MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nếu Nick Vujicic nói: "Nguyễn Ngọc Ký, I Love you"

27-05-2013 - 08:52 AM |

Những tranh luận trái chiều quanh sự kiện Nick Vujicic tới Việt Nam đã dạy cho các nhà làm truyền thông một điều: Có thể bạn không làm sai, nhưng chỉ cần bạn làm chưa tốt, cũng có thể nhóm lên một cuộc khủng hoảng.

Câu chuyện mì gấu đỏ

Marketing đánh vào lòng trắc ẩn của người khác luôn đem lại nhiều rủi ro. Câu chuyện mì gấu đỏ với thông điệp "Gắn kết yêu thương" xuất hiện cách đây vài năm là một bài học điển hình nhất. Từ một câu chuyện đẹp đẽ, kêu gọi mọi người mua mì gấu đỏ để quyên góp tiền hỗ trợ các hoàn cảnh khó khăn; đến bây giờ, khi nghe đến cụm từ "Gắn kết yêu thương", người tiêu dùng chỉ coi nó là một câu chuyện tầm phào.

Theo các chuyên gia truyền thông, thương hiệu mì gấu đỏ thất bại vì đã sử dụng quá nhiều "chiêu trò", để đến khi số tiền thực sự ủng hộ người nghèo bị lộ ra, nó quá ít ỏi khiến người tiêu dùng có cảm giá như mình bị lừa, từ đó quay lưng tẩy chay sản phẩm.

Đối với sự kiện Nick Vujicic, vấn đề chưa nghiêm trọng đến mức trở thành một cuộc khủng hoảng truyền thông. Tuy nhiên, các nhà làm truyền thông của Tôn Hoa Sen cũng như những đơn vị tài trợ cũng đã nhận được một bài học khi đặt các vấn đề thương mại bên cạnh một sự kiện đậm tính nhân văn.

Với sự hậu thuẫn về mặt thương mại, cách làm truyền thông chuyên nghiệp, cùng với "độ phủ" khủng khiếp của VTV, sự kiện Nick Vujicic đến Việt Nam đã tạo được thiện cảm và sự ủng hộ của công chúng ngay từ những ngày đầu. Sự việc có lẽ đã kết thúc một cách êm đẹp, trọn vẹn nếu số tiền bỏ ra mời Nick đến Việt Nam không bị công bố. 

Khách quan mà nói, Nick không hưởng toàn bộ số tiền 32 tỷ đồng. Với Tôn Hoa Sen, thành công của sự kiện lần này cũng với việc "phủ sóng" thương hiệu Tôn Hoa Sen đến hàng triệu người Việt, ông Vũ và những người làm truyền thông đã thắng lớn. Tuy nhiên, khi đặt hàng chục tỷ bên cạnh một tấm gương nghị lực, một diễn giả không tay, không chân, một người “truyền lửa”, không ít người lập tức đặt ra câu hỏi, liệu họ có bị lừa?

Dấu hỏi của khán giả, đã được thể hiện qua một bài phản biện về việc bỏ ra 32 tỷ đồng đưa Nick về Việt Nam có đáng hay không. Bài viết chỉ được đưa lên mạng xã hội, nhưng chỉ sau một, hai ngày nó có tới hơn 50.000 like, 18.000 lượt chia sẻ và hơn 2.000 lượt bình luận,... Những con số đấy, đối với những tờ báo mạng hàng đầu Việt Nam, còn là điều đáng mơ ước.

50.000 like và 18.000 lượt chia sẻ xung quanh bài viết không có lợi cho Nick Vujicic

Đến đây, câu chuyện đã rẽ sang một hướng khác. Theo sau đấy là hàng loạt những thông tin về chi phí, số tiền Nick được trả cho 6 ngày diễn thuyết tại Việt Nam, khán giả được lợi gì, mục đích thật sự của Nick, ông chủ Hoa Sen được lợi gì,…  

Thay vì một sự kiện một chiều, gồm toàn những thông điệp nhân văn như ban đầu, nó trở thành một cuộc tranh luận hai chiều. Khán giả, thay vì đến nghe và cảm nhận những gì Nick Vujicic nói, thì mỗi một câu Nick cất lên, người xem lại đặt ra câu hỏi "Anh Nick làm thế có phải vì tiền?"

Mọi vấn đề đều bắt nguồn từ việc công bố con số 32 tỷ đồng.

Đây cũng là bài học giành cho các nhà truyền thông khi công bố các vấn đề thương mại xung quanh một sự kiện nhân văn. Những thông tin liên quan đến tài chính, tiền bạc, chi phí,… đều hết sức nhạy cảm trong những sự kiện kiểu này.

Nhiều người có thể cho rằng, việc công bố số tiền lớn là cách cố tình đánh bóng tên tuổi, tạo scandal để thu hút sự chú ý của mọi người tới sự kiện. Tuy nhiên, tạo khủng hoảng để đánh bóng tên tuổi là cách làm vô cùng mạo hiểm và chủ yếu được các thương hiệu ít nổi tiếng trong làng giải trí sử dụng.

Trong trường hợp của Nick, anh không cần phải mạo hiểm như vậy. Do đó, có thể coi công bố số tiền này là một sai lầm của các nhà làm truyền thông. Sai lầm này, cũng khiến các nhà truyền thông phải mệt mỏi chạy theo giải quyết cho đến ngày cuối cùng Nick ở Việt Nam, thông qua việc công bố một khoản tiền thù lao nhỏ hơn nhiều (khoảng 1 tỉ đồng).

Và khi Nick nói “I love you”

Đây câu chuyện thứ hai dành cho các nhà truyền thông. “Tôi yêu các bạn” “Cảm ơn ông Vũ” là câu nói mà Nick Vujicic lặp đi lặp lại nhiều nhất trong mọi buổi diễn thuyết của mình.

Đây là một điều dễ hiểu khi Nick là một diễn giả chuyên nghiệp, thông điệp của mọi bài diễn thuyết là chia sẻ yêu thương và anh cũng phải tuân thủ những thỏa thuận trong bản hợp đồng mà nhà tài trợ là Tôn Hoa Sen.

Tuy nhiên, nếu trong buổi truyền hình trực tiếp được phát sóng trên VTV 1, thời điểm Nick diễn thuyết trước hàng triệu người Việt Nam, nơi những người khuyết tật Việt Nam có hoàn cảnh tương đồng với Nick như Nguyễn Ngọc Ký, Nguyễn Công Hùng, Nguyễn Bích Lan cũng ở đó, lắng nghe anh trực tiếp, người ta vẫn thấy những khoảng cách.

Sự khác biệt đó, được thể hiện rõ nhất khi 20 người khuyết tật Việt Nam lên nhận tiền do nhà tài trợ Tôn Hoa Sen trao tặng. Hình ảnh anh Nguyễn Ngọc Ký, một người khuyết tật nổi tiếng khác của Việt Nam, lặng lẽ nhận giải thưởng, trái ngược với một Nick tươi cười hóm hỉnh, khiến không ít người Việt phải chạnh lòng.

Nó cũng trở thành một luận điểm chính trong nhiều bài viết công kích, so sánh Nick với những người khuyết tật Việt Nam khác trên mạng xã hội.

Thay vì nói I love you liên tục, nếu có một bức ảnh trong đó có hình ảnh Nick Vujicic bên cạnh Nguyễn Ngọc Ký, cùng nở nụ cười thật tươi, có lẽ sẽ không ai còn so sánh hai người với nhau nữa. 

Kết lại, sự kiện Nick Vujicic thực sự là một bài học dành cho những người làm truyền thông. Không phải chỉ đến khi làm sai, ta mới phải gánh hậu quả. Đôi khi chỉ một chi tiết nhỏ không tốt, nó cũng có thể là mồi lửa nhen nhóm cho một cuộc khủng hoảng.

Trang Lam

dungtq

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên