MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà Việt Nam học Daria Mishukova bật mí cách khai thác "mỏ vàng" du lịch Việt Nam

Du lịch được xem là ngành kinh tế mũi nhọn của Việt Nam trong tương lai nhưng làm thế nào để nó trở thành "mỏ vàng"? Báo Trí Thức Trẻ đã có cuộc trao đổi với bà Daria Mishukova, nhà Việt Nam học người Nga, chuyên gia có hơn 20 năm sống, nghiên cứu về văn hoá, du lịch Việt Nam.

Cuối năm 2016, du lịch Việt Nam đón tin vui khi lượng khách quốc tế cán mốc kỷ lục 10 triệu người. Con số này được dự đoán sẽ tăng nhiều hơn trong các năm tiếp theo, và du lịch được định hướng trở thành ngành kinh tế mũi nhọn cơ bản đến năm 2020.

Theo đánh giá, Việt Nam được xếp hạng thứ 16/184 quốc gia có tiềm năng lâu dài trong phát triển du lịch, đồng thời xếp trong “Top 20” trong bản đồ du lịch toàn cầu. Tuy nhiên, hiện trạng ngành lại cho thấy sự tụt hậu so với các nước. Vậy, đâu là nguyên nhân chính?

Cần phải hiểu rõ tiềm năng và việc phát triển tiềm năng vốn có để đạt được thành tựu rực rỡ là hai phạm trù khác biệt. Việt Nam đã đạt được nhiều thành công trong phát triển ngành du lịch trong 20 năm qua. Nhưng con đường phía trước còn rất dài và nhiều thách thức.

Năm 2016, có 10 triệu khách quốc tế sang thăm Việt Nam. Trong khi đó, con số này ở Nhật Bản là 24 triệu người, Thái Lan là 32,5 triệu người, gấp 2 – 3 lần. Tôi cho rằng nguyên nhân chính là vì Việt Nam chưa có thông điệp rõ ràng về du lịch Việt, trong đó, thương hiệu của Việt Nam là gì, định hình như thế nào trong tâm trí bạn bè quốc tế.

Đối với người nước ngoài, điều khiến họ liên tưởng đến Việt Nam là gì?

Theo tôi, trong suy nghĩ của đại đa số người nước ngoài, Việt Nam không hề được định vị rõ ràng. Khi phân tích các yếu tố về hình ảnh Việt Nam trên thế giới, có một hình ảnh từ được cả thế giới biết đến, đó là... chiến tranh Việt Nam. Đấy là hình ảnh của Việt Nam được in đậm trong thế kỷ XX, mang tính chất toàn cầu.

Sau này, Việt Nam đã nỗ lực phát đi những thông điệp mới nhưng lại chưa tạo được thông điệp rõ ràng, cũng như không có toàn cầu hoá. Điều này có liên quan đến tất cả các lĩnh vực khác, không chỉ riêng du lịch.

Tôi lấy ví dụ, hàng Nhật Bản được định vị là “chất lược cao”, hàng Trung Quốc thì định nghĩa cho “chất lượng thấp”, còn hàng Việt ở đâu? Đấy chính là sự không rõ ràng.

Có một nghịch lý khác, hơn 30 năm rồi, dù Việt Nam nằm trong top 3 thế giới về xuất khẩu gạo, cà phê, hạt tiêu nhưng tôi hỏi các chuyên gia trong ngành thì họ cho biết người tiêu dùng quốc tế khi sử dụng không nhớ đến Việt Nam. Điều này khác hẳn với thịt bò Úc, cá hồi Na Uy, phomai Pháp…

Việt Nam đang có định hướng xây dựng ngành du lịch thành ngành mũi nhọn cơ bản đến năm 2020, theo bà cần phải tập trung vào những điểm nào?

Như tôi đã nói từ đầu, Việt Nam cần phải có thương hiệu du lịch mạnh, có tính toàn cầu, định vị được trong tâm trí của du khách quốc tế .

Tiếp theo, Việt Nam nên có chất lượng dịch vụ chu đáo và chất lượng trải nghiệm văn hoá để làm cho du khách muốn quay trở lại. Cách nói thường thấy như “Di tích này rất nổi tiếng và đã có từ lâu rồi” hay cách giải quyết vấn đề về dịch vụ kiểu “Xin thông cảm” đều không phù hợp nữa.

Cha đẻ của Marketing hiện đại, ông Philip Kotler khi sang Việt Nam đã thốt lên "Việt Nam nên là bếp ăn của thế giới". Theo bà, Việt Nam nên khai thác nó như thế nào để phục vụ du lịch?

Philip Kotler đã tạo ra một câu nói hay đi vào trái tim người Việt. Đây là một trong những bí quyết marketing. Hiện nay ẩm thực Việt Nam đã có rất nhiều fan hâm mộ. Tuy nhiên, thách thức trước mắt vẫn còn rất nhiều. Bởi lẽ nếu so độ phổ biến giữa “Phở”, “Sushi” hay “Pizza” thì “Phở” sẽ kém phổ cập hơn.

Đối với câu chuyện quán ăn vỉa hè hay chuỗi nhà hàng, tôi cho rằng tuỳ theo khách du lịch. Nhưng đối với khách Nga, họ không thích quán ăn vỉa hè vì sợ không đảm bảo an toàn thực phẩm. Một số người có thể thích trải nghiệm “ăn bụi” nhưng tôi chưa bao giờ nghe chuyện du khách quay lại Việt Nam để ăn hàng quán vỉa hè cả.

Cuối cùng, bà có lời khuyên gì để người Việt Nam thu đến “đồng cuối cùng” của khách du lịch?

Nên phát triển ngành du lịch Việt Nam với việc tạo ra sản phẩm du lịch tuyệt với, chất lược dịch vụ… như cách mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói về việc học: quảng bá thêm, quảng bá mãi, quảng bá cả đời.

Daria Mishukova, nhà Việt Nam học Nga, tác giả cuốn sách “Việt Nam - Đất nước con rồng, cháu tiên” và các chuyên mục về Việt Nam bằng tiếng Nga đang được chuyên gia ngành du lịch và ngoại thương sử dụng nhiều nhất khi tham khảo về Việt Nam, bộ sưu tập bài viết hay nhất về Việt Nam bằng tiếng Nga năm 2016 là “91 chuyện hãy về Việt Nam: Từ huyền thoại đến quan hệ ngoại giao”.

Năm 2012, bà được Bộ VHTTDL Việt Nam trao tặng Kỷ niệm chương vì sự nghiệp văn hóa, thể thao, du lịch với nhiều đóng góp vào việc xây dựng và phát triển ngành. Bà cũng là chuyên gia quốc tế về xây dựng và phát triển thương hiệu, người trong nhóm nhà sáng lập dự án Media Business & Leisure, chuyên về kinh doanh và du lịch tại 8 nước, 26 điểm đến, trong đó có Việt Nam.

Đức Minh (thực hiện)

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên