MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

'Chúa đảo' Đào Hồng Tuyển “tái cơ cấu” hậu... kỳ quan thế giới: Khai tử tàu vỏ gỗ

27-04-2012 - 10:17 AM |

"Anh có thể bán hàng rong trên chợ tạm, nhưng khi đã xây siêu thị rồi thì anh không thể gánh hàng lên đó bán như trước được. Điều đó sẽ làm anh “sập tiệm” hoặc là cả siêu thị “chết” theo".

Vịnh Hạ Long không thể thiếu những cánh buồm của những chiếc tàu du lịch. Trò chuyện với chúng tôi, Chủ tịch Tập đoàn Âu Lạc - Đào Hồng Tuyển (một trong những DN đang kinh doanh du lịch trên vịnh Hạ Long) cho rằng, để gìn giữ môi trường, hãy biến những “cánh buồm” trên vịnh Hạ Long thành những sản phẩm hiện đại hơn mà không phải sử dụng gỗ tự nhiên.

- Thưa ông ! Hiện nay có trên 500 con tàu vỏ gỗ đang hoạt động kinh doanh trên vịnh Hạ Long, ông đánh giá như thế nào về loại hình này ?

Chất liệu gỗ được dùng để đóng tàu là loại vật liệu cổ điển. Từ xưa, vì công nghệ chưa phát triển nên người ta phải dùng gỗ để đóng là điều tất yếu. Nay nền khoa học công nghệ tiên tiến trên thế giới không ngừng phát triển thì chúng ta cũng dần thay chất liệu khác có lợi hơn gỗ để bảo vệ môi trường.

- Gỗ cũng là vật liệu xuất phát từ thiên nhiên, thân thiện với môi trường chứ, thưa ông ?

Đó là một quan điểm nhiều người vẫn lầm tưởng. Một con tàu du lịch đóng bằng gỗ, phải gỗ tốt, lâu năm, và hết từ 50 - 300 m3 gỗ. Trong khi phải vào rừng sâu từ 20 - 50 km mới khai thác được loại gỗ đó cũng đủ biết phải tàn phá biết bao cây rừng trên đường vận chuyển ra bìa rừng. Vô hình trung khách du lịch và chủ tàu đã trở thành “đồng phạm” cho việc phá rừng. Thêm nữa, một con tàu gỗ chỉ có tuổi thọ từ 7 - 15 năm, sau đó phần ấy phế thải không thể tái sử dụng sẽ trở thành nỗi lo lớn về môi trường.

- Dù sao thì kinh doanh du lịch bằng tàu gỗ vẫn đang phát huy hiệu quả hiện nay ?

Đó là mối lợi chút ít trước mắt, chứ lâu dài chưa chắc có lợi. Này nhé, một con tàu gỗ cồng kềnh sẽ tiêu tốn nhiều nhiên liệu, do vậy sẽ tăng nguy cơ ô nhiễm môi trường nước và không khí trong vịnh. Nếu ta tiếp tục tăng thêm một hoặc vài ngàn con tàu như vậy thì còn gì là gìn giữ và bảo tồn di sản vịnh Hạ Long nữa. 

Khi đó ngành du lịch trên vịnh sẽ “tuột dốc”...Chưa tính đến rủi ro do đắm tàu, mà chỉ một con tàu trong một đội tàu bị đắm thì DN coi như phá sản. Những năm gần đây nước ta luôn “giật mình” vì những tàu vỏ gỗ bị đắm, bị cháy như tàu Trường Hải 06 trên vịnh Hạ Long, hay tàu Dìn Ký trên sông Sài Gòn... Mặc dù qua đăng kiểm định kỳ nhưng vật liệu gỗ có kết cấu không thể đồng nhất được, do đó khó kiểm soát đầy đủ về an toàn kỹ thuật.

- Nhưng kinh doanh du lịch bằng tàu vỏ gỗ hiện nay pháp luật của ta chưa cấm. Thưa ông ?

Đúng vậy. Nhưng đây là loại hình kinh doanh có điều kiện. Điều kiện thì không thể “giậm chân tại chỗ”, mà nó phải thay đổi theo từng giai đoạn phát triển trong nước cũng như quốc tế. Vịnh Hạ Long của chúng ta đã vươn lên tầm cao mới quá nhanh, trong khi chúng ta đầu tư không theo kịp là lỗi của mình! Sẽ đến lúc những nhà kinh doanh nếu không tự vươn lên được thì phải liên kết lại thành nhóm đầu tư hiện đại hơn, hoặc là phải chuyển đổi nghề.

- Cơ chế thị trường mở ra quyền bình đẳng giữa các thành phần kinh doanh, thưa ông ?

Mô hình tàu du lịch hiện đại cần huy động nguồn lực từ các DN khai thác du lịch trên vịnh Hạ Long.

Đúng vậy. nhưng từ nhiều năm trước khi vịnh Hạ Long chưa có thương hiệu thì hình thức kinh doanh khai thác du lịch nhiều khi còn tự phát, manh mún, chộp giật... Bây giờ vịnh đã sang “trang sử” mới, cần một quy hoạch, định hướng môi trường đầu tư bình đẳng nhưng đủ tầm. Ví như anh có thể bán hàng rong trên chợ tạm, nhưng khi đã xây siêu thị rồi thì anh không thể gánh hàng lên đó bán như trước được. Điều đó sẽ làm anh “sập tiệm” hoặc là cả siêu thị “chết” theo.

- Nhưng, chính Âu Lạc cũng vừa đưa vào khai thác du lịch trên vịnh bằng 10 con tàu gỗ. Ông lý giải gì về điều này ?

10 con tàu vỏ gỗ của chúng tôi hiện nay đẹp, mới, hiện đại và khai thác du lịch hiệu quả nhất trên vịnh. Cũng chính từ những con tàu gỗ này, tôi mới nhận ra là mình đã “đi chậm” so với tầm phát triển của vịnh. Và tôi sẵn sàng từ bỏ đội tàu này trong nay mai để tiếp cận công nghệ mới.

- Ông đã tìm hiểu về việc sản xuất ra những con tàu du lịch từ công nghệ mới đó chưa ?

Mới đây, tôi đã đi tham quan, học hỏi nhiều từ các nước châu Âu. Bây giờ bằng những vật liệu, công nghệ tiến bộ của thế giới họ đã cho ra đời những con tàu siêu nhẹ, siêu bền, hiện đại, đẹp, an toàn mà không gây ô nhiễm môi trường. Đó là những con tàu có hai lớp đáy, vật liệu chế tạo chúng có thể tái chế cho các mục đích khác sau khi con tàu hết hạn sử dụng.

- Vâng, nếu đoàn tàu đó thay tàu vỏ gỗ trong tương lai thì Quảng Ninh cần phải quy hoạch, định hướng như thế nào cho ngành du lịch, thưa ông?

Trước hết là phải có nguồn nhân lực thật chuyên nghiệp, được đào tạo, sát hạch theo đúng nghĩa. Phải xây dựng hạ tầng như cảng, bến, đường sá đủ tiêu chuẩn. Và cần phải có một đội tàu phục vụ cho việc cứu nạn, cứu hỏa, cấp cứu và điều trị bệnh nhân ngay trên biển thật chuyên nghiệp. Mô hình này cần huy động nguồn lực từ việc xã hội hóa, từ các DN khai thác du lịch trên vịnh, vì đó là quyền lợi của họ.

- Xin cảm ơn ông về những ý tưởng mới mẻ này. Mong những ý kiến của ông sớm được tỉnh Quảng Ninh và các DN đang khai thác du lịch trên vịnh đồng thuận.

Theo Văn Nguyễn

 Diễn đàn doanh nghiệp

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên