MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

CEO Intel: Vị CEO ngoan cường trong cuộc chiến công nghệ cao

26-09-2011 - 11:00 AM |

Người ta đã dự đoán một thời kỳ tồi tệ cho PC và người khổng lồ xanh Intel. Nhưng điều đó không xảy ra nhờ vào năng lực lãnh đạo của Paul S. Otellini, Chủ tịch kiêm CEO đời thứ năm của tập đoàn này.


Tóm tắt:

- PC với kiến trúc chip x86 của Intel hay AMD chiếm vị trí độc tôn trong gần 3 thập kỷ. Sự xuất hiện của laptop, netbook, tablet và smartphone bắt đầu cho cuộc chiến công nghệ.

- Cuộc cách mạng điều hành của Paul S. Otellini: từ bỏ nhãn hiệu “Intel Inside” và con chip lõi đơn Pentium vốn là niềm tự hào của Intel, mạo hiểm vào hệ thống các chip lõi đôi và đa lõi kiểu Centrino.

- Mức tăng trưởng doanh thu, mức tăng lợi nhuận của Intel đã giảm. Otellini đã nhận ra có nguyên nhân kép: PC chỉ bão hòa ở một số thị trường nhất định và PC không lỗi thời mà do chậm nâng cao.

- Quá trình tái cấu trúc tập đoàn và tuyển dụng mới, cả những chuyên gia, nhà quản lý các tập đoàn lớn với niềm tin vào sự trỗi dậy của Intel. Otellini kiên định nói rằng Intel vẫn tốt và sẽ còn tốt hơn nữa.

Những chiếc máy tính cá nhân (PC) với kiến trúc chip x86 của Intel hay AMD đã chiếm vị trí độc tôn trong gần ba thập kỷ. Nay, sự xuất hiện của ngày càng nhiều các thiết bị số gọn nhẹ và thân thiện nhờ có khả năng theo sát con người trong mỗi hoạt động ở mọi nơi mọi lúc như máy tính xách tay (laptop), máy tính xách tay nhỏ gọn (netbook), máy tính bảng (tablet) và cả điện thoại thông minh (smartphone) đã bắt đầu cho cuộc chiến công nghệ.

Người ta đã dự đoán một thời kỳ tồi tệ cho PC và cả người khổng lồ xanh Intel. Nhưng điều đó đã không xảy ra nhờ vào năng lực lãnh đạo của Paul S. Otellini, vị Chủ tịch kiêm Giám đốc điều hành (CEO) đời thứ năm của tập đoàn, sau Robert Noyce, Gordon Moore, Andy Grove và Craig Barrett.

Đảm nhiệm chức vụ thay người thầy Craig Barrett từ tháng 5-2005, sau hai năm làm Giám đốc tác vụ (COO), Paul Otellini biết rõ hơn ai hết điểm yếu và thế mạnh của Intel. Mặt khác, kiến thức kinh tế và kinh nghiệm học ở trường Đại học San Francisco (1972) và chương trình Thạc sĩ kinh doanh (MBA) tại Đại học California (1974) đã giúp ông rất nhiều trong việc điều hành một tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới. Trong khi các vị tiền nhiệm tập trung vào việc sản xuất những con chip tốt hơn, tốc độ xử lý cao hơn và tập trung vào thị trường PC thì Otellini đã mạnh dạn đa dạng hóa các lĩnh vực kinh doanh cho Intel.

Thực ra, có thể xem đây là một cuộc cách mạng điều hành ở cả hai mặt trận sản xuất và kinh doanh. Otellini chấp nhận từ bỏ nhãn hiệu “Intel Inside” và con chip lõi đơn Pentium vốn là niềm tự hào của mình để bắt đầu mạo hiểm vào hệ thống các chip lõi đôi và đa lõi kiểu Centrino.

Và giới công nghệ bắt đầu nhận thấy trong đội ngũ lãnh đạo Intel có các chuyên gia ngành bán dẫn và phần mềm làm việc chung với các chuyên gia dân tộc học am hiểu các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil và cả các bác sĩ chuyên khoa cho một kế hoạch tham vọng về phát triển y tế điện tử. Paul đã không rời bỏ “triều đại” PC như một vài nhà sản xuất vi mạch đang làm mà nâng cấp nó lên tầm cao mới và lèo lái nó đến những thị trường cần thiết.

Nâng tầm cao cho chiếc máy tính

Chưa đợi đến thời kỳ suy thoái kinh tế toàn cầu (2008) người ta đã nói tới hiện tượng bão hòa của các dạng máy tính cá nhân vốn là khách hàng chính của kiểu kiến trúc vi mạch x86. Cách đây vài năm, giới chuyên gia cũng đã nhận ra sự phát triển mạnh mẽ của các dòng điện thoại thông minh và máy tính bảng chạy trên nền kiến trúc chip ARM. Mức tăng trưởng doanh thu năm 2006 của Intel chỉ còn 7% ứng với 42,2 tỉ đô la Mỹ so với mức tăng trung bình ba năm trước đó là 13%.

Tệ hơn nữa, mức tăng lợi nhuận đã giảm xuống chỉ còn 5% tương đương với 9,5 tỉ đô la trong khi mức bình quân của ba năm liên tiếp trước đó là 40%. Otellini đã nhận ra ở đó có nguyên nhân kép. Trước hết PC chỉ bão hòa ở một số thị trường nhất định chứ không phải vì bị cạnh tranh bởi máy tính bảng, vấn đề ở chỗ người ta đã không đem PC tới nơi nó cần đến. Thứ hai, PC không lỗi thời mà thực tế là người ta đã chậm chạp trong việc nâng cao tầm mức cho nó sau gần 30 năm chiếm vị trí độc tôn.

Thay đổi là một nhu cầu tiến hóa và càng đi sâu vào nền kinh tế tri thức thì con người càng muốn mình thông minh hơn bằng việc trang bị những phương tiện điện toán hiện đại và thân thiện hơn. Máy tính cá nhân, máy tính xách tay, máy tính xách tay nhỏ gọn, máy tính bảng hay các loại điện thoại thông minh có tích hợp Internet đã chiếm lĩnh những phân khúc thị trường khác nhau.

Dưới góc nhìn của một nhà kinh tế học am hiểu về kỹ thuật như Otellini thì chúng không thể thay thế cho nhau mặc dù cố chồng phủ lên nhau. Đó là lý do Intel hướng tới việc đầu tư vào các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, nơi mà các dòng PC vẫn còn được ưa chuộng cho mục tiêu hiện đại hóa, từ đó làm cơ sở cho việc hình thành nền kinh tế tri thức cùng với việc điện tử hóa các hoạt động của chính phủ, doanh nghiệp và cộng đồng.

Đó cũng là lý do Intel thu hẹp hệ thống chip lõi đơn một thời nổi tiếng với Pentium, chuyển sang đầu tư cho hệ thống lõi kép kiểu Centrino và các loại chip phục vụ điện toán di động nơi mà dòng chip ARM đang giữ thế độc tôn.

Việc này đã làm nên điều kỳ diệu. Trái với quan điểm bi quan của các nhà phân tích Phố Wall, doanh số PC trong năm 2009 đã tăng trưởng trở lại đến 17% so với dự báo chỉ 5-6%. Mức tăng này trên thực tế được duy trì trong suốt năm 2010 mà mỗi ngày lượng chip bán ra của Intel đã vượt quá con số một triệu.

Kết thúc quý 1-2011, doanh thu của Intel tăng thêm 12% và người ta hy vọng rằng phân khúc thị trường dành cho PC vẫn tiếp tục tăng đến 15% một phần nhờ sức mua tăng trở lại sau thời kỳ suy thoái, phần nữa nhờ có đến 90% doanh nghiệp sử dụng Windows XP đã đến lúc nâng cấp và dòng Windows 7 ra đời cần con chip mới, nhưng mạnh mẽ nhất vẫn là nhờ vào nhu cầu về PC từ các thị trường mới nổi vốn vẫn giữ được mức tăng trưởng GDP hằng năm khá cao.

Khởi đầu cho một cuộc cách mạng

Có thể không còn ngôn từ nào chính xác hơn hai chữ “cách mạng” khi chính người thuyền trưởng chấp nhận bỏ đi những thứ quý nhất để cứu con tàu, kể cả niềm tự hào của mình và di sản của những người tiền nhiệm. Otellini đã làm việc đó khi con tàu Intel bị nguy ngập trong năm 2005 vào lúc ông bắt đầu đảm nhận chức vụ Giám đốc điều hành. Hơn 10% trong 98.000 nhân viên của tập đoàn đã bị sa thải bao gồm khoảng 1.000 người ở cấp lãnh đạo.

Những người được giữ lại sẽ phải tham gia vào quá trình tái cấu trúc tập đoàn và hơn 20.000 khuôn mặt mới được tuyển dụng, trong đó có cả những chuyên gia, nhà quản lý các tập đoàn lớn. Xen lẫn trong tâm lý lo lắng của các kỹ sư lâu năm sống chết với nghề sản xuất vi mạch bán dẫn là niềm tin vào sự trỗi dậy của Intel.

Thật vậy, khác với lề lối làm việc cũ khi mà các xưởng cứ sản xuất thật nhiều những con chip ngày một thông minh hơn rồi để đó cho nhân viên tiếp thị tìm kiếm khách hàng, hiện tại trong mỗi bộ phận, các kỹ sư bán dẫn, nhà soạn thảo phần mềm ngồi lại cùng các nhà tâm lý học, dân tộc học và đôi khi cả bác sĩ chuyên khoa để bàn thảo, định hình nên một sản phẩm bán dẫn, chế tạo ra nó, rồi đưa đến cho người có nhu cầu sử dụng.

Một dẫn chứng cho phương thức làm việc mới này là công việc của Bern Chen, một bác sĩ có 15 năm kinh nghiệm về điều trị nội trú mới chuyển đến Intel ba tháng trước. Ông trao đổi với các chuyên gia để phân định dấu hiệu sinh lực nơi các người lớn tuổi hoặc theo dõi khẩu phần của bệnh nhân Alzheimer (chứng mất trí nhớ). Những ghi nhận của Bern Chen trở thành chỉ dẫn trong việc chế tạo thiết bị công nghệ cho ngành y tế điện tử.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn trên tờ Forbes vào thời điểm kết thúc quý 1-2011, Otellini kiên định nói rằng Intel vẫn tốt và sẽ còn tốt hơn nữa. Ông đã không mảy may đề cập đến cuộc cách mạng kỹ thuật, nhưng đó là cốt lõi của một tập đoàn công nghệ cao như Intel trước các đối thủ nặng ký như Advanced Micro Devices (AMD), Texas Instruments (TI), Qualcomm (QCOM) và trước đòi hỏi của các khách hàng truyền thống như Dell hay Microsoft.

Trên thực tế, tại cuộc triển lãm Consumer Electrics năm 2006, logo “Intel Inside” đã biến mất và thay vào đó là logo “Intel” với vòng xoay chung quanh chỉ sự chuyển động. Nhãn Pentium nổi tiếng cũng lùi dần. Viiv trở thành tên mới của dòng kiến trúc vi mạch sử dụng cho PC và Centrino là tên chip mới cho các dòng máy tính xách tay nhỏ gọn và các phương tiện di động, trong khi đó Core là kiến trúc nền kèm theo để khai thác các con chip mới cho các phương tiện điện toán không tương thích.

Đây hẳn không chỉ là các tên gọi mà là sự thay đổi kỹ thuật căn cơ để các kiến trúc bán dẫn của Intel có khả năng ứng dụng rộng rãi, làm tiền đề cho việc thực hiện kế hoạch tham vọng của vị CEO năm nay đã 61 tuổi, đặc biệt trong ba lĩnh vực thực dụng là siêu điện toán, điện toán di động và y tế điện tử.

Theo Hoàng Xuân Phương

TBKTSG

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên