MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân dân tệ tăng giá: Lợi hại thế nào?

04-06-2021 - 13:23 PM | Tài chính - ngân hàng

Nhân dân tệ tăng giá không cải thiện được tình trạng nhập siêu với Trung Quốc của Việt Nam, mà còn đẩy chi phí sản xuất trong nước tăng. Trong khi vẫn cần phải đề phòng “cú sốc” nếu đảo chiều.

Nhập siêu vẫn lớn

Đồng Nhân dân tệ (CNY) của Trung Quốc vừa có tháng tăng giá cao nhất trong tháng 5 vừa qua và đã lập đỉnh 3 năm trong phiên ngày 31/5 khi giao dịch ở mức 6,3609 CNY/USD tại thị trường Trung Quốc đại lục và 6,3560 CNY/USD tại thị trường nước ngoài.

Nhân dân tệ tăng giá: Lợi hại thế nào? - Ảnh 1.

Đồng Nhân dân tệ tăng giá quá cao đang ảnh hưởng đến xuất khẩu của Trung Quốc

Có hai nguyên nhân chính khiến đồng nội tệ của Trung Quốc tăng giá mạnh. Thứ nhất là sự suy yếu của đồng USD sau khi Fed vẫn duy trì chính sách tiền tệ siêu nới lỏng của mình bất chấp lạm phát tại Mỹ tăng cao. Thứ hai là sự phục hồi mạnh mẽ của kinh tế Trung Quốc sau khi dịch COVID-19 trong nước đã được kiểm soát.

Giá mua – bán đồng Nhân dân tệ tại các ngân hàng trong nước cũng tăng khá mạnh. Theo đó giá mua – bán Nhân dân tệ tại Vietcombank đang được niêm yết ở mức 3.538 - 3.686 VND/CNY, tăng khoảng 80 đồng (2,2%) ở chiều mua vào song tăng tới 190 đồng (5,4%) ở chiều bán ra so với thời điểm đầu năm.

Xét về lý thuyết, việc Nhân dân tệ tăng giá so với VND sẽ có tác dụng thúc đẩy hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc và hạn chế nhập khẩu từ thị trường này; tức sẽ giúp thu hẹp tình trạng nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc.

Tuy nhiên thực tế lại không diễn ra như vậy. Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong 5 tháng đầu năm xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 20,1 tỷ USD, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước (thấp hơn nhiều mức tăng 32,4% của 4 tháng đầu năm); trong khi nhập khẩu từ thị trường này đạt tới 43,3 tỷ USD, tăng 52,8% (cao hơn mức tăng 47,8% của 4 tháng đầu năm). Hệ quả là Việt Nam nhập siêu tới 23,2 tỷ USD từ thị trường Trung Quốc trong 5 tháng vừa qua.

Lý giải về hiện tượng này, một chuyên gia cho biết, nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc chủ yếu mang tính cơ cấu chứ không phụ thuộc nhiều vào tỷ giá. Theo đó, hiện rất nhiều lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam đang phụ thuộc vào nguồn nguyên phụ liệu nhập khẩu từ Trung Quốc.

Chẳng hạn như dệt may đang phải nhập khẩu tới 70-80 % vải và các nguyên phụ liệu khác từ Trung Quốc; da giày cũng phải nhập 60% nguyên phụ liệu từ thị trường này; ngay cả ngành công nghiệp lắp ráp điện tử cũng phụ thuộc nhiều vào nguyên linh kiện nhập khẩu từ Trung Quốc…

Bởi vậy "việc Nhân dân tệ tăng giá chẳng những không giúp hạn chế việc nhập khẩu mà trái lại còn đẩy chi phí sản xuất trong nước tăng, từ đó làm tăng giá thành sản phẩm và làm giảm tính cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam khi xuất sang các thị trường khác", vị chuyên gia này cho biết.

Cẩn trọng cú sốc đảo chiều

Trong khi việc Nhân dân tệ tăng giá không giúp ích gì trong việc thu hẹp nhập siêu với Trung Quốc, giới chuyên gia còn lo ngại sự đảo chiều đột ngột của đồng Nhân dân tệ có thể tạo áp lực lớn đến tỷ giá trong nước.

Nhân dân tệ tăng giá: Lợi hại thế nào? - Ảnh 2.

Nhập siêu của Việt Nam với Trung Quốc đến từ cơ cấu nhập khẩu, ít chịu tác động tỷ giá. (Ảnh: Hoạt động xuất nhập khẩu tại cửa khẩu Tân Thanh- Lạng Sơn)

Lo ngại trên không phải không có cơ sở khi mà giới chức Trung Quốc đang tỏ ra không mấy thích thú trước sự tăng giá của đồng Nhân dân tệ. Theo CNBC, Tân Hoa xã hôm Chủ nhật vừa rồi đưa tin, Sheng Songcheng - một cựu quan chức của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cho biết, sự tăng giá nhanh chóng của đồng Nhân dân tệ Trung Quốc so với đô la Mỹ có thể đã quá mức và sẽ không bền vững.

Phát biểu với CNBC, Ei Kaku - chiến lược gia tiền tệ cấp cao tại Nomura Securities cho biết: "Việc Tân Hoa xã thực hiện cuộc phỏng vấn cựu quan chức PBoC được hiểu là một nỗ lực nhằm ổn định đồng Nhân dân tệ". Theo bà, các nhà chức trách Trung Quốc có thể đẩy mạnh các nỗ lực để ngăn chặn đồng Nhân dân tệ tăng lên trên mức đỉnh năm 2018.

Trên thực tế, ngày 2/6 PBoC đã điều chỉnh giảm tỷ giá tham chiếu xuống 6,3773 CNY/USD, lần giảm đầu tiên trong vòng 7 phiên gần đây, tức là kể từ ngày 24/5. Trước đó vào cuối ngày 31/5, PBoC đã phát đi thông báo yêu cầu các tổ chức tài chính phải tăng tỷ lệ tiền gửi ngoại tệ từ 5% lên 7% kể từ ngày 15/6 tới. Theo các nhà phân tích quốc tế, động thái này buộc các tổ chức tài chính phải giữ lại nhiều ngoại tệ hơn, từ đó làm giảm lượng ngoại tệ lưu thông ngoài thị trường có thể tác động đến tỷ giá.

Bên cạnh động thái từ phía các nhà chức trách Trung Quốc, sức ép đối với đồng Nhân dân tệ còn đến từ sự đảo chiều của đồng USD khi mà Fed được dự báo có thể sớm thu hẹp gói siêu nới lỏng định lượng (gói QE) hiện tại do lạm phát tăng nóng hơn dự kiến.

Đó chính là lý do mà Macquarie mới đây dự đoán đồng Nhân dân tệ sẽ suy yếu nhẹ xuống mức 6,55 CNY/USD. Vào tháng 5, các nhà phân tích của Morgan Stanley đã điều chỉnh dự báo tỷ giá Nhân dân tệ xuống còn 6,48 CNY/USD vào cuối năm nay thay vì mức 6,25 CNY/USD trong dự báo trước đó.

Còn nhớ lần Trung Quốc phá giá mạnh đồng Nhân dân tệ thời điểm tháng 8/2015 đã ảnh hưởng mạnh tới tâm lý của các nhà đầu tư nước ngoài, từ đó dẫn tới làn sóng bán tháo tài sản của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực, đẩy nhiều đồng tiền trong khu vực rớt giá mạnh. Việt Nam cũng không nắm ngoài vòng xoáy này. Chưa kể việc Nhân dân tệ giảm giá mạnh còn tạo áp lực cạnh tranh lớn giữa hàng hóa xuất khẩu của các nước trong khu vực với hàng hóa của Trung Quốc trên thị trường thế giới. Điều đó cũng tạo sức ép đến tỷ giá các đồng tiền của khu vực.

Theo Hà Anh

Diễn đàn doanh nghiệp

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên