MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhắc tới một số nơi chống dịch Covid-19 theo cách cực đoan, ĐBQH nhấn mạnh: Cả nước như một cơ thể sống, không phải vì một vài chỗ bị bệnh mà tách rời tất cả

25-07-2021 - 09:30 AM | Xã hội

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đoàn Bắc Kạn. Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy đoàn Bắc Kạn. Ảnh: Quochoi.vn

Phát biểu trong buổi thảo luận ở hội trường với nội dung đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021-2025 sáng 25/7, đại biểu Nguyễn Thị Thủy đoàn Bắc Kạn tập trung vào 5 vấn đề nổi lên trong công tác chống dịch của Việt Nam trong hơn 1 năm qua.

Mở đầu phát biểu, bà Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh tầm quan trọng của việc không áp dụng biện pháp thái quá, cực đoan trong chống dịch. Vị ĐBQH đoàn Bắc Kạn cho biết thời gian nhiều địa phương có những cách làm sáng tạo, khoa học, trên cơ sở đánh giá tình hình, nguy cơ xâm nhập, lây lan của dịch bệnh. Từ đó, các chính sách giúp hạn chế tới mức tối thiểu tác động của dịch bệnh tới kinh tế và sinh hoạt của người dân.

Tuy nhiên, bà Thủy cũng nêu ra những địa phương có các văn bản chống dịch gây tranh cãi, áp dụng các biện pháp thái quá, gây khó khăn cho người dân, người lao động và doanh nghiệp. Có địa phương không cho xe chở nông sản đi qua dù có đầy đủ chứng nhận an toàn dịch. Nhiều doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt qua nhiều tỉnh nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì xe phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh một quy định…, bà Thủy nêu ví dụ.

"Có thể nói, cả nước như một cơ thể sống, quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì những chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là làm sao để cách ly mà không tách rời, làm đứt gãy nền kinh tế", bà Thủy nói.

Tuy nhiên, vị ĐBQH đoàn Bắc Kạn cũng đánh giá cao Chính phủ đã chỉ đạo vấn đề này. Công điện ngày 5/6 của Thủ tướng đã nêu rõ như sau: Một số nơi áp dụng các biện pháp cứng nhắc, cực đoan, gây đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất quy mô lớn. Thủ tướng đã giao cho các Bộ trưởng thực hiện vấn đề này, bà Thủy nói.

Bên cạnh đó, bà Thủy cũng đề cập tới việc xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, khắc phục tâm lý coi thường, nhờn quy định phòng chống dịch. Nhiều hành vi vi phạm, kể cả khai báo y tế không trung thực, cũng đã bị xử lý trong đợt bùng phát dịch thứ 4. Nhiều biện pháp, chế tài được đặt ra, bao gồm cả xử lý về đảng, công vụ thậm chí khởi tố hình sự.

"Thái độ dứt khoát cùng các biện pháp răn đe đã phát huy hiệu quả. Ghi nhận ở các trạm y tế thời gian qua cho thấy số người tới khai báo y tế tăng mạnh, khắc phục được khai báo qua quýt hoặc thiếu trung thực vì sợ bị xử lý", bà Thủy nêu dẫn chứng.

Bên cạnh đó, việc không công khai lịch trình di chuyển của người bệnh cũng được đánh giá cao. Việc này không chỉ bảo vệ quyền riêng tư của người bệnh mà còn giúp cho người bệnh tránh bị ném đá trên mạng xã hội, giúp họ chủ động hơn trong việc khai báo y tế, góp phần gia tăng hiệu quả trong nỗ lực truy vết phòng chống dịch.

Nhắc tới chống dịch, không thể không nhắc tới sự chấp nhận gian khổ, hy sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự sẻ chia giữa các địa phương. Bà Thủy nhấn mạnh Việt Nam là một trong những nước sớm đưa lực lượng Quân đội, Công an vào. Bên cạnh đó, hình ảnh lực lượng y tế cũng đang gồm mình chống dịch đã được sự ghi nhận của người dân cả nước.

Bà Thủy cũng nhắc tới tầm quan trọng của việc huy động sức dân, sự chung tay của toàn thể người dân, doanh nghiệp Việt Nam với nỗ lực chống dịch. Ngoài ra, việc các gói hỗ trợ tiếp tục được đưa ra góp phần giúp đỡ những người lao động khó khăn trong dịch bệnh.

Đưa ra các kiến nghị, bà Thủy mong Chính phủ sớm giao các bộ hữu quan triển khai phần mềm thống kê liên thông để rà soát chính xác các trường hợp thụ hưởng, tránh bỏ sót hoặc sai sót. Bên cạnh đó, cần rà soát sức chịu đựng của doanh nghiệp để có những biện pháp hỗ trợ hiệu quả.

Linh Anh

Tổ Quốc

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên