Chi tiết cuộc trốn chạy bất thành của Dương Chí Dũng
Được anh trai cho biết sẽ bị khởi tố, cựu Phó giám đốc Công an Hải Phòng Dương Tự Trọng lập tức triệu tập chiến hữu thân tín lên kế hoạch đưa Dương Chí Dũng đào tẩu.
- 18-12-2013Khó thu hồi 366 tỷ đồng thiệt hại vụ Dương Chí Dũng
- 16-12-2013Dương Chí Dũng, Mai Văn Phúc nhận án tử hình
- 14-12-2013Câu hỏi ai báo tin cho Dương Chí Dũng còn bỏ ngỏ
- 14-12-2013Ông Nguyễn Bá Thanh đến dự phiên tòa xử Dương Chí Dũng
- 12-12-2013Vì sao Dương Chí Dũng phải hầu tòa?
Theo truy tố của Viện kiểm sát, ông Trọng đối diện mức án cao nhất lên đến 20 năm tù.
Theo một nguồn tin, ngày 27/12, TAND TP Hà Nội tiếp tục mở tòa xét xử cựu đại tá Dương Tự Trọng, về hành vi tổ chức cho anh trai Dương Chí Dũng bỏ trốn. Phiên tòa dự kiến diễn ra trong 2 ngày.
Đào tẩu
Theo cáo trạng của Viện KSNDTC, chiều 17/5/2012, Dương Chí Dũng (khi đó đang là Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam) biết thông tin mình bị Cơ quan CSĐT Bộ Công an khởi tố, bắt tạm giam vì sai phạm trong vụ Vinalines. Ông Dũng lập tức thông báo cho em trai Dương Tự Trọng, khi đó là Phó Giám đốc Công an TP Hải Phòng, được em trai hướng dẫn lánh nạn tại nhà Hoàng Kim Nhung (bạn ông Trọng) ở quận Cầu Giấy, Hà Nội.
Tiếp sau anh trai Dương Chí Dũng (đứng giữa), ông Dương Tự Trọng (ảnh nhỏ) chuẩn bị phải ra trước vành móng ngựa.
Sau đó, Dương Tự Trọng triệu tập một số đồng đội thân tín gồm Vũ Tiến Sơn (khi đó là Phó phòng Cảnh sát Hình sự Công an Hải Phòng) và Hoàng Văn Thắng (Công an Hải Phòng) đến phòng làm việc thông báo tình hình, cùng nghiên cứu phương án đưa Dương Chí Dũng xuất ngoại. Để tránh sự “để mắt” của cơ quan điều tra, ông Trọng giao nhiệm vụ cho Vũ Tiến Sơn đứng ra xử lý mọi việc, từ liên lạc, tổ chức, phân công nhiệm vụ cho các đồng phạm.
Nhận lệnh từ ông Trọng, Sơn “lệnh” cho các chiến hữu tập kết tại nhà bố mẹ đẻ của Sơn ở quận Kiến An, TP Hải Phòng để lên kế hoạch chi tiết. Sơn còn dùng điện thoại của mình rồi bảo Dương Tự Trọng “có lời” trực tiếp với Đồng Xuân Phong (cựu cán bộ hải quan Hải Phòng) cùng một số đối tượng khác.
Nhập cảnh vào Mỹ bất thành
Đúng theo kế hoạch, trưa 19/5/2012, nhóm Sơn gặp nhau và thống nhất tìm mọi cách để Dương Chí Dũng trốn sang Campuchia bằng đường tiểu ngạch khu vực cửa khẩu Mộc Bài, Tây Ninh, sau đó sẽ tìm cách sang Mỹ. Quá trình di chuyển, các đối tượng liên tục thay đổi địa điểm, phương tiện, sim điện thoại... để tránh sự truy lùng của CQĐT. Sau khi nhập cảnh trót lọt vào Campuchia, trưa 23/5/2012, các đệ tử của Dương Tự Trọng đặt phòng cho Dương Chí Dũng tại một khách sạn sang trọng để hôm sau bay qua Singapore, rồi nhập cảnh vào Mỹ.
Do không được nhập cảnh vào Mỹ, ngày 27/5/2012, ông Dũng buộc quay lại Campuchia. Trước tình thế đó, Dương Tự Trọng tiếp tục triệu tập Vũ Tiến Sơn yêu cầu bố trí chỗ để Dương Chí Dũng ăn ở an toàn. Trước khi chia tay Sơn, ông Trọng gửi 30.000 USD cho anh trai.
Nhiều lần chuyển địa điểm, dùng nhiều biện pháp tinh vi lẩn trốn cơ quan chức năng, song đến ngày 4/9/2012 ông Dũng đã bị bắt tại Campuchia, kết thúc hành trình trốn chạy.
Vụ án đặc biệt nghiêm trọng
Theo đánh giá của Viện KSNDTC, đây là vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phạm tội có tổ chức, do Dương Tự Trọng (cựu Phó GĐ Công an Hải Phòng, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Quản lý hành chính về TTXH) chủ mưu; Vũ Tiến Sơn là người chịu trách nhiệm thứ hai, tổ chức thực hiện sự chỉ đạo của ông Trọng.
Hành vi của ông Trọng cùng đồng phạm đã xâm hại trực tiếp đến trật tự quản lý nhà nước trong lĩnh vực xuất nhập cảnh. Ngoài ra, các bị can còn bị cáo buộc gây cản trở, khó khăn rất lớn đến quá trình điều tra vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Vinalines, trong đó Dương Chí Dũng là bị can chính. Cũng theo Viện KSNDTC, hành vi của các bị can còn tạo ra dư luận không tốt, gây mất lòng tin của nhân dân và ảnh hưởng nghiêm trọng đến uy tín của các cơ quan bảo vệ pháp luật.
Theo nguồn tin riêng Tiền Phong, bào chữa cho Dương Tự Trọng trong phiên tòa sắp tới sẽ là luật sư Nguyễn Đình Hưng, Đoàn Luật sư TP Hà Nội.
Bảy bị can hầu tòa Dương Tự Trọng (SN 1961), Vũ Tiến Sơn (SN 1966), Hoàng Văn Thắng (SN 1970), Đồng Xuân Phong (SN 1974), Trần Văn Dũng (SN 1968, ở An Dương, Hải Phòng), Nguyễn Trọng Ánh (SN 1985, cựu cán bộ Phòng CSHS Hải Phòng), Phạm Minh Tuấn (SN 1961, Giám đốc XN Bạch Đằng, TP Hải Phòng), cùng bị truy tố tội “Tổ chức người khác trốn đi nước ngoài”. |
Theo Bảo Thắng