Nhân lực kém, HĐQT 4 người chỉ 1 người điều hành đã "giúp" Trần Phương Bình chiếm đoạt ngàn tỷ
Về mặt nguyên tắc, HĐQT DongABank vẫn có những phiên họp định kỳ nhằm báo cáo tình hình hoạt động thời gian qua cũng như định hướng cho thời gian tới. Có những vấn đề bị cáo đã không báo cáo vì nghĩ có báo cáo cũng không giải quyết được gì.
Sáng ngày 30/11/2018, TAND Tp.HCM tiếp tục đưa Phan Văn Anh Vũ (tức Vũ Nhôm), Trần Phương Bình (Tổng Giám đốc Ngân hàng Đông Á – DongABank, DAB) và 22 bị cáo khác ra xét xử liên quan đến vụ án gây thiệt hại cho DongABank hơn 3.600 tỷ đồng.
HĐQT chỉ mỗi bị cáo Bình có tham gia điều hành
Với vai trò là Tổng Giám đốc, Phó Chủ tịch HĐQT và Chủ tịch Hội đồng Tín dụng (HĐTD) DAB, bị cáo Bình được xác nhận là đối tượng chính đã tổ chức, chỉ đạo các hoạt động ngân quỹ và đầu tư tại DAB, qua đó Bình đã lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản gây thiệt hại cho DAB hơn 3.405 tỷ đồng, bao gồm 1.160 tỷ đồng trong việc mua hơn 74.000 cổ phần DAB; 437 tỷ đồng và 650 lượng vàng chi lãi ngoài; hơn 24 triệu USD và hơn 15.000 lượng vàng trong kinh doanh ngoại hối và kinh doanh vàng tài khoản trái phép...
Khai báo tại phiên toà, bên cạnh chức quyền tại DAB, bị cáo Bình khai, một trong những lỗ hổng của DAB lúc bấy giờ là nguồn nhân lực tương đối yếu, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế. Điển hình, HĐQT có 4 thành viên tuy nhiên chỉ mỗi bị cáo Bình tham gia điều hành, và điều này cũng chính là lý do khiến bị cáo Bình thực hiện được hành vi chiếm đoạt của mình.
Được biết, HĐQT DAB có từ 5-11 thành viên tùy vào từng giai đoạn. Riêng năm 2007, bị cáo Bình khai báo có 4 thành viên HĐQT tuy nhiên chỉ mỗi bị cáo Bình có tham gia điều hành hoạt động DAB.
Có báo cáo cũng không giải quyết được gì
Chi tiết phần xét hỏi giữa luật sư với bị cáo tại phiên toà:
Luật sư: Trong quá trình điều hành DAB, việc tăng vốn điều lệ có ý nghĩa gì đến hoạt động ngân hàng?
Bị cáo Bình: Việc tăng vốn điều lệ của NHTMCP nói chung và DAB nói riêng nhằm tăng cao tính thanh khoản ngân hàng, đồng thời nâng cao uy tín vì người gửi tiền thường dựa vào vốn điều lệ, số lượng chi nhánh… để lựa chọn. Thứ ba, vốn ngân hàng càng cao thì hạn mức tín dụng cấp cho khách hàng sẽ được tăng cao hơn, dẫn đến thuận lợi để đáp ứng nhu cầu khách hàng.
Luật sư: Nhận thức của bị cáo như thế nào khi buộc phải đưa người thân đứng tên mua cổ phần tăng vốn DAB? Giá trị DAB như thế nào, nhà đầu tư có quan tâm DAB không và tại sao phải đưa tên người than đứng mua?
Bị cáo Bình: Hoạt động DAB lúc bấy giờ bắt buộc phải nâng cao vốn, và mặc dù trong cơn khủng hoảng thì DAB vẫn phát hành tăng vốn hơn nữa có thể phát hành giá cao. Vì không thể nhờ vả tổ chức đứng tên mua số cổ phần phát hành tăng vốn nên bị cáo phải đưa tên người thân đứng.
Luật sư: Trong điều kiện DAB, những yếu tố nào khiến DAB xảy ra sự việc như vậy?
Bị cáo Bình: Yếu tố liên quan đến sự phát triển DAB là uy tín và nguồn nhân lực. Theo bị cáo, yếu tố nhân lực DAB khá yếu so với yêu cầu phát triển ngân hàng, biểu hiện là HĐQT chỉ có một mình bị cáo thực hiện quản trị, điều hành hoạt động kinh doanh chính điều này dẫn đến hành vi sai phạm của bị cáo.
Luật sư: Là người điều hành sao trong quyết định của mình bị cáo lại không xin ý kiến của HĐQT?
Bị cáo Bình: Về mặt nguyên tắc, HĐQT DAB vẫn có những phiên họp định kỳ nhằm báo cáo tình hình hoạt động thời gian qua cũng như định hướng cho thời gian tới. Có những vấn đề bị cáo đã không báo cáo vì nghĩ có báo cáo cũng không giải quyết được gì.
Tựu trung, các hành vi vi phạm pháp luật nghiêm trọng nêu trên là nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng DAB tại thời điểm ngày 31/12/2015: Lỗ lũy kế 31.076 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu âm 25.451 tỷ đồng và tổng tài sản thực chỉ còn 47.011 tỷ đồng.