MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Narendra Modi: Từ người bán trà đến ghế thủ tướng

18-05-2014 - 16:12 PM |

Hàng trăm người ủng hộ đã vây quanh ông Narendra Modi khi ông đến New Delhi sau chiến thắng của Đảng Nhân dân Ấn Độ (BJP) hôm 16-5.

Giới quan sát nhận định chiến thắng này của BJP đã vẽ lại bản đồ chính trị của Ấn Độ nhưng cũng đặt vào tay ông Modi, người sắp trở thành thủ tướng, nhiệm vụ phải thay đổi lớn cho đất nước.

Theo CNN, ông Modi xuất thân là một người bán trà. Người ta biết nhiều về ông với hình ảnh một nhà quản lý cứng rắn, một người luôn “nói được là làm được”, một nhân vật được kỳ vọng sẽ có “liều thuốc” giúp vực dậy nền kinh tế èo uột của Ấn Độ. Tác giả cuốn nhật ký về ông Modi là Ramesh Menon nhận xét: “Modi là một nhà quản lý tốt. Ông ấy rất nghiêm khắc, nói là làm. Đây là một nhân tố đáng sợ”.

Ông Modi đã làm thủ hiến bang Gujarat ở phía tây Ấn Độ từ năm 2001. Một người ủng hộ ông kể: “Ông ấy đã khiến Gujarat tuyệt vời, ông cũng sẽ làm Ấn Độ tuyệt vời”. Theo DW, ông cũng được nhiều người ngưỡng mộ bởi khả năng quản lý và các chính sách thân thiện với giới kinh doanh.

Với kiểu quản lý dị biệt, ông Modi nhận nhiều phản ứng trái ngược trong hơn một thập niên qua. Những người không ưa ông gọi ông là “kẻ độc đoán” nhưng những người ủng hộ lại tung hô ông là “người quyết đoán”. Thời gian ông lãnh đạo ở Gujarat đã giúp bang này trở thành một trong những nơi tăng trưởng nhanh nhất Ấn Độ với tỉ lệ tăng trưởng hai con số trong thập niên qua.

CNN cho biết mô hình phát triển Gujarat của ông Modi tập trung vào phát triển cơ sở hạ tầng, đô thị hóa và bài trừ tệ quan liêu, được coi là một liều thuốc bổ cần thiết cho Ấn Độ.

Giáo sư luật và kinh tế Jagdish Bhagwati thuộc Trường đại học Columbia nhận xét: “Ông Modi đã thu hút một lượng lớn đầu tư cả trong và ngoài nước về cho Gujarat vì ông ấy đưa ra một môi trường không có tham nhũng và nổi tiếng là quyết định nhanh trong việc cấp phép đầu tư và sản xuất, trong khi ở các bang khác chuyện chậm trễ là không thể tránh khỏi”.

Theo VIỆT PHƯƠNG

Quan hệ đối ngoại

Tổng thống Mỹ Barack Obama hôm 16-5 đã bày tỏ hi vọng sẽ hợp tác với ông Modi trong tương lai và mời ông sang thăm Washington. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki nói ông Modi sẽ không gặp vấn đề gì khi đến Mỹ (do Mỹ từng quyết định không cấp visa cho ông từ năm 2005 với lý do không ngăn chặn bạo lực tôn giáo) bởi với tư cách là thủ tướng, ông sẽ được nhận thị thực A-1 dành cho nguyên thủ.

Giới chuyên gia nhận định ông Modi sẽ tỏ ra cứng rắn hơn một chút đối với mọi vấn đề trong quan hệ với Pakistan, Trung Quốc và ngay cả Mỹ. Nhà phân tích chính trị Mohan Guruswamy nói: “Các lợi ích của Ấn Độ sẽ được đòi hỏi thích đáng”. Ngoài ra, chính phủ do ông Modi dẫn dắt cũng sẽ tái tăng cường quan hệ với các nước như Nhật và Nga, các nước mà New Delhi có quan hệ truyền thống bền chặt.

kyanh

Tuổi trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên