MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Các 'sếp' FPT hát cả đêm để nhớ về Đại tướng

06-10-2013 - 17:06 PM |

25 năm 23 ngày trước, FPT ra đời chính tại khu vườn nhỏ của Đại tướng ở số nhà 30 Hoàng Diệu.

Sếp FPT hát cả đêm tưởng nhớ Bác

Không chỉ là vị tướng của nhân dân Việt Nam, đối với FPT, Đại tướng Võ Nguyên Giáp có sự ảnh hưởng đặc biệt. Ngày 13/9/1988, tại khu vườn nhỏ của Đại tướng ở số 30 Hoàng Diệu, Hà Nội, FPT đã được thành lập.

Theo truyền thống, hàng năm, vào mỗi dịp kỷ niệm Ngày thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam (22/12), sinh nhật Đại tướng (25/8), lãnh đạo và cán bộ nhân viên FPT đều mang những bó hoa tươi thắm, lời chúc tốt đẹp nhất gửi tặng ông.

Trong nhiều lần tiếp xúc với vị tướng của dân tộc, các lãnh đạo FPT đã học được ở ông sự bình dị, bao dung, hết lòng vì con người… Chiến tranh nhân dân áp dụng trong 2 cuộc chiến tranh vệ quốc của Đại tướng cũng được FPT áp dụng trong kinh doanh và quản lý.

Trao đổi với chúng tôi, Cựu TGĐ FPT Nguyễn Thành Nam cho biết: “Lịch sử FPT gắn với cụ, với căn nhà 30 Hoàng Diệu, với những tấm lòng ưu ái và những lời căn dặn chân thành cụ dành cho những sáng lập viên của FPT cũng như những thanh niên Việt Nam yêu nước”.

Ông Nguyễn Thành Nam, hiện là Phó Chủ tịch ĐH FPT tâm sự:Tôi không có dịp được trực tiếp thỉnh giáo cụ, nhưng cũng có thể nhận bừa là người hóng hớt. Hồi đầu những năm 2000, có một người bạn Mỹ bất chợt đã hỏi tôi: “Tướng Giáp là một vị tướng vĩ đại, chắc chắn ông đã học được nhiều điều từ các trận đánh. Mày có biết những trận nào mà tướng Giáp bị cho là thua trận không?”. 

Quả thật là bất ngờ. Đúng là chưa bao giờ tôi nghĩ đến điều đó. Đây là loại câu hỏi không cần trả lời và có thể làm thay đổi cách suy nghĩ của người bị hỏi. Nhờ nó mà tôi biết cách đọc “Chiến đấu trong vòng vây”, hay “Victory at any cost” để chiêm nghiệm ra những bài học của cụ”.

Cựu CEO FPT cũng chia sẻ thêm: Chúng tôi cũng đã từng dẫn không biết bao đoàn khách quốc tế đi thăm Bảo tàng lịch sử quân sự và đến chụp ảnh trước cổng ngôi nhà 30 Hoàng Diệu.

Năm 2006, tôi đã liều mạng xin cụ ký vào một cuốn sách để tặng cho ông Joe, người đã mang đến và giúp chúng tôi thực hiện thành công hợp đồng với Petronas. Một lập trình viên Fsoft, sau khi được tôi dẫn đến thăm cụ, đã xúc động viết: Có lẽ đây là món quà lớn nhất trong đời mà anh có thể làm cho em”.

Tôi sẽ mãi mãi nhớ lời dặn của cụ: "Hạnh phúc lớn nhất của người cầm quân là được ở bên chiến sĩ trên mặt trận".

Khi nghe tin cụ mất, trên trang thông tin cá nhân của ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software cũng bày tỏ những tâm sự đầy cảm động: "Anh hùng dân tộc, Đại tướng Tổng tư lệnh, anh Cả của quân đội, bác Văn của chúng tôi... Đêm nay chúng tôi, những người FPT ngồi bên nhau, hát thật khẽ những bài hát về đất Quảng Bình, về bộ đội... Nhớ đến bác!"

"Với tôi, Đại tướng thần kỳ và huyền thoại"

Một thành viên của FPT, anh Lê Đình Lộc, được mệnh danh là “Viện sĩ STCo” – "nghệ nhân" số 1 về ghép nhạc STCo viết trên trang tin nội bộ của FPT: “Khi xưa, lũ chúng tôi hay chơi trò “bắn bòm” - một kiểu đánh trận giả của trẻ con Hà Nội, nấp sau gốc cây, gặp “địch”, xông ra giơ súng tay hét lên: “Ta là Đại tướng Võ Nguyên Giáp đây”, rồi bắn “bòm bòm”... Hình ảnh Đại tướng Võ Nguyên Giáp thời thơ ấu của tôi: Thần kỳ và huyền thoại.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các lãnh đạo cao cấp của FPT.
Đại tướng Võ Nguyên Giáp cùng với các lãnh đạo cao cấp của FPT.

Anh Lộc kể:Tuổi thanh niên, tôi được nghe người bác ruột, một vị tướng từng là trợ thủ đắc lực của Đại tướng Võ Nguyên Giáp trong các chiến dịch, kể nhiều câu chuyện về Đại tướng. Ông kể rằng Đại tướng có một tầm nhìn chiến lược và trí tuệ vô cùng mẫn tiệp. 

Khi xây dựng lực lượng quân báo đầu tiên của quân đội, Đại tướng đã tập hợp một đội ngũ chủ yếu là các sinh viên đang học hoặc đã tốt nghiệp các trường thuộc địa, giỏi tiếng Pháp và có trí tuệ, không nhất thiết là phải xuất thân từ giai cấp lao động”.

Trong chiến dịch Biên giới Thu đông 1950, bác anh Lộc cùng Đại tướng ngồi nghe đài BBC tiếng Pháp. Phát thanh viên phân tích tình hình quân đội Pháp tại Bắc bộ. Đại tướng bỗng nhiên chăm chú vào một cái tin. Phát thanh viên nói rằng: “Đây là đợt rút quân lần thứ nhất của trung đoàn số... viễn chinh Pháp”. Đại tướng nói luôn, có đợt rút quân lần thứ nhất tức là sẽ có đợt thứ hai, phải chuẩn bị chiến dịch tấn công quân địch. Phán đoán của Đại tướng cực kỳ chính xác, chiến dịch đã toàn thắng với một trí tuệ tuyệt vời của vị Đại tướng vĩ đại xuất thân từ một nhà giáo.

Lần đầu tiên tôi được gặp Đại tướng vào mùa đông năm 1987. Khi đó, tôi giúp nhóm Trao đổi Nhiệt chất (Viện Cơ học) của anh Trương Gia Bình thiết kế xây dựng nhà sấy lạnh cho Nhà máy thuốc lá Thanh Hóa. Chúng tôi thường ngồi vẽ tại bàn bóng bàn trong khu nhà của Đại tướng trên phố Hoàng Diệu.

Một hôm đang mải mê vẽ, tôi nghe một giọng ấm áp miền Trung: “Cháu vẽ gì thế?”. Tôi giật mình quay lại thì thấy vị Đại tướng huyền thoại đứng bên cạnh. Ông mặc bộ đồ thể thao đông xuân, trông khá nhỏ bé nhưng đôi mắt rất sáng. Tôi ấp úng trả lời gì đó mà đến nay tôi không nhớ lắm.

Ông hỏi chuyện tôi vài câu, cười rất hiền và thong dong đi dạo trong vườn. Tôi nhìn theo ông, sững sờ vì lần đầu tiên được nhìn thấy vị Đại tướng vĩ đại ngoài đời thực. Giản dị và ấm áp. Gần một tuần làm việc tại 30 Hoàng Diệu, tôi còn được gặp Đại tướng thêm một vài lần nữa. Thấy đã quen với hình ảnh một ông già hiền hậu, đầy nội lực thay cho hình ảnh vị Đại tướng oai nghiêm lẫy lừng.

Ngày 2/9 vừa qua, ĐH FPT và gia đình Tướng Giáp đã tổ chức chương trình
Ngày 2/9 vừa qua, ĐH FPT và gia đình Tướng Giáp đã tổ chức chương trình "Đêm ký ức trong vườn nhà Đại tướng".

Trong thời gian làm việc tại FPT, tôi cũng nhiều lần cùng lãnh đạo đến thăm Đại tướng, ngày chiến thắng Điện Biên, ngày sinh nhật Đại tướng, ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam, lần nào cũng nồng hậu, ấm áp tình cảm. Vợ chồng Đại tướng, chị Phúc, anh Biên, anh Nam đều coi chúng tôi, những người FPT, như người trong gia đình. Những năm còn khỏe, bao giờ Đại tướng cũng căn dặn một điều: Luôn giữ vững tư tưởng vì đất nước, vì nhân dân.

Vợ tôi sinh ngày 25/8, trùng với ngày sinh của Đại tướng. Mẹ tôi không bao giờ quên sinh nhật con dâu mình. Trong ngày này, gia đình tôi không ai là không nhắc đến vị Đại tướng của dân tộc Việt Nam.

Lễ ăn hỏi Ngọc Anh, cháu ngoại Đại tướng, tôi làm người dẫn chương trình bên họ nhà gái. Đó có lẽ là lần cuối cùng tôi được gặp Đại tướng. Vợ chồng Đại tướng Võ Nguyên Giáp - ông bà ngoại - có mặt trong lễ ăn hỏi. Tất cả đều đã biết, nhưng theo phong tục, tôi vẫn phải giới thiệu với họ nhà trai. Thật sự xúc động khi lần đầu tiên tôi dùng từ ông ngoại thay cho từ Đại tướng. Sau các nghi lễ, tất cả ùa lên chụp chung với vợ chồng Đại tướng những bức ảnh kỷ niệm.

Vâng, cứ như vậy, hình ảnh, nhân cách và con người Đại tướng luôn gắn vào tôi từ thuở ấu thơ. Lần nào gặp Ngọc Anh tôi cũng hỏi thăm sức khỏe Đại tướng, mong ông sống lâu hơn nữa dù biết ông đã thật già.

Vậy mà tối qua nghe tin vẫn thấy bàng hoàng. Tôi thương cho cả đất nước, cả dân tộc Việt Nam đã mất đi một người con, một người anh hùng, người anh Cả của quân đội nhân dân. Nhưng tôi cũng vui vì ông đã khoan thai, nhẹ nhàng ra đi, như những bước chân đi dạo trong khu vườn Hoàng Diệu năm nào, gặp các bậc tiên tổ, gặp Bác Hồ và gặp lại hàng triệu chiến sĩ của ông trong hai cuộc kháng chiến giành độc lập cho đất nước.

Nhạc sĩ Trương Quý Hải đang sáng tác một bài về ông, một bài hát mang hơi thở những làn điệu dân ca quê hương Quảng Bình. Nhạc sĩ sẽ tổ chức một dàn đồng ca vĩ đại hát trong khu vườn 30 Hoàng Diệu vào ngày 22/12 năm nay. Xin cho tôi được tham gia. Tôi sẽ hát như tôi đã hát hào hùng cùng bao người bạn của mình: “Đoàn Vệ quốc quân một lần ra đi. Dù có gian nguy nhưng lòng không nề. Ra đi ra đi bảo tồn sông núi. Ra đi ra đi thà chết chớ lui...”.

kyanh

Theo Sohanews/Trí thức trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên