MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Con nuôi bà chủ khối tài sản nghìn tỷ đã khai nhận thừa kế

08-06-2012 - 23:37 PM |

Cho rằng anh em họ hàng bên gia đình mẹ nuôi không xuất trình được di chúc và các chứng cứ liên quan đến khối tài sản nghìn tỷ, Huệ đã làm thủ tục khai nhận một phần di sản thừa kế hồi tháng 6/2011.


Từ tháng 6/2011, trong khi đang "bất đồng quan điểm" về việc phân chia khối tài sản cả nghìn tỷ của bà Phấn để lại với những người anh em của mẹ nuôi, Huệ đã đơn phương đi khai nhận di sản thừa kế đối với hơn 20 sổ, thẻ tiết kiệm tại các ngân hàng. Ước tính những sổ này có giá trị hàng triệu USD.

Luật sư Nguyễn Bảo Trâm, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của Huệ cho biết, phía anh em của bà Phấn vẫn không xuất trình được di chúc và các giấy tờ hợp pháp chứng minh quyền sử hữu của mình trong khối tài sản đó. Họ cũng không có mặt tại ngân hàng để tiến hành mở két sắt giao các tài sản cho Huệ theo như thỏa thuận trong vi bằng. Vì vậy, để thực hiện quyền thừa kế của mình, cô con nuôi đã làm thủ tục khai nhận thừa kế trước các khoản tiền gửi do mẹ cô để lại tại một số ngân hàng.

Danh sách hơn 20 sổ, thẻ tiết kiệm của người đàn bà làm bún 
đã được cô con gái nuôi khai nhận di sản thừa kế.

Ngày 6/6/2011, dù những chứng từ này đang được gửi tại két sắt của ngân hàng Sacombank, song trước những giấy tờ chứng minh Huệ là người thừa kế duy nhất và hợp pháp của bà Phấn, cũng như xác nhận của ngân hàng về số dư có trong các sổ tiết kiệm, Phòng công chứng số 1 (TP HCM) đã chứng nhận văn bản khai nhận di sản của cô đối với hơn 20 sổ, thẻ tiết kiệm do mẹ để lại.

Đến khi phía ông Phan (đại diện cho những người anh em của bà Phấn) phát hiện thì thủ tục khai nhận di sản thừa kế đã hoàn thành. Luật sư của ông Phan cho rằng, Huệ đã không minh bạch trong việc khai nhận di sản thừa kế đối với các sổ tiết kiệm. Vì vậy, phía ông Phan đã có đơn yêu cầu các ngân hàng ngăn chặn việc rút tiền tại các tài khoản trên do "chưa xác định rõ ràng".

Vị luật sư này cũng thông tin thêm, phía ông Phan không tranh chấp về vấn đề thừa kế đối với khối tài của bà Phấn để lại. Họ chỉ muốn đòi lại những tài sản thuộc quyền sở hữu của mình cũng như phần vốn góp của những người anh em khác trong khối tài sản đó.

"Hiện chúng tôi đã thu thập được một số bằng chứng xác minh việc góp vốn đầu tư của những người anh em bà Phấn từ nước ngoài gửi về và đang gửi giám định tại cơ quan chức năng. Cho đến khi thu thập được các chứng cứ thì sẽ khởi kiện đòi lại tài sản", vị luật sư nói.

Trao đổi với VnExpress.net, lãnh đạo Phòng công chứng số 1 khẳng định quy trình chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế cho cô Huệ là hoàn toàn đúng theo quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, người thừa kế có thể xin xác nhận từ phía ngân hàng về những tài khoản mà người chết để lại mà không cần xuất trình với công chứng viên bản chính.

Ngoài việc làm thủ tục nhận thừa kế đối với các sổ tiết kiệm, ngày 13/6/2011 cô Huệ còn làm thủ tục khai nhận thêm di sản là chiếc ôtô do mẹ cô để lại tại văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc (TP HCM). Nhưng ông Phan đã có đơn khiếu nại cho rằng Hội đồng gia tộc chỉ đồng ý cho cô Huệ quản lý chứ không được khai nhận di sản. Tuy nhiên, ông Phan cũng không xuất trình được di chúc hoặc các chứng cứ xác nhận tài sản này đang có tranh chấp nên đến tháng 9/2011, văn phòng công chứng Nguyễn Thị Tạc đã đồng ý khai nhận di sản thừa kế chiếc xe này cho cô Huệ.

Liên quan đến việc Ngân hàng Sacombank đã thanh lý 2 hợp đồng thuê ngăn tủ sắt chứa khối tài sản nghìn tỷ của bà Phấn cho Huệ trong khi không được sự đồng ý của ông Phan, luật sư Bảo Trâm cho biết, sau hơn 2 tháng kể từ ngày hết hạn thuê ngăn tủ sắt với ngân hàng, ngày 30/5, các bên có mặt tại ngân hàng để thanh lý hợp đồng. Nhưng do phía ông Phan không đồng ý cùng cô Huệ lấy tài sản về cũng không ký hợp đồng gia hạn thêm 30 ngày. Vì vậy, ngân hàng buộc phải thanh lý 2 hợp đồng thuê ngăn tủ sắt với Huệ và cô cam kết chịu trách nhiệm toàn bộ với khối tài sản nếu có bất kỳ tổn thất thiệt hại xảy ra.

"Để giữ hòa khí trong gia đình, cô Huệ chỉ mong muốn gia đình hợp tác nhằm tìm một hướng giải quyết hợp tình hợp lý cho những bất đồng quan điểm về thừa kế di sản. Ngoài ra, cô Huệ cũng sẵn lòng trao lại những tài sản trong di sản của mẹ nếu bất cứ ai chứng minh được quyền sở hữu của mình theo quy định của pháp luật", luật sư Trâm cho biết.

Ngày 10/3/2011, bà Phấn qua đời để lại khối tài sản cả nghìn tỷ đồng, nhưng không có di chúc. Lúc này Huệ - con gái nuôi duy nhất của bà đang du học tại Đức đã về nước chịu tang mẹ. Đến tháng 3/2011, người con nuôi cùng với 4 người cậu (em ruột bà Phấn) thống nhất lập vi bằng kiểm kê khối tài sản và tiến hành thuê ngăn tủ sắt tại ngân hàng Sacombank để gửi. Cho đến nay, hai bên vẫn chưa thống nhất được phương thức giải quyết tranh chấp.

Theo luật sư Hồng Vân (Đoàn luật sư TP HCM), việc cô Huệ sử dụng xác nhận của các ngân hàng về số dư trong sổ, thẻ tiết kiệm của người mẹ để lại để làm kê khai tài sản thừa kế là phù hợp với quy định của pháp luật về công chứng. Nếu trường hợp tài sản đi kê khai di sản thừa kế là bất động sản, xe... thì buộc phải có bản chính của giấy chứng nhận quyền sử dụng đối với tài sản đó để đối chiếu.

Còn theo một thẩm phán TAND TP HCM, nếu ông Phan cho rằng Phòng công chứng số 1 chứng thực văn bản khai nhận di sản thừa kế cho cô Huệ trong trường hợp này là không đúng có thể kiện ra tòa. Chỉ có tòa án là cơ quan có thẩm quyền xác định hành vi của công chứng viên là đúng hay sai, bản khai nhận di sản thừa kế đó có giá trị pháp lý hay không.

Theo Hải Duyên 
vnexpress

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên