MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Những nữ nguyên thủ quốc gia quyền lực nhất hiện nay

21-12-2012 - 10:00 AM |

Những phụ nữ đầu tiên nắm trong tay vận mệnh của quốc gia và có sứ mệnh nâng tầm ảnh hưởng của quốc gia mình với thế giới.

Bốn trong số họ đến từ Châu Á – Thái Bình Dương, một người đến từ Châu Âu và một người thuộc Châu Mỹ, họ đều là những người phụ nữ đầu tiên nắm trong tay vận mệnh của quốc gia và có sứ mệnh nâng tầm ảnh hưởng của quốc gia mình với thế giới. 

Thủ tướng Đức Angela Merkel
 

Sau khi Thủ tướng Kohl thất bại trong cuộc tổng tuyển cử năm 1998, bà Angela Merkel, lúc đấy đang là Bộ trưởng Môi trường và An toàn Lò phản ứng hạt nhân, được bổ nhiệm làm Tổng thư ký đảng CDU. Trong năm 1999, người phụ nữ khi ấy mới 45 tuổi đã "chèo lái" CDU gặt hái được tới 6 thành công trong 7 cuộc bầu cử cấp bang, phá vỡ thế đa số của Liên minh SPD - đảng Xanh tại Hội đồng Liên bang. Năm 2000, bà Merkel được bầu chọn giữ cương vị Chủ tịch đảng CDU. 

Mặc dù nhận được sự ủng hộ đáng kể của người dân Đức, song phải tới mùa Thu năm 2005, Angela Merkel mới được Liên minh CDU/CSU đề cử làm ứng cử viên Thủ tướng Đức. Ngày 22/11/2005, trong một kỳ họp của Quốc hội, bà Merkel đã chính thức được bầu vào chức vụ Thủ tướng Đức, trở thành người phụ nữ đầu tiên đảm nhận chức vụ này. Năm 2009, bà Merkel tái đắc cử nhiệm kỳ Thủ tướng thứ hai.

Có thể nói, với hai nhiệm kỳ làm Thủ tướng Đức kể từ năm 2006 đến nay, bà Angela Merkel đã có những bước tiến vượt bậc thể hiện vai trò quyền lực của mình. Mới đây nhất, tạp chí Forbes của Mỹ đã công bố danh sách 100 phụ nữ quyền lực nhất thế giới năm 2012 và một lần nữa, bà Angela Merkel lại có trong danh sách. Đây là lần thứ 6, bà Merkel dẫn đầu danh sách này. Theo Forbes, Thủ tướng Merkel là thủ lĩnh của cái họ gọi là "nền kinh tế toàn cầu thực sự ở châu Âu" và là nhà lãnh đạo "không thể tranh cãi" của Liên minh châu Âu.

Thủ tướng Bangladesh - Sheikh Hasina
 

Cha đẻ của bà là ông Sheikh Majibur Rahman –  vị tổng thống đầu tiên  được cho là người sáng lập ra nước Cộng hòa Nhân dân Bangladesh. Cuộc đời và sự nghiệp của bà gắn liền với sự nghiệp chính trị của cha bà, khi mà lần lượt những người thân trong gia đình bà đều bị giết bởi hậu quả những cuộc tranh đua khắc nghiệt trên chính trường Bangladesh.

Năm 1981, bà Hasina được bầu vắng mặt làm chủ tịch Liên minh Awami trong khi bà sống ở New Delhi, thủ đô Ấn Độ, bà đã trở về Bangladesh hoạt động trong phong trào đòi dân chủ dân sinh. Bà mở chiến dịch  chống chế độ quân phiệt của tướng Hossain Mohammed Ershad. Vì các hoạt động này, bà bị bắt vào tù hoặc quản thúc tại nhà rất nhiều lần trong suốt thập niên 1980. Trong quốc hội, bà trở thành thủ lĩnh phe đối lập.

Năm 1991, lần đầu tiên Bangladesh tổ chức bầu cử quốc hội theo nguyên tắc dân chủ sau khi tổng thống Ershad từ chức do sức ép của các nước viện trợ và các đảng phái đối lập được đông đảo dân chúng ủng hộ. Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) do bà Khaled Zia làm chủ tịch chiếm đa số ghế trong quốc hội. Bà Zia trở thành thủ tướng. Kể từ đó, hai bà Hasina và Zia  lao vào một cuộc tranh đấu không khoan nhượng vì BNP và Liên minh Awami như nước với lửa.

Bà Hasina nếm trải vinh quang lần đầu tiên khi được bầu làm thủ tướng tháng 6-1996. Trong nhiệm kỳ đầu này, bà thu phục được lòng dân khi ký một hiệp ước 30 năm chia sẻ nước với Ấn Độ  vốn gây tranh cãi suốt một thời gian dài và ký hòa ước với các bộ tộc ở Đông Nam Bangladesh chấm dứt cuộc nổi dậy đầy bạo loạn kéo dài 23 năm. Bà cũng được biết đến như là một nhà đấu tranh cho sự bình quyền của phụ nữ trên đất nước của bà cũng như trên thế giới.

Thủ tướng Australia Julia Gillard  


Bà Julia Gillard, sinh năm 1961 tại Barry (Vương quốc Anh), cùng gia đình nhập cư Australia năm 1966 và trưởng thành ở tiểu bang Nam Australia. Trong vai trò luật sư, bà Julia Gillard nổi tiếng là người tiên phong bảo vệ nữ quyền. Dưới thời Thủ tướng Kevin Rudd, bà Gillard là người phụ nữ quyền lực nhất khi được bầu làm Phó Thủ tướng và cùng lúc điều hành hai bộ quan trọng là Bộ Lao động và Bộ Giáo dục từ năm 2007.

Ngày 24/6/2010, Phó Thủ tướng Australia Julia Gillard đã đắc cử chức Chủ tịch Công đảng cầm quyền, qua đó thay thế ông Kevin Ruud trở thành Thủ tướng thứ 27 và là nữ thủ tướng đầu tiên trong lịch sử Australia. 

Bà Julia Gillard đã không có được một sự nghiệp chính trị êm ả khi liên tục trong những năm cầm quyền, bà bị chỉ trích nhiều từ phe đối lập. Đầu năm nay, bà Gillard đã cho tiến hành bỏ phiếu tín nhiệm đối với vị trí của bà do những bất đồng trong điều hành chính phủ với cựu Ngoại trưởng Kevin Rudd.

Thủ tướng Thái Lan Yingluck Shinawatra


Bà tốt nghiệp cử nhân khoa học chính trị tại Đại học Chiang Mai năm 1988 và lấy bằng thạc sĩ cùng ngành ở Đại học bang Kentucky, Hoa Kỳ, hai năm sau đó. Bà Yingluck đã kết hôn với ông Anusorn Amornchat, giám đốc điều hành M Link Asia, một công ty phân phối điện thoại di động. Toàn bộ sự nghiệp của bà đến giờ gắn với việc làm ăn của gia đình Shinawatra, bắt đầu với Công ty Shinawatra Directories, một hãng dịch vụ danh bạ điện thoại. Năm 2002, hai năm sau khi ông Thaksin thắng cử vang dội và bắt đầu nhiệm kỳ đầu tiên, bà Yingluck làm chủ tịch Công ty Advanced Info Service, nhà cung cấp dịch vụ di động lớn nhất nước. Bà đảm nhận cương vị này tới năm 2006, sau đó bà Yingluck chuyển sang làm chủ một công ty khác của gia đình trong lĩnh vực bất động sản, SC Asset. 

Những đồng sự cũ và cấp dưới của bà Yingluck mô tả về bà trên Bangkok Post là một người “dễ chịu”, “rạng rỡ” và “tử tế,” trái ngược với tính cách quyết đoán và có phần tàn nhẫn của người anh trai Thaksin. 

Bà đến với chính trường Thái Lan khá miễn cưỡng, tuy nhiên, với sự hậu thuẫn hết mình của người anh Thaksin và Đảng Puea Thai đã đưa đến cho bà một chiến thắng vang dội trong cuộc bầu cử năm 2011. Hiện vẫn còn những lời chỉ trích sự thiếu kinh nghiệm của bà Yingluck, không thể nghi ngờ về tình cảm mà công chúng dành cho tân Thủ tướng, sắc đẹp, tuổi trẻ, sự duyên dáng và nhiệt tâm khiến bà Yingluck là một hình mẫu tuyệt vời cho các cử tri sau chuỗi ngày dài họ đã ngán ngẩm với các chính trị gia cơ bắp

Tổng thống Hàn Quốc Park Geun Hye


Park Geun Hye, 60 tuổi, sẽ trở lại dinh tổng thống ở Seoul, nơi bà đã sống trong những năm 1970 khi cha của bà, nhà độc đài Park Chung Hee còn cầm quyền. Phát biểu sau khi biết tin chiến thắng, bà đã đưa ra lời hứa về việc sẽ hàn gắn một xã hội Hàn Quốc đang bị chia rẽ.

Bà Park Geun Hye sẽ có một nhiệm kỳ kéo dài 5 năm, bắt đầu từ tháng Hai tới cho nhiệm vụ mới của mình. Bà sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề như sự thách thức đến từ Triều Tiên, quan trọng hơn cả là phải đối phó với nền kinh tế mà tốc độ tăng trưởng hàng năm đã giảm khoảng 2% từ mức trung bình 5,5% trong nhiều thập kỷ tăng trưởng cao.

Bà Park hiện tại chưa có gia đình, hứa sẽ dành cuộc đời của mình để phục vụ cho đất nước. Di sản của cha bà, ông Park Chung Hee, người đã cai trị Hàn Quốc trong 18 năm, chuyển đổi nước này trở thành một nước công nghiệp từ đống đổ nát của cuộc chiến tranh hai miền Nam – Bắc Triều những năm 1950 – 1953.  

Tổng thống Brazil Dilma Rousseff


Trong một bước nhảy vọt, bà Rousseff trở thành người phụ nữ đầu tiên đắc cử Tổng thống Brazil. 

Cuối những năm 1980, bà trở thành bộ trưởng mỏ và năng lượng của bang Rio Grande do Sul. Bà đã làm nên tên tuổi của mình sau khi tăng lượng điện của bang lên gần 50% chỉ trong một thời gian ngắn.
Là người quyết đoán và có khả năng, Rousseff được xem là một công chức bẩm sinh và đã được Tổng thống Luiz Inacio Lula da Silva chú ý tới ngay sau khi bà gia nhập đảng Lao động (PT) năm 2001. Bà Rousseff, 62 tuổi, đã tham gia chính phủ của Tổng thống Lula Silva vào năm 2003 với vị trí là bộ trưởng năng lượng.

Năm 2005, sau một bê bối tham nhũng khiến nhiều nhân vật chủ chốt của chính phủ phải từ chức, bà Rousseff trở thành chánh văn phòng của Tổng thống Lula và nắm giữ vị trí đó cho tới tháng 4/2010. Sau khi là cánh tay phải đắc lực của Tổng thống Lula trong suốt nhiều năm, bà Rousseff được đích thân ông Lula chọn là người kế nhiệm mình và cùng bà phát động chiến dịch tranh cử tổng thống với tư cách là ứng cử viên của Đảng lao động (PT).

Bà nổi tiếng với tư tưởng đẩy mạnh vai trò của nhà nước trong các lĩnh vực chiến lược, trong đó có ngân hàng, dầu khí và năng lượng. Bà cũng cam kết sẽ đối phó giải quyết hệ thống thuế má phức tạp của Brazil.

Theo Phan Sương
Infonet

tanhoa

Trở lên trên