MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Đời kinh doanh bão táp của ông chủ sân golf Long Thành

29-07-2013 - 10:14 AM |

Trong cái nắng tháng 5 thiêu đốt từ sáng tinh mơ ở tỉnh Kampong Cham, ông Hun Sen, Thủ tướng đương nhiệm Campuchia đáp máy bay trực thăng hạ cánh giữa sân ngôi trường trung học mới xây.

Hàng ngàn người địa phương tề tựu buổi sáng 24/5/2013 để chứng kiến lễ khai trương ngôi trường và cảnh Hun Sen trao huân chương Hữu nghị cho hai doanh nhân Việt Nam đã đóng góp từ thiện xây trường. Người đứng ra vận động, tổ chức là ông Lê Văn Kiểm, Chủ tịch Tổng công ty đầu tư và kinh doanh sân golf  Long Thành.

Ông Lê Văn Kiểm một trong những doanh nhân Việt đi đầu thời mở cửa kinh tế những năm 1980, là người đã trải qua thăng trầm của hai cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trong suốt 3 thập niên qua.

Khởi nghiệp từ tay trắng, thành công vượt bậc năm 1990, để rồi suýt mất sạch trong cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997, ông Kiểm không chỉ tránh được vòng lao lý mà còn duy trì được một cơ nghiệp khổng lồ và được phong danh hiệu Anh hùng Lao động. Giờ đây, ở tuổi 68, ông đang tính “rửa tay gác kiếm”, tập trung làm từ thiện.

“Chúng tôi muốn cơ cấu sao cho gọn gàng công ty, chuyển giao cho con cái và những cộng sự trẻ có năng lực”, ông Kiểm chia sẻ khi trả lời phỏng vấn tại nhà riêng ở sân golf Long Thành, Đồng Nai.

Trong phòng khách rộng với đồ nội thất và chi tiết trang trí được dát vàng, nổi bật lên hàng chục tấm bằng khen, hình ảnh ông Kiểm chụp với các lãnh đạo cấp cao của Đàng và Nhà nước, với hội cựu chiến binh, các hình ảnh hoạt động từ thiện trên khắp vùng miền đất nước và ở Lào, Campuchia.

Ông nói về chiến lược phát triển của công ty: “Chúng tôi sẽ bán cổ phần công ty cho những cổ đông chiến lược, có kinh nghiệm trong điều hành kinh doanh, để vợ chồng tôi có tiền đi làm từ thiện và công tác xã hội”.

Ông Kiểm là ngưới đứng đầu một trong những gia đình doanh nhân lâu năm nhất tại Việt Nam hiện nay, chưa đầu tư gì ở Campuchia. Nhưng ít ai biết gia đình ông là một trong những nhà đầu tư tư nhân Việt Nam lớn nhất tại Lào, nơi Lê Huy Hoàng, con trai ông đang điều hành dự án sân golf và khách sạn Vientiane, cộng với một dự án khai thác khoáng sản vàng mà tổng vốn đầu tư hiện ước tính khoảng 100 triệu USD.


Tại Việt Nam, bên cạnh dự án sân golf Long Thành đang trong giai đoạn đầu của chiến lược mở rộng thành khu đô thị 1.200ha, tổng công ty gia đình của ông Kiểm với khoảng 10 công ty con, còn sở hữu và đầu tư nhiều dự án bất động sản rải rác ở quanh 2 (TP.HCM), Bình Dương, Bà Rịa – Vùng Tàu, Đà Lạt.

Tên tuổi của ông Lê Văn Kiểm đến nay vẫn còn gắn với công ty may Huy Hoàng, công ty đầu tiên ông thành lập. Và vì những lý do lịch sử, khi nhắc đến ông Kiểm, nhiều người vẫn đem so sánh với câu chuyện ông Tăng Minh phụng, doanh nhân bị xử tử hình năm 2003 trong một vụ án sai phạm kinh tế lớn nhất Việt Nam thời kỳ mở cửa mà dư âm và hệ lụy vân còn đến tận hôm nay.

Vào thời điểm cuộc khủng hoảng tài chính châu Á xảy ra cuối thập niên 1990, tổng công ty Huy Hoàng là một trong những công ty thành công hàng đầu trong lĩnh vực may mặc, gia công xuất khẩu. Cũng giống như Minh Phụng, ông Kiểm đã dùng nhiều vốn vay thương mại để đầu tư vào bất động sản, nhóm công ty Huy Hoàng đứng trước khoản nợ tới hạn không có khả năng chi trả hơn 700 tỷ đồng, một con số khổng lồ vào thời điểm đó. Điều khác biệt lớn nhất là ông Kiểm trụ được qua sóng gió, trả hết nợ và tiếp tục sự nghiệp kinh doanh.

Để hiểu sự nghiệp thăng trầm của ông Kiểm phải nhìn lại lịch sử của gia đình ông. Cả ông Lê Văn Kiểm và bà Trần Cẩm Nhung vợ ông đều là con gia đình cách mạng miền Nam được gửi ra miền Bắc học trong thời ký chiến tranh chống Mỹ.

Bố ông Kiểm hy sinh trong kháng chiến chống Pháp, mẹ là bộ đội miền Nam tập kết. Bố bà Nhung tham gia cách mạng bị Pháp tù đày và từng lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Ba Tơ. Mẹ bà Nhung từng tham gia kháng chiến chống Mỹ và chịu cảnh tù đày. Miền Bắc là nơi bà Nhung và ông Kiểm gặp nhau, nên vợ nên chồng trước khi chiến tranh kết thúc.

Năm 1975, ông Kiểm hoạt động trong ban giao thông công chính Trung ương Cục miền Nam, được phân công tiếp quản ngành giao thông, với vị trí Phó ban kiến thiết cầu đường bộ miền Nam ngày sau giải phóng. Sự nghiệp kinh doanh của ông Kiểm bắt đầu từ thời gian này.

Năm 1975, ngay khi tiếp quản Bộ giao thông công chánh cũ, ông Kiểm kể, ông tìm hiểu thấy đa số công chức chế độ cũ là những người tri thức trong đó có nhiều kỹ sư giỏi nên bảo lãnh cho họ học tập, cải tạo tại chỗ thay vì phải đi trại cải tạo. Việc này giúp rất nhiều cho công tác khôi phục hệ thống cầu đường miền Nam sau đó.

Quá trình này cũng giúp ông Kiểm nhận ra, cơ chế làm ăn giao thầu cho tư nhân đem lại hiệu quả hơn kinh tế tập thể xã hội chủ nghĩa. “Đây là điều thôi thúc khiến tôi muốn làm kinh tế tư nhân. Cách làm ăn tư bản thoáng hơn”, ông Kiểm nói.

Nhưng lúc đó, ông Kiểm không dám bỏ sự nghiệp với Nhà nước, vì con đường chính trị của ông đang rộng mở. Cho tới cuối thập niên 1970, kinh tế cả nước chật vật khó khăn, vợ chồng ông quyết định làm thức ăn gia súc để cung ứng cho thị trường.

Đó là năm 1978, đánh dấu bước khởi nghiệp kinh doanh đầu tiên. Ông bà bán chiếc xe Honda duy nhất lúc bấy giờ, mua một chiếc mô tơ chế tạo máy trộn thức ăn gia súc. Ông kể: “Hai vợ chồng tôi ngày làm việc Nhà nước, tối làm thức ăn gia súc. Công thức gồm cám, bột sò, vỏ đậu phộng, dầu dừa, bắp…trộn lên thành một hỗn hợp, bán rất chạy”.

Cơ sở sản xuất thức ăn gia súc nhãn hiệu Huy Hoàng của gia đình ông Kiểm hoạt động “chui” tại địa chỉ nhà riêng ở 39, Phan Xích Long, Phú Nhuận. “Hiệu quả cao, tiền vô thấy sướng quá trời”, ông Kiểm kể lại.

Một thời gian sau, sản phẩm Huy Hoàng xuất hiện khắp nơi. Vợ chồng ông Kiểm nghiên cứu sản phẩm kế tiếp, ép dầu từ hạt cao su để làm sơn. Hạt cao su được thu mua ở khắp miền Nam về ép lấy dầu để sản xuất sơn, còn bã thì làm phân bón. Riêng tiền bán bã ép đã đủ trả tiền mua hạt, nhân công. Công việc nhiều, vợ chồng ông Kiểm thuê các nơi khác gia công cho mình.

Ông nhớ lại: “Tiền về rất nhiều, chưa bao giờ chúng tôi có nhiều tiền đến thế. Mỗi tháng phải làm được cả 10 lượng vàng, mà cái nhà phố ở Phan Đăng Lưu lúc đó chỉ đáng 10 lượng vàng”.

Sau sơn đến sản xuất bột màu xây dựng, gia đình ông Kiểm tiếp tục nghiên cứu sản xuất ngay trong nhà. Việc kinh doanh “1 lời 10” khiến cho ông tích lũy được tới cả ngàn cây vàng. Vào khoảng năm 1984 – 1985, ông Kiểm đưa Huy Hoàng lên thành một công ty tư nhân đầu tiên.

Đây là thời kỳ bắt đầu mở cửa, Việt Nam nhận được rất nhiều đơn hàng may mặc theo kiểu “hàng đổi hàng” với thị trường Đông Âu. Ông Kiểm cho biết, giữa 1988 – 1990, Huy Hoàng là công ty đầu tiên đầu tư đồng bộ hiện đại dây chuyền sản xuất với máy móc thiết bị nhập từ Nhật, không chỉ làm gia công mà còn xuất khẩu trực tiếp theo phương thức FOB. Xuất hàng may mặc, đổi lấy xi măng, sắt thép và nhiều loại hàng hóa khác nhập khẩu về nước, ông Kiểm kể, việc đổi hàng thường là lời “1 ăn 5”.

“Tiền nhiều kinh khủng. Tôi mua hai xe tải, mua nhà mới ở số 9 Nơ Trang Long, Bình Thạnh, và mua dự trữ rất nhiều vàng”, ông Kiểm nói. Ông xây hầm trong nhà, bên trên xây một chuồng gấu ngựa, ban đêm khi thợ về chất vàng xuống giấu, rồi mua hai con gấu ngựa về nuôi.

Một trong những dấn ấn mà công ty Huy Hoàng đề lại cho TP.HCM là nút giao thông Hàng Xanh, được khánh thành ngày 30/4/1995. Đây là một trong những công trình đầu tư cơ sở hạ tầng đầu tiên do một công ty tư nhân thi công theo hình thức xây dựng – chuyển giao (BT).

Ông Kiểm cho Tăng Minh Phụng vay vốn, thậm chí đầu tư vốn cho Minh Phụng làm. Ông Tăng Minh Phụng kinh doanh dép xốp xuất khẩu, sau đó mới chuyển qua hàng may mặc, xuất nhập khẩu rồi dấn sâu vào đầu tư địa ốc đưa đến án tử hình sau này.

Thời điểm ấy, cờ đến tay, ông Kiểm cùng một số cổ đông thành lập Ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương, nơi ông nắm 90% cổ phần. Đây là thời khai sinh của thế hệ ngân hàng thương mại cổ phần đầu tiên: Việt Hoa, VP bank, ngân hàng Vũng Tàu...

Ông Kiểm bắt đầu đầu tư vào bất động sản từ đầu những năm 1990, đặc biệt mua nhiều vị trí đắc địa ở trung tâm quân 2.

Nhưng về sau, chính việc thế chấp đất đai, đầu tư từ tiền vay ngân hàng của ông đưa đến rủi ro, khi khủng hoảng tài chính xảy ra dẫn đến thị trường địa ốc đóng băng. Khi Tăng Minh Phụng bị khởi tố ví tội lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, cùng với nhiều quan chức ngân hàng bị quy tội thì công ty Huy Hoàng cũng rơi vào tình trạng khó khăn và ông Kiểm đối mặt với khả năng tương tự: khởi tố, tù chung thân hoặc thậm trí là tử hình.

Ông Kiểm kể lại, đây là thời gian khó khăn nhất trong cuộc đời ông. Một năm, có tới 11 đoàn kiểm tra từ Trung ương đến địa phương tới công ty. Ông Kiểm bị bệnh gan hành hạ, bị cấm đi nước ngoài. Ông được cho là may mắn hơn Minh Phụng, một phần ở chỗ các khoản nợ đều nằm trong ngân hàng của mình.

Trong khoảng thời gian tiếp sau đó, ông Kiểm đào số vàng tích lũy của gia đình lên để trả lại cho người gửi tiền ngân hàng và trả lương duy trì công việc cho hơn 1.600 công nhân. Những khoản nợ từ hợp đồng tín dụng L/C với nước ngoài trả được hết sau khi đạt thỏa thuận chỉ phải trả 30%.

Ông Kiểm hồi tưởng: “Hai vợ chồng ông nhiều đêm không ngủ, rất lo lắng vì không trả được nợ ngân hàng thì có thể bị tử hình hoặc án tù rất cao… uy tín và công sức của mình sẽ mất hết”.

Năm 1999, vợ chồng ông viết tâm thư gửi lên Chính phủ và Bộ Chính trị, chứng minh tài sản của gia đình có thể đàm bảo trả được nợ và xin giãn nợ, khoanh nợ lại trong vòng 3 -5 năm. Để tránh tình trạng người gửi tiền đổ xô rút tiền làm ảnh hưởng tới hệ thống ngân hàng nói chung và ngân hàng châu Á – Thái Bình Dương nói riêng, sau khi đã trả lại cổ phần cho những cổ đông nhỏ, được giao toàn bộ cho Nhà nước xử lý, trả lại tiền cho người gửi và giải thế.

Ông Kiểm vận động một số người gửi có tiền và thân nhân cho vay bằng hình thức mua tài sản của ông với giá thấp bằng 1/3 thị trường. Ông cam kết mua lại bằng tiền gốc cộng lãi suất ngân hàng và thêm ½ số tiền họ nhận được trong vòng 3 năm. Tổng diện tích bất động sản của ông Kiểm vào thời điểm đó lên tới trên 1.500ha, chủ yếu ở TP.HCM, Bà Rịa – Vùng Tàu, Lâm Đồng.

Số phận đã ưu ái ông Kiểm và gia đình, khi Bộ Chính trị ra văn bản cho phép giãn nợ, khoanh nợ và không “hình sự hóa” vụ việc của công ty Huy Hoàng. Tăng Minh Phụng không được ân xá và án tử hình vẫn phải thi hành. Nhưng việc Chính phủ cho Huy Hoàng một cơ hội thứ hai cũng giúp cho một số doanh nghiệp khác nợ nần chồng chất vào thời điểm đó thoát hiểm, trong đó có công ty Việt Hà của doanh nhân Hà Dũng.

Ba năm sau, thị trường địa ốc ấm lên, giá bất động sản tăng vọt, Giá đất ở quận 2, TP.HCM có lúc lên đên 40 -50 triệu đồng/m2. Ông Kiểm chuộc được gần hết đất, bán đất có tiền để trả toàn bộ số nợ, cộng cả lãi suất ngân hàng, theo ông cho biết, tổng cộng khoảng 500 tỷ đồng. Sự vận động của ông Kiểm đã góp phần dẫn đến việc Nhà nước tiến tới bỏ hình sự hóa các quan hệ kinh tế.

Trong một đoạn video tư liệu về ông Lê Văn Kiểm, nguyên Tổng bí thư Lê Khả Phiêu nói: “Lúc đó có khi phải bò tù và lơ mơ là xử tử…Tinh thần họ rất cố gắng nhưng cũng khó vượt qua. Thủ tướng và tôi bàn, thống nhất giãn nợ cho người ta. Xử lý như thế là đúng”.

Ông Kiểm học được rất nhiều bài học về kinh doanh và nhân tình thế thái, bài học lớn nhất về kinh doanh là làm ăn đương nhiên phải vay, nhưng không nên quá 30 – 40% tài sản thực có. Ngoài ra, ông nói: “Chữ tín vô cùng quan trọng. Trước đây đã hứa với ai thì dù thua lỗ cũng phải giữ chữ tín, phải có trước, có sau”. Rồi ông lại nói thêm: “Đừng vay nhiều quá”.

Ông Kiểm kể lại, một trong những điều cảm động nhất là thời điểm khó khăn, có một số nhân viên công ty đến gặp ông, sẵn lòng giao giấy tờ sổ đỏ nhà của họ để ông cầm cố vay tiền trả nợ. Ông không nhận sự giúp đỡ ấy, nhưng ân tình đó thì suốt đời không quên được”.

Vừa trả được hết nợ, ông Kiểm lại đầu tư thành công dự án sân golf Long Thành. Khi xây dựng, bà Nhung vợ ông tự tay trồng cây trong sân golf. Hai người con tham gia quản lý các dự án đầu tư mới.

Tổng công ty Long Thành, với các dự án bất động sản có tổng diện tích trên 2.000ha,hiện có khoảng 2.000 lao động.

Người con gái Lê Nữ Thùy Dương, nữ doanh nhân trẻ trước đó đang du học ở Úc về giúp bố mẹ trong thời gian khó khăn, nay có bằng thạc sĩ quản trị kinh doanh trường Maastricht (Hà Lan) và đang trực tiếp quản lý hoạt động đầu tư của công ty ở trong nước, trong đó nổi bật có hai dự án liên doanh với CapitalLand của Singapore ở quận 2.

Thùy Dương còn đại diện quỹ Orchid Fund của Richard Chandler, tỷ phú người gốc New Zealand, trong Hội đồng Quản trị của FPT.

Lê Huy Hoàng, người con trai cả của ông Kiểm hiện trông coi các dự án đầu tư tại Lào. Công ty đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu nhằm nâng cao chất lượng quản trị chuyên nghiệp, vượt khỏi hình thức công ty gia đình.

Những trầm lắng trong sự nghiệp kinh doanh có lẽ là một phần lý do khiến ông Kiểm và bà Nhung tập trung nhiều thời gian và tiền bạc vào công việc từ thiện và xã hội. Ông bà bắt đầu xây dựng nhà tình nghĩa từ những năm đầu thập niên 1990, những hoạt động từ thiện được chú trọng nhiều hơn sau thời điểm đã vượt khó khăn. Tổng số tiền từ thiện mà gia đình ông Kiểm đóng góp bằng nhiều hình thức đã lên đến 400 tỷ đồng, theo thống kê của công ty. Năm 2008, ông kiểm được nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.

Trong một cuốn sách viết về gia đình ông mang tên “Cả cuộc đời bình dị một chữ Nhân” của nhà xuất bản Thông Tấn Xã có rất nhiều lưu bút của các vị lãnh đạo hàng đầu Đảng và Chính phủ, kể cả các vị đương chức, khen ngợi những đóng góp của ông Kiểm.

Ngoài ra, còn có thư cảm ơn của Thủ tướng Lào và Thủ tướng Camphuchia về những hoạt động từ thiện mà ông thực hiện ở những nước này. Ông Kiểm coi việc làm từ thiện ở Campuchia như một sự đền ơn đáp nghĩa mang tính quốc gia. Ông tổ chức quyên tiền và rủ ông Dương Quốc Minh, Chủ tịch Tập đoàn Him Lam cùng xây ngôi trường trị giá 700.000 USD tại quê nhà của ông Hun Sen.

Nhìn lại con đường kinh doanh, ông Kiểm nói: “Tôi đã kinh doanh qua 6 đời Tổng bí thư và Chủ tịch nước. Tôi là doanh nghiệp đi đầu trong thời kỳ đối mới và là người đi đầu trong ngành may mặc Việt Nam. Tôi dám trình bày với Đảng và Nhà nước về những khó khăn của doanh nghiệp, nhưng tôi không liên quan đến nhóm lợi ích nào”.

kyanh

Theo Forbes Việt Nam

Trở lên trên