Nhận học bổng chính phủ Singapore, tốt nghiệp trường danh tiếng, làm việc ở Apple, 9X Việt bỏ về nước khởi nghiệp "bán" wifi quốc tế cho dân du lịch bụi
Sau nhiều năm đi theo con đường “hoàn hảo”: Trường chuyên, lớp chọn, tập đoàn quốc tế … Phan Nguyễn Văn Trường đã có một quyết định mạo hiểm nhất của tuổi thanh xuân: Bỏ ngang Apple để về Việt Nam khởi nghiệp.
- 08-03-2019Khởi nghiệp với 10 triệu đồng, nữ 9x thu về 150 triệu đồng mỗi tháng: "Tôi luôn tự tạo áp lực cho bản thân để không ngừng cố gắng mỗi ngày"
- 25-02-2019Ông trùm chuối Việt: ‘Tôi khởi nghiệp tới 25 lần!’
- 19-10-2018Chuyện những người phụ nữ khởi nghiệp vươn lên thoát nghèo
Giành được học bổng chính phủ, Phan Nguyễn Văn Trường xuất sắc tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore (NUS) và gia nhập tập đoàn "trong mơ" Apple. Dù đang ở vị trí mà nhiều người mơ ước, nhưng Trường vẫn bỏ việc để về Việt Nam, quyết tâm dành cả thanh xuân để khởi nghiệp.
Ước mơ được định sẵn
Thời phổ thông, Phan Nguyễn Văn Trường sở hữu thành tích học tập đáng nể, gắn liền với những ngôi trường nổi tiếng tại TP.HCM như: Trường THCS Trần Đại Nghĩa, Trường THPT Năng khiếu. Trước ngưỡng cửa Đại học, Trường giành được suất học bổng Chính phủ từ Trường Đại học Quốc gia Singapore (NUS) - ngôi trường lâu đời và bề thế nhất đảo quốc sư tử, tiếp tục nối dài thành tích học tập với tấm bằng Phân tích Kinh tế của NUS.
Ngay sau khi tốt nghiệp, Trường được Apple mời về làm việc. Khởi đầu sự nghiệp với tập đoàn trong mơ, gia đình bạn bè ai cũng nghĩ rằng "số thằng Trường từ đây không phải lo gì nữa".
Nhưng cái mác "không phải lo gì nữa" lại là điều trăn trở của chàng trai 9x. Trong khoảng thời gian đầu đi làm, chắc hẳn bạn trẻ nào cũng ít nhất một lần chất vấn bản thân về hoài bão, ước mơ và khát vọng của đời mình, và Trường cũng không thoát khỏi những trăn trở nghiễm nhiên ấy.
Trường chuyên, lớp chọn, học bổng, du học, tập đoàn quốc tế … là những điều phụ huynh mong muốn, nhưng liệu rằng những mỹ từ đó có đang đè nặng và làm lụi tàn ngọn lửa "ước mơ" trong trái tim hàng triệu bạn trẻ?
Sau nhiều năm đi theo con đường "hoàn hảo" được vạch sẵn, khi những hào nhoáng bị phai mờ bởi những buổi sáng trống rỗng, bởi những ngày làm việc vô vị, Trường đưa ra một quyết định gây tranh cãi: Bỏ Apple, về nước lập nghiệp.
Những vấp ngã trên đất mẹ
"Đừng bao giờ đầu tư vào những gì mà bạn không hiểu", đó là lời khuyên của Warren Buffett mà Trường luôn tự nhủ với bản thân.
Cũng là một 9x đầy năng lượng, Trường hiểu rằng điện thoại từ lâu đã trở thành một "vật bất ly thân" của nhiều người, nhất là giới trẻ. Tại Việt Nam, có gần 4 triệu điện thoại di động mới được bán ra mỗi 3 tháng, chưa kể thị trường mua bán điện thoại cũ cực kỳ sôi nổi.
Nghĩ là làm, Trường gom hết số tiền tích góp được, cộng thêm hỗ trợ từ người thân và bạn bè để thành lập một chuỗi mua bán điện thoại di động.
Dù được khách hàng đánh giá khá cao, nhưng đối mặt với một "biển đỏ" cạnh tranh khi dịch vụ cao cấp bị các gã khổng lồ như Thế Giới Di Động và FPTShop đè bẹp, còn giá cả thì lại bị các trang thương mại điện tử như Tiki đánh bại, chuỗi di động của Trường "sớm nở tối tàn", nhanh chóng đốt hết vốn và buộc phải đóng cửa.
Trường chia sẻ về kỷ niệm không vui này: "Bản chất thì mô hình này đã quá quen thuộc trên thị trường, nên không một nhà đầu tư nào quyết định hỗ trợ công ty đi tiếp."
Dự án đầu tiên nhanh chóng phá sản, người thân và bạn bè của Trường liên tục khuyên anh bỏ cuộc và "đi làm thuê", vì bằng cấp cũng như ngoại ngữ hiện tại có thể dễ dàng giúp Trường kiếm được một công việc ổn định với mức lương thỏa đáng.
Bỏ qua mọi lời khuyên bảo, bị giằng xé bởi thực tế và khát vọng, Trường quyết định "vác balô lên và đi", du lịch bụi ở nhiều nước Đông Nam Á để bình tĩnh tìm lại hướng đi cho bản thân.
Sau cơn mưa là cầu vồng
Quá chán nản và vô định, Trường lên đường đi phượt mà không mua bất kỳ một tour hướng dẫn nào, anh lập tức gặp phải khó khăn bởi không biết phải làm gì khi đến nơi. Tuy có thể tra Google, nhưng mức phí chuyển vùng khiến anh không khỏi ái ngại, ước tính phải tốn "bạc triệu" chỉ để xài Internet thoải mái một ngày.
Không như ở Việt Nam, đa phần wifi công cộng tại các quốc gia khác đều có mật khẩu, những quán ăn hay quán nước đều yêu cầu khách hàng mua sản phẩm trước khi cung cấp thông tin wifi, chưa kể việc giới hạn thời gian truy cập trong 1-2 tiếng.
Trường cũng có thể mua một sim điện thoại của nhà mạng địa phương, nhưng phương thức này cũng cắt luôn cách thức liên lạc nhanh nhất khi ở nước ngoài với người thân, khiến những chuyến phiêu lưu luôn đi kèm nỗi lo thấp thỏm.
Đó là lúc ý tưởng vụt sáng trong đầu chàng trai 9x: "Với xu hướng du lịch trải nghiệm ngày càng được ưa chuộng, tại sao mình lại không giúp họ có những kỷ niệm để đời?"
Năm 2016 có đến 6,5 triệu người Việt Nam đi du lịch nước ngoài và con số này đang tăng nhanh nhờ sự phát triển của hàng không giá rẻ. Trường cùng với những người bạn đam mê du lịch quyết tâm thành lập doanh nghiệp cho thuê thiết bị phát sóng wifi và nhanh chóng gọi được hơn 3 tỷ đồng vốn từ một nhà đầu tư Đài Loan.
Sản phẩm của công ty là một thiết bị phát sóng wifi nhỏ gọn với giá chỉ từ 80.000 - 200.000 đồng/ngày cho 5 người sử dụng, vị chi là 20.000 đến 40.000 đồng/ngày cho mỗi người, thấp hơn rất nhiều so với dịch vụ dữ liệu chuyển vùng, mua SIM hay thuê thiết bị ngay tại điểm đến.
Rút kinh nghiệm từ việc thiếu hụt vốn ở lần khởi nghiệp trước, dự án mới yêu cầu khách hàng đặt cọc và tối ưu hóa số lượng tồn kho cũng như lên kế hoạch nhận gửi để tránh lãng phí tuổi thọ của sản phẩm.
Mô hình "tiền tươi thóc thật" giúp doanh thu tăng ngay trong tháng đầu tiên, đỉnh điểm có tháng đạt hơn 900 triệu đồng.
"Chúng tôi quyết tâm phát triển tới cùng", Trường chia sẻ. "Thị trường chưa ổn định là một cuộc đua "đẫm máu", ai chịu chi và chịu theo đến cùng sẽ là người chiến thắng."
Nhưng khởi nghiệp có bao giờ đơn giản, sau khi nắm được mô hình, công nghệ và dịch vụ khách hàng, nhà đầu tư lại quay lưng với Trường khi ngăn cản, từ chối kế hoạch cấp vốn như đã hứa và yêu cầu Trường phải "bình tĩnh và chờ đợi kết quả."
"Nhưng đó là một ý kiến tồi, hơn ai hết, chúng tôi biết rõ việc chờ đợi không khác gì tự sát". Bất đồng quan điểm được đẩy lên cao trào khi Trường cùng nhiều nhân viên chủ chốt quyết định nghỉ việc không lương để tìm hướng đi mới.
GoHub và mô hình "Internet take away"
Với mô hình tiềm năng và nhiệt huyết của tuổi trẻ, Trường cùng những đồng nghiệp "quyết bỏ việc chứ không sống nhàn hạ" đã nhanh chóng thuyết phục được quỹ đầu tư Red Square Việt Nam để thành lập một startup "thuần Việt" với tên gọi GoHub.
Được tin tưởng số vốn ban đầu 150.000 USD, đội ngũ GoHub làm việc không ngừng nghỉ vì khởi đầu lại cũng đồng nghĩa với việc chấp nhận vị thế "người đến sau".
"Go big or go home" – đã làm thì phải tới nơi tới chốn, GoHub tuy là một thương hiệu xuất hiện sau nhưng lại cung cấp nhiều sản phẩm hơn so với đối thủ cạnh tranh, không chỉ cho thuê wifi mà còn nhập SIM chính ngạch, kết hợp với bán vé tham quan, dịch vụ vận chuyển …
Xác định 2 điểm yếu của mô hình cũ là: Tham vọng mở rộng và quy trình giao nhận. GoHub mạnh dạn mở một quầy tư vấn và giao dịch ngay tại ga đi của sân bay Tân Sơn Nhất để "nhất tiễn song điêu", xóa bỏ hai điểm nghẽn phát triển.
Với tư duy bài bản đó, chỉ trong 3 tháng vận hành đầu tiên, GoHub đã nhanh chóng cán mốc doanh thu 1,5 tỷ đồng, vượt 20% kế hoạch đề ra.
Trường bật mí rằng GoHub đang tham vọng "đánh chiếm" tất cả sân bay quốc tế trên lãnh thổ Việt Nam để biến mình thành một người bạn đồng hành không thể thiếu cho dân phượt, một thương hiệu Việt cho những chuyến đi thanh xuân trọn vẹn.
Trí Thức Trẻ