MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Chân dung ‘người đàn bà thép’ HongKong dám đối đầu với Trung Quốc

19-08-2014 - 08:53 AM |

“Thậm chí trong giấc mơ ngông cuồng nhất, tôi cũng không ngờ rằng, 17 năm sau khi được bàn giao, Hồng Kông lại bị như bây giờ”, bà Anson Chan, người đang đấu tranh quyền tự chủ cho Hong Kong bộc bạch.

Anson Chan, từng là một nhân vật cấp cao trong chính quyền Hong Kong, đã quay trở lại đòi quyền tự chủ "thoải mái" hơn cho hòn đảo này khi cho rằng Trung Quốc đang “nuốt lời hứa” với người dân nơi đây.

Tờ The Guardian (Anh) cho hay, Anson Chan thường được gọi là “Người đàn bà thép” của Hồng Kông. Bà Anson Chan từng là nhân vật cấp cao thứ hai của Hồng Kông dưới thời Anh cai trị. Và khi thuộc địa này được giao lại cho Trung Quốc vào năm 1997, Bắc Kinh đã nhờ bà giúp sức để hoàn thành việc chuyển giao đó.

Mặc dù hiện không còn nắm giữ bất kì vị trí nào trong chính quyền, nhưng bà Chan, 74 tuổi, vẫn là một trong những nhân vật chính trị có ảnh hưởng nhất ở Hồng Kông và tiếp tục nổi lên trong bối cảnh cuộc chiến của người Hông Kông với Trung Quốc để giành quyền tự chủ ngày càng căng thẳng.

Trung tâm của cuộc chiến này là yêu cầu Trung Quốc thực hiện lời hứa năm 1997 rằng sẽ cho phép Hồng Kông có được quyền tự chủ nhất định. Nhiều người Hồng Kông cho rằng Trung Quốc đã phá vỡ cam kết đó, đặc biệt là đối với tự do truyền thông và việc chọn người đứng đầu khu vực này. Họ cho rằng Bắc Kinh đang kiểm soát rất chặt chẽ người sẽ vào vị trí đó.

Trong bối cảnh trên, bà Chan đã đứng lên hỗ trợ các nhà hoạt động dân chủ. Bà còn kêu gọi sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế đối với chiến dịch đòi dân chủ của Hồng Kông. Trong các chuyến thăm gần đây tới Anh và Washington, bà Chan đã gặp các thành viên của quốc hội và Bộ Ngoại giao hai nước trên và cả Phó Tổng thống Mỹ Joe Biden. Tại đây bà đã nhận được những tuyên bố ủng hộ cuộc chiến đòi dân chủ của Hồng Kông bất chấp việc đó khiến Bắc Kinh giận dữ.

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà Chan đã tiếp tục kêu gọi sự hỗ trợ quốc tế, đồng thời cho biết những đánh giá của bà đối với cuộc chiến đòi dân chủ của Hồng Kông và tầm nhìn của bà đối với tương lai của hòn đảo này. Sau đây là trích đoạn trong bài phóng vấn đó do The Guardian đăng tải:

Tương lai của Hồng Kông có khác so với những gì bà tưởng tượng vào năm 1997?

Tất nhiên, ngày đó, tất cả chúng tôi đều có chút e ngại bởi vì chúng tôi không biết chắc chắn chuyện gì sẽ xảy ra sau khi tiến hành bàn giao. Cá nhân tôi đã rất nỗ lực và dành nhiều thời gian cho Tuyên bố chung, giành sự ủng hộ của cộng đồng quốc tế và nói với mọi người Hồng Kông rằng: “Mọi việc sẽ tốt đẹp vì chúng ta có tất cả những lời hứa hẹn mà chúng ta cần".

Thậm chí trong giấc mơ ngông cuồng nhất, tôi cũng chưa bao giờ nghĩ rằng, 17 năm sau khi việc bàn giao được tiến hành, Hong Kong lại bị rơi vào trạng thái như bây giờ. Tôi cũng không lường trước được và đặc biệt thất vọng khi tất cả ba bên tham gia Tuyên bố chung và Luật Cơ bản (tương đương với một hiến pháp của Hong Kong) là Bắc Kinh, Anh, chính phủ Hồng Kông đều không thực hiện lời hứa của họ đối với người dân Hồng Kông".

Tại sao bà lại chủ yếu vận động để người Hồng Kông có nhiều tiếng nói hơn trong việc đề cử người sẽ tham gia tranh cử vị trí đứng đầu khu vực này mà không chỉ đơn giản là thực thi phổ thông đầu phiếu với nguyên tắc “một người, một phiếu bầu” như những người khác đề xuất?

Tổ chức của chúng tôi, Hong Kong 2020, đã lắng nghe tất cả tiếng nói, đặc biệt là của các lực lượng ủng hộ Bắc Kinh tại Hong Kong và của các quan chức Bắc Kinh, các văn phòng liên lạc. Một thông điệp rõ ràng của những người này là sẽ không chấp nhận những đề cử dân sự hay không cho phép cử tri tự đề cử ứng viên, bởi vì họ cho rằng đây là một hành vi vi phạm Luật cơ bản.

Chúng tôi đã dành một năm để xem xét, lắng nghe ý kiến của người dân và chúng tôi đã đưa ra một bộ các đề xuất hoàn toàn phù hợp với Luật cơ bản, trong đó, thay vì yêu cầu đề cử dân sự, chúng tôi chỉ muốn có đại diện trong ủy ban đề cử (một ủy ban được cho là bị Bắc Kinh kiểm soát chặt chẽ).

Nhưng chính phủ đã làm gì? Mặc dù chính phủ luôn nói với chúng tôi rằng luôn có chỗ cho đàm phán, chúng ta hãy ngồi xuống và nói chuyện nghiêm túc. Nhưng tất cả các đề nghị thỏa hiệp, không chỉ của chúng tôi mà còn của các tổ chức khác đều bị chính phủ bỏ qua. Vậy đâu là sự chân thành? Cam kết hướng tới một sự thỏa hiệp nằm ở đâu?

Chúng ta đều biết chính phủ Hồng Kông đang chờ chỉ đạo từ phía Bắc Kinh, dự kiến sẽ được đưa ra vào tháng Tám tới.

Tại sao cộng đồng quốc tế nên quan tâm đến những gì đang xảy ra ở Hồng Kông?

Cộng đồng quốc tế cần quan tâm tới Hồng Kông để bảo vệ lợi ích riêng của họ. Họ có đầu tư ở đây, họ có công dân sống ở đây, họ có nhiều thỏa thuận song phương với Hồng Kông, từ hợp tác trong các hoạt động thực thi pháp luật, ngăn chặn nạn buôn người, ma túy tới bảo vệ tài sản trí tuệ. Tất cả những thỏa thuận này đều được kí kết trên cơ sở của chế độ ở Hong Kong, khác biệt hoàn toàn so với Trung Quốc đại lục.

Nếu hai chế độ mất đi, chắc chắn Hong Kong sẽ không còn vị thế để tôn trọng các nghĩa vụ hiệp ước đó nữa.

Nếu có cơ hội, bà có hy vọng trở thành trưởng đặc khu kinh tế Hồng Kông hay không?

Có hai lý do tôi không muốn làm như vậy: Một là, tôi sẽ không được Trung Quốc chấp nhận; hai là, công việc này cần một người trẻ tuổi hơn. Tôi đã 74 tuổi rồi.

Tôi sẽ tiếp tục làm những gì có thể để khuyến khích mọi người nói lên tiếng nói của mình vì điều đó rất quan trọng. Tôi không thể đảm bảo rằng nếu chúng tôi lên tiếng và bày tỏ mối quan tâm của chúng tôi, chúng tôi chắc chắn sẽ thành công. Nhưng nếu chúng tôi im lặng và không làm gì cả, chắc chắn chúng tôi chắc chắn sẽ thua cuộc”.

Nội dung được thực hiện dựa trên tham khảo nguồn tin từ The Guardian, tờ báo thông tin đời sống xã hội có lượng bạn đọc đông đảo của Anh.

>> Tỷ phú Hong Kong kiện Google vì bị gắn tên với tổ chức xã hội đen

Theo Phạm Khánh

vandoan

Infonet

Trở lên trên