MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhà vườn kỳ vọng hoa trái trúng vụ Tết

18-12-2018 - 10:30 AM | Thị trường

Để kịp bán dịp lễ Tết năm nay, nhà vườn ở Bình Thuận đang tất bật chong đèn cho thanh long ra trái nghịch vụ; nông dân Sa Đéc (Đồng Tháp) tự nghiên cứu, trồng thành công nhiều loại hoa kiểng mới.

Sau thời điểm rớt giá sâu vào đầu tháng 10-2018, giá thanh long trên địa bàn tỉnh Bình Thuận đang tăng trở lại, hiện dao động ở mức cao 18.000-20.000 đồng/kg khiến nông dân phấn khởi, kỳ vọng sẽ được mùa, được giá trong dịp Tết năm nay.

Mong giá vẫn cao

Tất bật chăm sóc hơn 2.000 trụ thanh long, ông Phạm Văn Long (ở xã Hàm Trí, huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận) cho biết từ sau đợt rớt giá cách đây gần 2 tháng, dù thanh long hiện có giá cao trở lại nhưng vườn của ông vẫn chưa có hàng để bán. Ông đang tập trung cho đợt chong đèn thứ 2, dự kiến khoảng 15 ngày nữa sẽ thu hoạch, kịp bán trong dịp Tết dương lịch.

"Riêng đợt chong đèn thứ 3, tôi sẽ cố gắng "canh" thời gian thu hoạch trùng vào dịp rằm tháng giêng năm mới, mong lúc đó giá thanh long vẫn còn cao như bây giờ" - ông Long bộc bạch.

Nhà vườn kỳ vọng hoa trái trúng vụ Tết - Ảnh 1.

Nhà vườn ở Bình Thuận chong đèn cho vụ thanh long bán Tết Ảnh: Viết Khánh

Tại vườn của ông Nguyễn Văn Tám (xã Hàm Chính, huyện Hàm Thuận Bắc), cả nhà đang tất bật vuốt "tai" thanh long. Đây là khâu quan trọng giúp trái có mẫu mã đẹp, bán được giá. Theo tính toán của ông Tám, hơn 1.000 trụ thanh long của gia đình sắp kết thúc đợt chong đèn, dự kiến sẽ thu hoạch và bán dịp Giáng sinh và Tết dương lịch sắp tới. Lứa thanh long này nếu bán được trên 15.000 đồng/kg, gia đình sẽ lãi khá.

Tránh mất cân đối cung cầu

Tại huyện Hàm Thuận Nam - địa phương có diện tích trồng thanh long lớn nhất tỉnh Bình Thuận, hầu hết nhà vườn đang tập trung chăm sóc thanh long vụ Tết. Theo kinh nghiệm của nông dân, để chong đèn thanh long vụ Tết đạt hiệu quả cao, phải chăm sóc cho cây đủ sức ra nụ, hoa. Nhằm tránh rủi ro, một số nhà vườn chọn cách chong đèn để thu hoạch trái lai rai, chứ không dồn vào một lần bán Tết. Như vậy, nếu thanh long bất ngờ rớt giá hay mất mùa thì vẫn còn lứa khác để bù vào.

Hiện diện tích thanh long ở tỉnh Bình Thuận đã hơn 29.000 ha, sản lượng xấp xỉ 600.000 tấn. Diện tích thanh long được chứng nhận VietGAP hơn 10.000 ha. Khoảng 15% sản lượng tiêu thụ nội địa, 85% xuất khẩu. Trong đó, chỉ có 3%-5% xuất khẩu chính ngạch, còn lại qua biên mậu, chủ yếu xuất sang thị trường Trung Quốc.

Ông Phan Văn Tấn, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận, dự báo trong tháng Tết năm 2019, sản lượng thanh long toàn tỉnh thu hoạch 150.000-200.000 tấn. Vì vậy, nhằm tránh tình trạng sản lượng thanh long tăng đột biến do thu hoạch tập trung gây rớt giá, nông dân cần bố trí sản xuất rải vụ, chú trọng nâng cao chất lượng sản phẩm, đồng thời tăng cường phòng chống dịch bệnh trên cây. "Ngành nông nghiệp tỉnh Bình Thuận đã chỉ đạo cơ quan chuyên môn theo dõi, hướng dẫn nông dân phòng trừ dịch bệnh trên cây thanh long, nhất là bệnh đốm nâu, đồng thời đẩy mạnh mô hình chuỗi liên kết để đáp ứng yêu cầu của thị trường" - ông Tấn cho hay.

Các doanh nghiệp (DN) thu mua, xuất khẩu thanh long đã nhận nhiều đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc để cung ứng sản phẩm cho dịp Giáng sinh và Tết. Một DN thu mua thanh long ở Hàm Thuận Nam thừa nhận đã nhận khá nhiều đơn đặt hàng từ phía Trung Quốc nên đang chờ nông dân kết thúc đợt chong đèn trong nửa tháng tới rồi tới tận vườn thu mua.

Hoa Sa Đéc khó giữ giá

Theo Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, trên địa bàn hiện có hơn 520 ha trồng hoa. Riêng vụ hoa Tết nguyên đán năm nay, nông dân làng hoa Sa Đéc sẽ xuống giống khoảng 100 ha, tập trung vào các loại như hồng, cúc, dạ yến thảo, cát tường, vạn thọ, ly...

Bên cạnh đó, trong vụ Tết năm nay, nhiều nhà vườn còn tự nghiên cứu, trồng thành công các loại hoa kiểng như: dâu tây trong chậu, dưa hoàng kim trong chậu, cúc Pico, cây tình yêu, cây phong thủy 12 con giáp... Dự kiến, vụ hoa Tết 2019, làng hoa Sa Đéc sẽ cung ứng cho thị trường khoảng 3-4 triệu giỏ hoa các loại.

Để tạo nguồn cây giống sạch bệnh cho vụ hoa Tết nguyên đán 2019, Trung tâm Ứng dụng nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Đồng Tháp đã sản xuất trên 500.000 cây giống cấy mô các loại: hoa cúc đồng tiền, đồng tiền mini, hoa chuông, dạ yến thảo, lan ý mỹ... Số lượng cây giống này được sản xuất theo đơn đặt hàng. Trong đó, cúc mâm xôi có thời gian sinh trưởng dài nên đã được chuyển sớm đến nông dân hơn 150.000 cây giống.

Thời điểm này, nông dân đang tất bật chăm sóc để cây phát triển tốt. Ông Hồ Tấn Tài (khóm Tân Mỹ, phường Tân Quy Đông, TP Sa Đéc) nhận xét: "Thời tiết năm nay thuận lợi hơn năm trước nên việc chăm sóc hoa cũng đơn giản. Tuy nhiên, do giá vật tư, phân thuốc tăng hơn mọi năm nên giá bán các loại hoa năm nay phải tăng hơn năm ngoái thì nông dân mới có lời".

Ông Nguyễn Thanh Hùng, Phó Phòng Kinh tế TP Sa Đéc, thông tin: "Để nâng cao hiệu quả ngành hoa kiểng, phòng đã phối hợp với đơn vị liên quan tổ chức nhiều cuộc hội thảo nhằm chuyển giao các giống cây trồng mới và kỹ thuật cho nông dân. Trong vụ hoa Tết năm nay, nông dân làng hoa Sa Đéc không chỉ tập trung vào các loại hoa truyền thống mà còn nhân thêm nhiều loại hoa, kiểng, cây lá với nhiều giống mới. Các giống mới nhờ được chuyển giao cho người trồng phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng canh tác tại địa phương nên cây sinh trưởng tốt, dự báo hoa nở lâu tàn, màu sắc sặc sỡ hơn các giống hoa cùng loại. Ngoài ra, các ngành, các cấp liên quan cũng quan tâm hỗ trợ đầu ra cho người trồng hoa, góp phần cho nông dân an tâm sản xuất hoa kiểng".

Trái cây tạo hình mới

"Cha đẻ" bưởi hồ lô - ông Nguyễn Trung Thành (ấp Phú Trí A, xã Phú Tân, huyện Châu Thành, tỉnh Hậu Giang) - cho biết dịp Tết 2019 này, ông sẽ tung ra thị trường 2 sản phẩm mới là bưởi và dưa hấu tạo hình thỏi vàng nén. "Bưởi thỏi vàng đã vào khuôn, làm thử nghiệm trên 300 trái nhưng dự kiến chỉ đạt 30% do khó làm. Còn dưa hấu vàng nén đến cuối tháng 11 âm lịch mới vô khuôn, dự trù 400 trái. Giá cả 2 sản phẩm này từ 700.000-800.000 đồng/trái" - ông Thành tiết lộ.

Riêng bưởi hồ lô in chữ nổi Tài - Lộc truyền thống, ông Thành sẽ cho ra khoảng 3.400 trái. Hiện đã có một số khách hàng đặt cọc các sản phẩm của ông Thành. Đối với những khách hàng đặt cọc sớm, ông sẽ tính giá ưu đãi, giảm 15%-20%/trái. Ông Thành dự tính: "Thông thường, khách đặt hàng ồ ạt vào cuối tháng 11 âm lịch. Lúc này lượng cung còn ít nên giá bán chắc sẽ cao hơn. Vừa rồi, nước dâng cao làm một số cây bưởi suy yếu, cộng với nắng nóng lúc cây đang lớn làm cho trái bưởi chậm phát triển. Tuy nhiên, tỉ lệ tạo hình trên bưởi năm nay đạt từ 80%-90%".

Nổi tiếng với sản phẩm dừa hồ lô, dịp Tết Kỷ Hợi 2019, anh Huỳnh Thanh Tâm (ấp Nhơn Phú, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Bến Tre) đã mày mò tạo ra 2 sản phẩm "độc" mới là bưởi hình thỏi vàng và bưởi vuông. Cả 2 loại này đều tạo hình trên trái bưởi da xanh và in chữ nổi Tài - Lộc.

Theo lời anh Tâm, bưởi da xanh rất khó tạo hình và hầu như chưa ai thành công. Anh Tâm đã mất nhiều thời gian nghiên cứu, thử nghiệm và có thể tung sản phẩm này ra thị trường trong dịp Tết tới. "Thương lái đã đặt hàng sản phẩm mới. Dự kiến, 2 loại này có khoảng 500 cặp, giá từ 400.000-800.000 đồng/trái. Hiện một số đã vào khuôn, khoảng 20 tháng chạp sẽ cắt trái giao theo hợp đồng" - anh Tâm cho biết.

C.Linh


Theo Viết Khánh - Duy Thanh

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên