MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Giải cứu Burberry, thành nữ CEO đầu tiên có thu nhập cao nhất Anh Quốc (2)

08-07-2013 - 09:30 AM |


Những cú lội ngược dòng quyết liệt

"Tôi cảm giác mình đã phải bỏ hẳn những năm đầu tiên của mình ở đây chỉ để mua lại công ty qua các giấy phép. Nhưng chúng tôi phải làm điều đó. Nếu bạn không thể kiểm soát được mọi thứ, thì bạn chẳng thể kiểm soát thực sự bất cứ một cái gì hết", Ahrendts cho hay.

Ahrendts chỉ định Christopher Bailey, 41 tuổi, làm giám đốc sáng tạo, là người kiểm soát hình ảnh thương hiệu của Burberry trên toàn thế giới. 'Bất kỳ thứ gì mà người tiêu dùng nhìn thấy đều phải đi qua văn phòng của Bailey'.

Khi mới bắt đầu công cuộc giải cứu này, trong vòng 1 năm, Ahrendts đã sa thải toàn bộ đội ngũ thiết kế ở Hong Kong và cho đóng cửa các nhà máy ở New Jersey, Rhondda Valley, miền nam xứ Wales, để tập trung sản xuất ở Castleford, West Yorkshire.

Việc đóng cửa nhà máy Welsh đã gây ra một cơn bão chính trị và cô thậm chí còn phải ra trước Quốc hội để giải trình về quyết định này.

Ahrendts tập trung cao độ không ngừng nghỉ vào việc phục hồi di sản của Burberry.

Ahrendts giải thích về việc mở rộng hệ thống bán lẻ ở thị trường Trung Quốc.

Việc bán ra các mẫu áo khoác trench coat có cổ lông chồn, cầu vai da cá sấu hay tay áo da lộn, đã mang lại hiệu quả kỳ diệu. Doanh số bán hàng năm 2012 đã tăng hơn gấp đôi kể từ năm 2007 lên mức 1,9 tỷ bảng Anh, giá cổ phiếu đã tăng gấp đôi lên mức 13,7 bảng kể từ năm 2006 (thời điểm cô vào công ty).

Những gì cô ấy đã làm, trong vòng 7 năm qua, là biến đổi Burberry, từ một nhãn hiệu được liên tưởng đến những chiếc mũ bóng chày ở các hộp đêm, trở thành nhãn hiệu thời trang cao cấp lớn nhất Anh Quốc. Burberry đang đứng ngang hàng với bất cứ sản phẩm nào làm ra trong các công xưởng ở Paris hay Milan.

Ahrendts đã nhanh nhẹn ký hợp đồng với các gương mặt đại diện là diễn viên nổi tiếng như Eddie Redmayne và Emma Watson. Và lập công ngoạn mục trong chuỗi chiến dịch quảng cáo trên các tạp chí thời thượng khi đưa hình ảnh nhóc tì nổi tiếng Romeo Beckham (con trai David Beckham) khoác trên mình áo khoác trench coat thương hiệu Burberry.

'Mẫu nhí' Romeo Beckham (con trai David Beckham) tạo dáng với trang phục Burberry.

Ahrendts thực thi chính sách bán hàng với mức giá dao động rất lớn: Burberry đặt giá 14.000 bảng cho những chiếc túi bowling da cá sấu, 5.500 bảng cho những chiếc áo khoác trench coat da bê và 95 bảng cho một đôi giày vải sơ sinh cho tất cả khách hàng trên thế giới. Giá trị của Burberry hiện vào khoảng 5,5 tỷ bảng - chỉ nhỏ hơn đôi chút so với thương hiệu Marks & Spencer.

Hồi sinh ngành công nghiệp thời trang ở Anh

Ngày nào Ahrendts cũng làm việc, check email và mạng truyền thông xã hội từ 5 giờ sáng. Và cô đã được đền bù xứng đáng. 

Trong vai trò hiện tại là CEO của Burberry, cô là một trong những nhân vật quyền lực nhất trong thế giới các thương hiệu xa xỉ - và là một trong những vị sếp có thu nhập hậu hĩnh nhất ở Anh. Cô mang về nhà khoản lương thưởng xấp xỉ 17 triệu bảng trong năm 2012, cao hơn thu nhập của người kế tiếp 5 triệu bảng, và nhiều hơn bất cứ người đàn ông nào làm việc trong 100 công ty tốt nhất trên sàn giao dịch chứng khoán London.

Với khoản tiền lương, thưởng và các đặc quyền lên đến 23,7 triệu bảng Anh trong 2 năm vừa qua, người phụ nữ 53 tuổi này đã ghi danh là CEO nữ đầu tiên có thu nhập vào hàng cao nhất nước Anh.

Các đặc quyền mà Burberry dành cho Ahrendts bao gồm một chiếc Jaguar đen có tài xế riêng đưa đón, hỗ trợ chi phí học hành cho các con của Ahrendts ở một trường Mỹ tại London, và khoản phụ cấp trang phục trị giá 25.000 bảng/năm (khi đã trừ phần giảm giá 80% sản phẩm của Burberry).

Khoản trợ cấp quần áo là món tiền sinh lời tốt nhất mà Burberry bỏ ra. Hình ảnh Ahrendts mang giày cao gót 6 feet là 'quảng cáo tốt nhất dành cho nhãn hiệu Burberry Prorsum'. 

"Ahrendts luôn luôn mặc đồ Burberry Prorsum. Hình ảnh của cô là minh chứng đẹp nhất cho thấy Prorsum có thể tôn vinh vẻ đẹp của phụ nữ và những cô gái trẻ quyến rũ. Phong cách thời trang của Ahrendts được nhìn nhận như một phụ nữ độc lập, chuyên nghiệp, thời thượng và là một hình ảnh quảng cáo rất tốt đến những người thực sự có khả năng mua nó", ông Picardie, tổng biên tập tờ Harper's Bazaar nhận xét.

"Vẻ đẹp của cô ấy đối ngược với vẻ hào nhoáng của Rich Ricci, ông chủ nhà băng Barclay. Hình ảnh tràn đầy sức sống của Ahrendts tương phản với những người đàn ông sáo rỗng, hào nhoáng và nóng nảy".


Theo Picardie, những người trong ngành công nghiệp thời trang tin rằng Ahrendts là nhân vật rất đáng nể. Dù cô tương đối xa lạ với các biên tập viên thời trang, nhưng lại là bạn rất thân với Will.i.am. Ahrendts "không chỉ hồi sinh thương hiệu Burberry, mà còn giúp cho ngành thời trang Anh thành công vang dội" nhờ việc đưa các sô diễn thời trang đẳng cấp hàng đầu của Burberry trở lại với London.

Ngài Harold Tillman, Chủ tịch Hội đồng Thời trang Anh Quốc cho hay, ông đã bị Ahrendts thuyết phục rằng việc đem các sô diễn của Burberry trở lại London là "nhiệm vụ trọng tâm" của mình.

Burberry đã đi đầu việc trả phí cho các nhà thiết kế khác tham gia sô diễn ở London và đảm bảo rằng những người như biên tập viên Anna Wintour của tạp chí Vougue luôn luôn được mời đến tuần lễ thời trang London.

Sau khi khoản thu nhập khổng lồ năm 2012 của Ahrendts được thông báo, một vị giám đốc điều hành của Burberry đã gửi email cho tất cả các nhân viên để giải thích rằng phần lớn số tiền này đã được trao trong khoản tiền thưởng trước đó. Vị này cho hay: "Không có lời phàn nàn nào hết. Mọi người đều biết khoản tiền này rất lớn nhưng tất cả đều nghĩ cô ấy xứng đáng với nó. Ai ai cũng yêu thương Ahrendts".

Thùy Phương

kyanh

Guardian

Trở lên trên