MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhận bài học từ Nga, nền kinh tế thân thiện nhất với Trung Quốc ở châu Âu đành "dứt áo" từ bỏ thị trường

15-08-2023 - 08:40 AM | Tài chính quốc tế

Chiến lược với Trung Quốc cũng được rút ra từ việc Đức phải vật lộn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Nhận bài học từ Nga, nền kinh tế thân thiện nhất với Trung Quốc ở châu Âu đành "dứt áo" từ bỏ thị trường - Ảnh 1.

Trung Quốc hiện là đối tác lớn nhất của Đức trong 7 năm liên tiếp. Ảnh: WSJ

Đức thay đổi "công thức thành công"

Trong nhiều thập kỷ, bán hàng cho Trung Quốc là một yếu tố quan trọng trong công thức thành công của Đức.

Nhưng hiện tại, trong “chiến lược Trung Quốc” lần đầu tiên của mình, Berlin đã coi Trung Quốc không chỉ là một đối tác kinh tế mà còn là một đối thủ cạnh tranh và đối thủ có hệ thống.

Trong những năm gần đây, Trung Quốc đã thay đổi, và do đó, chính sách Trung Quốc của Đức cũng phải thay đổi, Ngoại trưởng Annalena Baerbock cho biết khi trình bày báo cáo.

“Chúng tôi không muốn tách khỏi Trung Quốc nhưng muốn giảm thiểu rủi ro nhiều nhất có thể”, Ngoại trưởng Đức nói thêm.

Theo tài liệu này, làm việc với các đối tác của Liên minh châu Âu, Đức sẽ tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc và xem xét các cơ chế để xem xét các khoản đầu tư của Đức vào Trung Quốc. Chiến lược này tăng cường khuyến khích các công ty đa dạng hóa ra khỏi Trung Quốc.

Đây là một cách tiếp cận mới đối với một quốc gia từng là nền kinh tế lớn thân thiện với Trung Quốc nhất ở châu Âu.

Các công ty Đức là một trong những công ty đầu tiên ở phương Tây coi Trung Quốc không chỉ là một "đại công xưởng" giá rẻ mà còn là một thị trường, bắt đầu từ những năm 1980.

Nguồn gốc của chiến lược với Trung Quốc của Đức

Những nỗ lực đó bắt đầu trước chiến dịch quân sự của Nga tại Ukraine. Nhưng chiến lược với Trung Quốc cũng được rút ra từ việc Đức phải vật lộn để thoát khỏi sự phụ thuộc vào năng lượng của Nga.

Theo WSJ, Berlin đang cố gắng giảm thiểu hậu quả tiềm ẩn nếu một cuộc khủng hoảng tương tự nổ ra.

Titus von dem Bongart, Đối tác tại Ernst & Young China, cho biết: “Nga chỉ có một phần nhỏ tầm quan trọng đối với nền kinh tế Đức so với Trung Quốc. Trung Quốc là thị trường ô tô lớn nhất, thị trường hóa chất lớn nhất, không có nước nào có thể so sánh được".

Trong những năm gần đây, các công ty Trung Quốc đã bắt đầu lấn sân sang các đối thủ Đức của họ. Theo Hiệp hội các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc, nước này hiện xuất khẩu nhiều ô tô hơn Đức.

Trong khi một số công ty Đức đang cải tổ chuỗi cung ứng của họ để bảo vệ hoạt động toàn cầu trong trường hợp bị gián đoạn ở Trung Quốc, thì nhiều công ty đang tăng gấp đôi số tiền đầu tư của họ vào đó.

Ralf Brandstätter, giám đốc điều hành của Volkswagen tại Trung Quốc, cho biết công ty đang đầu tư hàng tỷ USD vào Mỹ và Nam Mỹ để tạo được sự cân bằng.

VW cũng sẽ tiếp tục đầu tư vào Trung Quốc với mục tiêu phát triển chuỗi cung ứng tự túc hơn ở đó.

Công ty hóa chất khổng lồ BASF của Đức có kế hoạch đầu tư 10 tỷ Euro vào năm 2030 vào một nhà máy hóa chất tích hợp ở Trạm Giang, miền nam Trung Quốc.

Khi hoàn thành, nhà máy này sẽ là nhà máy lớn thứ ba trên toàn thế giới của BASF. Phát biểu trước các cổ đông vào tháng 4, Giám đốc điều hành Martin Brudermüller cho biết Trung Quốc hiện chiếm khoảng 15% doanh thu hàng năm của BASF.

Berlin cũng tăng cường giám sát các khoản đầu tư của Trung Quốc. Cuối năm ngoái, nước này đã chặn việc bán một nhà máy sản xuất chip cho chi nhánh tại Thụy Điển của một công ty Trung Quốc.

Vừa qua, Bộ trưởng Bộ Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào đã gặp Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp Cơ khí của Đức, cho biết Trung Quốc sẽ cải thiện môi trường kinh doanh trong nước cho tất cả các doanh nghiệp quốc tế.

Cui Hongjian, giám đốc Khoa Nghiên cứu Châu Âu tại Viện Nghiên cứu Quốc tế Trung Quốc, trực thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc, cho biết Trung Quốc muốn tiếp tục làm việc và giao dịch với Đức,

Cả hai bên sẽ phải làm nhiều hơn nữa để quản lý sự khác biệt và tăng cường hợp tác trong tương lai, ông nói thêm.

Theo Minh Khôi

Nhịp sống thị trường

Trở lên trên