MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Doanh nhân Trần Kim Chung: Nhà cầm quân C.T Group

13-10-2011 - 08:39 AM |

Với vẻ ngoài lịch lãm và trẻ trung, ít ai ngờ rằng, anh đã gắn bó với nghiệp kinh doanh gần 30 năm, nếm trải biết bao thăng trầm trên thương trường.

Khởi sự kinh doanh từ khi Việt Nam chưa mở cửa nền kinh tế, nhưng ít ai biết đến lai lịch của Chủ tịch Tập đoàn C.T Group Trần Kim Chung.

Thiên hạ càng tò mò hơn khi C.T Group triển khai nhiều dự án lớn tại TP.HCM trong bối cảnh thị trường nhà đất trầm lắng.

Với vẻ ngoài lịch lãm và trẻ trung, ít ai ngờ rằng, anh đã gắn bó với nghiệp kinh doanh gần 30 năm, nếm trải biết bao thăng trầm trên thương trường.

Khi anh 14 tuổi, kinh tế nước nhà đang trong thời bao cấp, đồng lương công chức và nhà giáo ít ỏi của bố mẹ anh không đủ trang trải chi tiêu cho cả gia đình, anh quyết định liên kết với xưởng sản xuất kem của ông chú để mở một cơ sở nhỏ làm bánh kem. “Vạn sự khởi đầu nan”, anh một mình hì hụi vừa tự sản xuất bánh, vừa tự đóng gói và kiêm luôn nhiệm vụ đi bán.

Anh kể, thời gian đầu, nhiều đêm quay về nhà với thùng bánh vẫn còn nguyên, ngẫm mà buồn đến phát khóc. Dần dà, sự kiên trì của “ông chủ nhỏ” đã nhận được phản hồi tốt từ thị trường, khi khách hàng tìm đến tận nhà để mua hàng. Ấy vậy, công việc tưởng suôn sẻ lại bỗng dưng dậy sóng, khi một đối thủ mạnh đã xuất hiện với kỹ thuật tốt và vốn mạnh hơn, khiến anh ngậm ngùi đóng cửa cơ sở sau 2 năm hoạt động. Đó bài học đầu đời về sự cạnh tranh trên thương trường.

Ấp ủ hy vọng tiếp tục giấc mơ kinh doanh dang dở, ngay năm đầu tiên trở thành sinh viên Khoa Ngoại thương Trường đại học Kinh tế TP.HCM, anh đã cùng nhóm bạn chắt góp chút vốn mở nhà hàng và cung cấp suất ăn công nghiệp. Đây là thời kỳ “lưu dấu” những kỷ niệm gian khó của anh, vì nền kinh tế Việt Nam khi đó trong giai đoạn giao thời từ bao cấp sang định hướng thị trường. Cũng chính vì thế, anh và những người bạn đã nhanh chóng thay đổi tư duy, như tựa đề một bài viết trên Báo Tuổi trẻ khi đó đã viết “Tự cứu mình trước khi Trời cứu” khi nói về nhóm của anh.

Công việc dù đã phát triển nhanh chóng, nhưng vận may vẫn chưa mỉm cười với những thanh niên đầy nhiệt huyết này. Công việc kinh doanh sau đó gần như bị suy sụp bởi nạn tem phiếu ăn giả và anh phải đối mặt với gian nan trong hành trình kinh doanh của mình.

Xác định phải “sống chung với lũ” và cần linh hoạt, anh đã vật lộn và trải qua khá nhiều lĩnh vực kinh doanh, từ sản xuất rượu bia, xuất khẩu gạo sang Đông Âu, sản xuất lưới xơ dừa, các mặt hàng mỹ nghệ, phân phối điện thoại, cho đến kinh doanh mỹ phẩm, đất đai… Chính sự linh động này đã giúp anh vượt qua những khoảnh khắc giao thời khó khăn khi đó.

Anh trầm ngâm: “Tôi đã chứng kiến bao đổi thay của thời cuộc, bao thăng trầm của nhiều công ty lớn nhỏ, chứng kiến sự hình thành của những tập đoàn lớn cũng như sự suy tàn và biến mất của nhiều công ty nổi tiếng. Một điều tôi chiêm nghiệm ra rằng, không mấy ai có thể lường trước những biến động của thời cuộc, nhưng khi có nhiều bè bạn, biết giữ chữ tín, thì cơ hội sớm muộn cũng sẽ tới. Để có được thành công, chúng tôi đã phải kiên trì, nhẫn nại học tất cả mọi thứ, từ tất cả mọi người, từ kinh nghiệm của những người nông dân chân đất đến những bài học kinh điển của các giáo sư lỗi lạc của Trường đại học Harvard. Dường như không có thành quả kinh doanh nào mà không thấm đẫm mồ hôi và chất xám”.

Nói về chiến lược phát triển và cách quản trị của anh với C.T Group, tôi xin mượn hình ảnh của bóng đá để ví von. Vì sao hàng triệu trái tim người hâm mộ trên khắp thế giới yêu thích và có cảm giác an tâm với bóng đá Đức? Họ không tấn công ồ ạt như “cơn lốc màu da cam” Hà Lan để khi đối thủ phản đòn, hàng phòng ngự của “cơn lốc” bị xé tan, mà với lối đá từ tốn, có trật tự, chiến thuật phòng thủ, tấn công rất rõ ràng và đặc biệt là tinh thần đồng đội, người Đức luôn chứng tỏ được đẳng cấp của mình. Nói một cách không hoa mỹ thì khi thiên hạ đổ xô vào chứng khoán, xây nhà cao tầng, C.T Group vẫn “lặng yên”, nhưng khi bong bóng thị trường vỡ cũng là lúc Tập đoàn này trỗi dậy.

Vị chủ tịch này cho rằng, với tính chất đa ngành như C.T Group, để vượt qua hai cuộc khủng hoảng kinh tế một cách “an toàn” không chỉ đơn thuần là việc dự báo được chính xác các điểm rơi của thị trường, mà còn phải xuất phát từ một điều đáng quý hơn, đó là sự chia sẻ với các doanh nghiệp khác. Chính vì điều này mà anh luôn là “chủ xị” cho các các cuộc hội thảo miễn phí tổ chức ở trong và ngoài nước chỉ với đơn thuần một lý do là tạo diễn đàn cho doanh nghiệp trao đổi thông tin về thị trường, khách hàng và nhân lực.

Với anh, dù đầu tư ở ngành nào thì con người vẫn là yếu tố quan trọng nhất. Đó là lý do tại sao, tháng nào doanh nghiệp của anh cũng chủ động mời các nhà tuyển dụng, các nhà quản lý nhân sự hàng đầu và lãnh đạo các tập đoàn tại TP.HCM tham gia những buổi họp mặt bàn về vấn đề nhân lực (Human Resource Dinner). Tại đây, doanh nghiệp có thể cùng nhau chia sẻ thông tin, những khó khăn và cả kinh nghiệm về thị trường lao động.

Với sự quan tâm đến nhân lực như vậy, nên khi các doanh nghiệp khác thiếu nhân lực trầm trọng sau dịp Tết Nguyên Đán vừa qua, doanh nghiệp của anh vẫn hoàn toàn chủ động được. Minh chứng là, khi C.T Group đăng tuyển 120 nhân sự, thì có hơn 1.800 đơn dự tuyển.

Vì sao doanh nghiệp anh lại có sức hút đến thế? Mang thắc mắc này hỏi các nhân viên của anh mới ra lẽ. Ngoài ngoài lương, thưởng, nhân viên làm việc tại đây còn được “thơm lây” từ chiến lược nhà phát triển đô thị toàn diện của Tập đoàn, từ nhà ở, dịch vụ y tế cao cấp, nghỉ mát, mua sắm, thể thao cho đến học tập…

Anh chia sẻ, mỗi tháng, đích thân anh có buổi nói chuyện trực tiếp với nhân viên về những kỹ năng mềm ứng xử trong doanh nghiệp. Anh nói: “Ngày nay, ít ai nói đến việc tiên học lễ, hậu học văn. Thật đáng tiếc, nhưng không phải quá muộn để bắt đầu lại mọi thứ. Một tập đoàn, giống như một quốc gia, không thể phát trển bền vững, nếu không được xây dựng trên một nền tảng giáo dục vững chắc. Không phải ngẫu nhiên mà người Nhật, người Hàn Quốc, Singapore dạy về ngũ thường từ bậc tiểu học cho đến đại học. Với chúng tôi, việc hoàn thiện con người, cả về kỹ năng và nhân cách, chính là nền tảng cho sự phát triển bền vững, bởi một người không thể sống hạnh phúc khi chưa biết làm chủ bản thân, chưa vững vàng trong cuộc sống”.

Cách ứng xử của người Nhật sau thảm họa động đất và sóng thần vừa rồi vẫn còn in đậm trong suy nghĩ của anh. “Những con người cần mẫn, hiền hòa, ít nói, nhưng bên cạnh sự êm dịu bề ngoài, thì bên trong họ cũng chất chứa những ‘cơn sóng’ dữ dội. Quan trọng hơn, tinh thần đoàn kết của họ rất bền chặt”, anh trầm tư. Tôi cũng xin mượn hình ảnh của người Nhật để tạm kết thúc buổi trò chuyện với anh, một người luôn giữ được vẻ điềm tĩnh trên gương mặt, nhưng nhìn vào những động thái gần đây của C.T Group cũng có thể thấy sự quyết liệt trong chính con người anh.

Theo Hà Nguyên

Báo Đầu Tư

ngocdiep

Trở lên trên