MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhân sự công nghệ không lo thiếu việc

20-04-2023 - 15:50 PM | Kinh tế số

Bất chấp làn sóng cắt giảm nhân viên công nghệ số lượng lớn của thế giới, thị trường lao động ngành này tại Việt Nam vẫn sôi động

Theo khảo sát xu hướng tuyển dụng nhân sự công nghệ thông tin (CNTT) năm 2023, do Công ty CP IT Việc (ITviec; TP HCM) thực hiện, cho thấy có đến 81,5% doanh nghiệp (DN) phản hồi sẽ tuyển thêm người để tăng quy mô. Khảo sát nhận định các DN công nghệ tại Việt Nam ngày càng phát triển, nỗ lực mang đến môi trường làm việc tốt nhất cho người lao động, bất chấp biến động toàn cầu ngày một gia tăng. Điều đó được minh chứng qua số lượng tuyển dụng các vị trí công việc lĩnh vực CNTT trên 2 trang ITviec và TopDev liên tục tăng trong suốt thời gian qua.

Làm không hết việc

Là kỹ sư cầu nối (Bridge Software Engineer) gần 7 năm kinh nghiệm, anh Trịnh Đức Quận (28 tuổi; ngụ quận Tân Phú, TP HCM) liên tục tăng ca để kịp tiến độ các dự án công nghệ của công ty.

Anh Quận có nhiệm vụ kết nối nhóm làm việc, công ty với khách hàng sao cho bảo đảm hai bên thông hiểu nhau và có thể hợp tác thuận lợi trong mỗi dự án nên khối lượng công việc ngày một lớn. "Công ty tôi chuyên nhận các dự án lập trình và triển khai vận hành các gói công nghệ trong lĩnh vực nông nghiệp phức tạp. Vì thế, công ty liên tục tuyển dụng nhân sự mới, trẻ để đáp ứng nhu cầu thực hiện dự án đúng tiến độ. Hiện các bộ phận đều tăng ca vì nghe bên nhân sự nói tuyển người khó khăn" - anh Quận nói.

Trong khi đó, anh Nguyễn Ly Huy (30 tuổi, quê Đồng Nai) cũng sớm tìm được việc làm tại Việt Nam sau khi bị một công ty công nghệ Hàn Quốc sa thải vào tháng 2 vừa qua. Anh Huy có 6 năm làm lập trình game tại xứ sở kim chi và dự định sẽ làm việc lâu dài tại đây. Tuy nhiên, mọi việc diễn ra nhanh chóng khiến anh và hàng trăm đồng nghiệp khác phải sang Nhật Bản hoặc về Việt Nam tìm việc.

Anh Huy cho biết tuy thu nhập không cao như ở Hàn Quốc nhưng ở trong nước được công ty trọng dụng, có cơ hội phát huy năng lực khi được làm nhiều việc hơn. "Hiện công ty nhận rất nhiều dự án chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục nên nhiều bộ phận làm không có ngày nghỉ. Công ty biết cách chăm sóc nhân viên nên ai cũng nhiệt tình làm việc" - anh Huy nhận xét.

Theo ghi nhận của Navigos Group Việt Nam (TP HCM), những tháng đầu năm, đơn vị này không ghi nhận dấu hiệu sa thải nhân sự của các công ty CNTT, nhất là trong lĩnh vực thương mại điện tử. Đánh giá về nhu cầu nhân sự CNTT của các DN hiện nay, Navigos Group cho rằng các ngành tại Việt Nam đều cần áp dụng CNTT, chuyển đổi số nên nhu cầu tuyển dụng hiện rất lớn và vẫn tăng trưởng mạnh trong thời gian tới.

Nhân sự công nghệ không lo thiếu việc - Ảnh 1.

Công nghệ thông tin vẫn luôn được xem là ngành học “hot” nhất hiện nay

Trau dồi kiến thức, kỹ năng

Ông Nguyễn Xuân Sơn, Giám đốc vận hành dịch vụ khoán việc và cho thuê lại lao động miền Nam thuộc Manpower-Group Việt Nam (TP HCM), cho rằng thị trường tuyển dụng ngành CNTT Việt Nam cũng chịu ảnh hưởng làn sóng sa thải toàn cầu trong lĩnh vực này. Nhưng thực tế, ngành CNTT có phạm vi rất rộng, tham gia vào hầu hết các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội.

Bên cạnh đó, cơ sở hạ tầng công nghệ của Việt Nam khá phát triển nên việc ứng dụng CNTT vào sản xuất - kinh doanh rất rộng mở. Từ đó, nhu cầu tuyển dụng nhân sự ngành này liên tục tăng trưởng, thậm chí đôi khi còn khan hiếm.

"Thị trường tuyển dụng nhân sự lĩnh vực CNTT trong nước trái ngược với thế giới đang diễn ra sôi nổi và cạnh tranh cao là tín hiệu đáng mừng cho sự phục hồi kinh tế của nước ta. Tuy nhiên, ngành này cũng có sự đào thải nhanh và khốc liệt, xu hướng tuyển dụng cũng thay đổi nhanh chóng. Do vậy, nhân sự CNTT cũng cần liên tục trau dồi, cập nhật kiến thức, kỹ năng chuyên môn, kỹ năng mềm để tránh bị đào thải" - ông Sơn khuyến cáo.

Ông Park Jong-ho, Giám đốc điều hành TopDev (TP HCM), cho rằng ngành CNTT đang thay đổi nhưng ở Việt Nam vẫn phát triển ổn định. Nhiều DN công nghệ tại Việt Nam được đánh giá cao khi mang đến môi trường làm việc ổn định với lương, thưởng khá, văn hóa DN tốt và khả năng đào tạo nhân sự nhanh. Các chính sách thúc đẩy chuyển đổi số chính xác và kịp thời của Chính phủ Việt Nam đã tạo nền tảng và sự cộng hưởng lớn giúp giữ vững nền kinh tế và lấy lại đà khôi phục nhanh chóng.

Đằng sau sự phát triển đó phải kể đến nỗ lực cống hiến và tiềm năng sáng tạo của nhân lực CNTT. "Việt Nam đang có một nguồn nhân lực CNTT đầy hứa hẹn về chất và lượng cũng như thị trường tiềm năng và tăng trưởng tốt. Điều quan trọng nằm ở các kế hoạch, chiến lược về đầu tư, phát triển và định hướng cho nguồn lực này nhằm thúc đẩy các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong bối cảnh toàn cầu hóa" - ông Park Jong-ho nói.

Theo Giang Nam

Người lao động

Trở lên trên