp năm lần trong giờ hiệu suất cao nhất trong ngày. Nhưng chỉ 5% trong số họ biết tận dụng thời điểm này, theo một nghiên cứu của McKinsey.
Yousef đề nghị bạn nên thiết kế ngày làm việc của mình xung quanh giờ hiệu suất cao nhất của bạn. Bạn có thể tìm thấy nó thông qua việc ghi lại những phần nào trong ngày của bạn dẫn đến năng suất cao nhất đó.
8. Tự động hóa các quyết định của bạn
Không nên tốn quá nhiều sức vào việc suy nghĩ những thứ nhỏ nhặt.
Những người thành công như Barack Obama và Steve Jobs đều mặc trang phục giống nhau mỗi ngày. Về mặt tâm lý, những người thành công này mặc quần áo giống nhau để không phải giải quyết thêm vấn đề ăn mặc. Làm như vậy, họ tránh được sự mệt mỏi khi quyết định và phải đau đầu suy nghĩ. Điều mà phần nào làm cạn kiệt năng lượng của bộ não, Yousef nói.
Dành quá nhiều thời gian trong một ngày để đưa ra những quyết định vô nghĩa khiến bạn giảm bớt năng lượng khi hoàn thành những thứ quan trọng khác. Thay vào đó, Yousef đề nghị tự động hóa một số quyết định, như mặc gì hoặc ăn gì cho bữa sáng, để cuối cùng bạn có thể đưa ra quyết định tốt hơn liên quan đến công việc.
9. Dành thời gian nghỉ ngơi
Dành cho bản thân một chút thời gian để nghỉ ngơi, thư giãn.
Việc thức trắng đêm của nhiều sinh viên đại học hoặc những người nghiện công việc là chuyện dĩ nhiên. Việc thiếu ngủ giống như say rượu vậy. Trên thực tế, Yousef cho biết, làm việc suốt 22 giờ mà không ngủ có tác động sinh học tương tự như có nồng độ rượu trong máu là 0,08 (BAC) vậy.
Ngủ bảy tiếng một ngày và nghỉ giải lao sẽ giúp cơ thể bạn nạp lại năng lượng và tập trung hơn. Yousef cũng nói rằng ăn bữa phụ với các loại thực phẩm ít đường, giàu protein trong ngày để giữ cho mức đường huyết của bạn đủ ổn định để đạt năng lượng tối ưu.
10. Kiểm soát thời gian uống cà phê buổi sáng
Chọn thời điểm uống cà phê thích hợp nhất.
Yousef cũng chỉ ra cách sử dụng caffeine hiệu quả. Con người thường tràn đầy năng lượng ngay khi thức dậy và uống thêm cà phê vào lúc đó để nạp năng lượng sẽ không giúp ích gì nhiều. Thay vào đó, đối với những người có nhịp sống sinh học trung bình (đồng hồ sinh học bên trong cơ thể của bạn), thời gian tốt nhất để nạp caffeine là vào lúc 10 giờ sáng và 1 giờ chiều, hoặc sau bữa trưa.
Business insider