Nhận diện cổ phiếu với các khoản cổ tức lớn đang giúp nhà đầu tư tối ưu hóa giá trị
Những khoản cổ tức luôn được đánh giá là trợ lực mạnh mẽ cho giá cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, đồng thời cũng là nỗ lực của doanh nghiệp trấn an cổ đông trong giai đoạn khủng hoảng.
Trong thời gian qua, khi thị trường chứng khoán có dấu hiệu phục hồi đã có một số cổ phiếu được chia cổ tức lớn tăng mạnh giúp nhà đầu tư tối ưu hóa được giá trị đầu tư.
Trợ lực cho giá cổ phiếu từ cổ tức
Thực tế, năm nay, do diễn biến phức tạp của dịch bệnh Covid-19, hàng loạt doanh nghiệp gặp khó khăn nên việc chi trả cổ tức cũng khiến doanh nghiệp phải đắn đo nhiều. Tuy vậy, bên cạnh những doanh nghiệp đã quyết định lùi ngày trả cổ tức, thì vẫn còn rất nhiều doanh nghiệp quyết định trả ngay trong những ngày khó khăn do ảnh hưởng từ dịch bệnh. Hàng ngàn tỉ đồng sinh lợi từ hoạt động kinh doanh những năm trước đã và đang được doanh nghiệp trả cho cổ đông.
Theo thống kê từ đầu năm đến nay, CTCP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (PDR) là một trong những doanh nghiệp hỗ trợ tích cực nhất cho cổ đông đi qua khủng hoảng với tổng cộng 3 đợt chi trả cổ tức. Cụ thể, khi bước vào đầu năm nay (1-2020) doanh nghiệp đã chi khoảng 400 tỉ đồng tiền mặt trả cổ tức đợt 1 năm 2019 với tỷ lệ 12%. Điều này đã giúp cổ đông có khoản tài chính "dằn túi" trước khi dịch Covid-19 bùng phát.
Các đợt PDR đã công bố trả cổ tức gần đây
Vào giữa năm khi dịch bệnh được đẩy lên cao trào mới (5-2020), dòng cổ tức đợt 2 năm 2019 của doanh nghiệp này cũng đã kịp thời trấn an cổ đông nắm giữ cổ phiếu. Theo đó, Phát Đạt phát hành 42,6 triệu cổ phiếu trả cổ tức theo tỷ lệ 13%, tương ứng cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu được nhận về 13 cổ phiếu mới. Tổng giá trị phát hành theo mệnh giá gần 426 tỉ đồng.
Chưa dừng lại ở đó, cuối tháng 8 mới đây, PDR đã đưa ra kế hoạch phát hành thêm 26 triệu cổ phiếu để tạm ứng cổ tức năm 2020. Theo đó, mỗi cổ đông sở hữu 100 cổ phiếu sẽ được nhận 7 cổ phiếu mới và dự kiến trả trong quý IV. Tổng giá trị phát hành dự kiến lên đến hơn 259 tỉ đồng.
Xét trên bối cảnh chung của thị trường hiện tại, các đợt chia cổ tức với tần suất liên tục của PDR đã làm "mát mặt" nhà đầu tư sở hữu mã chứng khoán này. Trong năm 2020, doanh nghiệp vừa chia cổ tức nhiều đợt bằng cả bằng tiền mặt và cổ phiếu đã tạo nên sự khác biệt và hiệu quả trong việc hỗ trợ nhà đầu tư. Điều đáng chú ý là giá cổ phiếu PDR đã tăng hơn 52% so với thời điểm chia cổ tức (từ 25.000 đồng/cp hồi đầu năm lên đến 38.100 đồng/cp hiện tại) giúp cho nhà đầu tư tối ưu hóa giá trị đầu tư.
Lịch sử giá cổ phiếu PDR từ năm 2019 đến ngày 18.09.2020 (Giá đã điều chỉnh)
Định vị cơ hội trong tương lai
Cổ tức là một trong những yếu tố quan trọng đánh giá mức độ hấp dẫn của cổ phiếu, cũng như năng lực kinh doanh của doanh nghiệp. Lựa chọn những doanh nghiệp chi trả cổ tức tốt đã trở thành chiến lược được nhiều nhà đầu tư ưa thích. Tuy vậy, việc doanh nghiệp có khả năng chi trả cổ tức với tỷ suất hấp dẫn là chưa đủ, quan trọng hơn là khả năng duy trì việc trả cổ tức trong tương lai.
Nhiều chuyên gia cho rằng, để đánh giá khả năng chi trả cổ tức của doanh nghiệp trong dài hạn, cần xem xét trên lịch sử chi trả cổ tức của doanh nghiệp và triển vọng lợi nhuận trong những năm tiếp theo. Ðối với khả năng chi trả cổ tức trong năm 2020, ít nhất là cần xem xét tình hình thực hiện kế hoạch lợi nhuận năm 2019, kế hoạch kinh doanh năm 2020 và dự kiến mức cổ tức đã đề ra.
Đơn cử PDR tự tin với các phương án chia cổ tức của mình được căn cứ vào kết quả kinh doanh tích cực trong nhiều năm qua. Đồng thời, kế hoạch năm 2020 doanh thu đạt 3.789 tỉ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 1.200 tỷ đồng đã định lượng được khả năng hoàn thành khi đang tiến hành bàn giao sản phẩm cho khách hàng và sẵn sàng ghi nhận doanh thu.
Trong giai đoạn 2019 – 2023, Phát Đạt đặt mục tiêu lợi nhuận lũy kế đạt 14.270 tỷ đồng với tỷ lệ tăng trưởng kép bình quân hằng năm (CAGR) là 51%; đưa giá trị vốn hóa gần 9.000 tỷ đồng lên mức xấp xỉ 24.000 tỷ đồng.
Cốt lõi tạo nên cuộc phục hưng của PDR chính là việc linh hoạt và quyết liệt trong chiến lược thị trường và sản phẩm. Ngoài ra các mục tiêu kinh doanh khác cũng đã cơ bản hoàn thành là cơ sở dữ liệu tốt để nhiều nhà đầu tư nắm giữ cổ phiếu doanh nghiệp này "hái trái ngọt" trong tương lai.
Việc định vị được cổ phiếu có dư địa tăng trưởng lớn đang là điều cần thiết đối với nhiều nhà đầu tư trong bối cảnh thị trường bị tác động với dịch bệnh. Như vậy, việc không có hoạt động đầu tư mới sẽ dẫn đến việc hạn chế về khả năng tăng trưởng trong tương lai của doanh nghiệp.
Rủi ro hơn là nếu lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp chịu sự cạnh tranh khốc liệt, việc hạn chế đầu tư mở rộng có thể khiến doanh nghiệp đối mặt nguy cơ lợi nhuận chuyển từ bão hòa sang suy giảm, dòng cổ tức vì thế sẽ giảm xuống trong tương lai. Ðây cũng là những yếu tố rất cần cân nhắc khi lựa chọn chiến lược đầu tư dài hạn theo dòng cổ tức và tỷ lệ chia cao không phải là tất cả.
Có thể thấy, PDR hiện đang sở hữu những tài sản rất quan trọng để tự tin vào triển vọng trong "Kỷ nguyên mới" với quỹ đất 450 hecta và còn đang tiếp tục được mở rộng tại những vị trí đắc địa trên nhiều tỉnh thành có tiềm năng phát triển kinh tế, năng lực triển khai dự án vượt trội, khả năng huy động tài chính dồi dào. Ngoài ra, việc chuyển đổi số trong quản lý thông qua việc triển khai ERP trên nền tảng SAP-HANA/4 và nguồn nhân lực chuyên nghiệp, đặc biệt là kinh nghiệm và sự thấu hiểu thị trường là một cơ sở tốt để tạo niềm tin cho nhà đầu tư.
Ngay cả khi làn sóng cổ phiếu bất động sản công nghiệp hiện đang dâng cao thì PDR cũng đã xuất hiện để sẵn sàng tìm cơ hội trong lĩnh vực có cơ sở tăng trưởng mạnh nhất trong thời gian tới. Mới đây, việc lập một công ty liên kết với các đối tác Nhật Bản để phát triển các dự án bất động sản công nghiệp cũng chứng minh được tham vọng của ông lớn bất động sản nhà ở trong lĩnh vực này.