MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Ông Lý Quí Trung: 'Thất bại là mẹ thành công', nhưng không thất bại thì tốt hơn

16-06-2014 - 10:05 AM |

Tránh được thất bại là thượng sách, thành công ngay từ đầu sẽ dễ thành công lớn hơn sau này.



Nội dung nổi bật: 

- Bài học từ công việc bồi bàn kiêm lau sàn nhà: Biết hạ mình xuống thấp để trân trọng tất cả những gì đạt được sau này. Và không còn e ngại bất kỳ một công việc nào cho tương lai.

- Bài học rất căn bản cho bất kể ngành nghề kinh doanh nào: Làm gì thì làm cuối ngày đếm tiền phải có lãi. 

- "Thất bại là mẹ thành công": Câu châm ngôn trên chỉ để động viên tinh thần của người thất bại nhưng sẽ không bao giờ là điều kiện tiên quyết để thành công. Thất bại có thể hạ gục chúng ta nên đừng bao giờ ỷ lại và dễ dãi với nó.



Trong cuốn tự truyện "Bầu trời không chỉ có màu xanh", ông Lý Quí Trung đã kể về thời kỳ "Vạn sự khởi đầu nan" của mình với nghiệp kinh doanh khách sạn - nhà hàng. Những ngã rẽ đầu tiên đó đã cho ông Trung những bài học đầu đời đáng quý về nghiệp kinh doanh.

Trượt đại học, làm bồi bàn

Ông Trung bắt đầu bén duyên với ngành nhà hàng - khách sạn từ khi mới rời trường trung học, đúng hơn là từ khi ông thi rớt đại học. Ông cho hay, khi đó mình chỉ cần một công việc để bắt đầu, nên đã đồng ý vào làm phục vụ bàn cho khách sạn Đệ Nhất (vị giám đốc khách sạn là bạn của bố ông Trung).

Nhà hàng mà ông phục vụ còn có tên nội bộ là "Nhà hàng Hồ bơi" do nằm trong khu vực hồ bơi của khách sạn. 

Mỗi chiều người ta xếp hàng rồng rắn để mua vé vào bơi, đặc biệt là vào ngày hè oi bức. Nhà hàng phục vụ chủ yếu cho đối tượng này nên sàn nhà lúc nào cũng trơn ướt vì khách hàng có thể đi thẳng từ hồ bơi vào nhà hàng để ăn uống. Đặc điểm này khiến công việc của lính mới như ông Trung khi đó có thêm mục "lau nhà", và công việc "lau nhà" không hiểu sao lại thường đi chung với "làm vệ sinh toilet"?!

"Tôi đã vượt qua chính mình để thích nghi với công việc đầu đời này và luôn thầm cảm ơn chính nó đã dạy cho tôi biết hạ mình xuống thấp để trân trọng tất cả những gì tôi đạt được sau này. Và tôi không còn e ngại bất kỳ một công việc nào cho tương lai", ông Trung chia sẻ.

Ông Trung liền vạch con đường sự nghiệp và phấn đấu hướng đến vị trí tiếp tân viên, bởi theo suy nghĩ của ông khi đó, đây là cơ hội thăng tiến và danh giá nhất của khách sạn. Ông tìm nhiều nhiều cách học hỏi và thể hiện để gây ấn tượng với bộ phận tiếp tân.

Nhờ nỗ lực, cuối cùng nhân viên phục vụ bàn Lý Quí Trung cũng lọt vào mắt xanh của trưởng bộ phận tiếp tân qua các dịp chào hỏi, chuyện trò chớp nhoáng bằng tiếng Anh và giải Nhất trong cuộc thi tiếng Anh chuyên ngành dành cho toàn thể nhân viên của khách sạn. 

Sau nhiều tháng chờ dợi, ông Trung cũng được thông báo rằng ban giám đốc đã duyệt chính thức chuyển ông qua bộ phận tiếp tân. "Đây là lần đầu tiên trong đời tôi có được cảm giác thành công. Trước đó, toàn là thất bại", ông nhớ lại.


"Thất bại là mẹ thành công", nhưng không thất bại thì tốt hơn

Theo lời ông Trung thì thất bại đầu đời mà ông trải nghiệm trong lĩnh vực kinh doanh có liên quan đến 'cái chết từ từ'. Đó là trường hợp của bar rượu có tên là "Buffalo Blues" mà ông cùng một người anh sang nhượng lại từ người khác khi ông Trung mới đi du học về.

Đặc điểm của bar rượu mang đậm nét Ăng-lê cổ điển này là tối nào cũng đông nghẹt khách nhưng hàng tháng vẫn thâm hụt ngân sách, vì chi phí quá cao. 

Chi phí ban nhạc thuộc diện "khủng" vì bao gồm toàn các nhạc công thuộc hạng danh giá lúc bấy giờ, trong đó có ca sĩ số một nhạc jazz Tuyết Loan, guitar bass Tuấn Đại Dương, kèn saxophone hai anh em Hiếu-Quang và đặc biệt cây guitar solo nổi tiếng một thời Trung Nghĩa. Thù lao của nghệ sĩ guitar Việt Kiều này lên đến hàng ngàn đô-la Mỹ, nhưng thiếu anh thì không khí quầy bar thiếu hẳn sức hấp dẫn.

Một bài học rất căn bản cho bất kể ngành nghề kinh doanh nào, đó là làm gì thì làm cuối ngày đếm tiền phải có lãi. 

Ông Trung cố gắng áp dụng tất cả những ý tưởng cải tiến nhưng vẫn không cứu vãn được tình thế, vì mặt bằng không đủ rộng để chứa được nhiều khách hơn. Ông đã không nghiên cứu cẩn thận khi quyết định sang lại mặt bằng này, vẻ tấp nập, hào nhoáng bên ngoài của nó đã làm ông chóa mắt. Cuối cùng, ông cũng đi đến quyết định, tuy trễ nhưng đúng đắn, đó là chấm dứt, từ bỏ cuộc chơi.

"Thà làm người bỏ cuộc nhưng sống sót, còn hơn làm anh hùng mà hi sinh. Tôi học bài học vỡ lòng thật thấm thía khi phải gồng mình trả nợ suốt nhiều năm sau đó", ông Trung nói.

Người ta nói "thất bại là mẹ của thành công", ý nói thất bại cho chúng ta kinh nghiệm để lần sau sẽ thành công. Nhưng ông Trung đã ước mình không thất bại thì vẫn hơn, vì trả nợ trong suốt thời gian dài không đem thêm một bài học mới nào, mà có khi sẽ làm nhụt chí của người trong cuộc, đâu còn cơ hội để tiến lên thêm bước nữa mà thành công.

Ông Trung kết luận: "Câu châm ngôn trên chỉ đúng với mục đích động viên tinh thần của người thất bại nhưng sẽ không bao giờ là điều kiện tiên quyết để đi đến thành công. Nói cách khác, tránh được thất bại là thượng sách, thành công ngay từ đầu sẽ dễ thành công lớn hơn sau này. Thất bại ngay từ đầu chắc chắn sẽ kéo dài thời gian đi đến thành công. Thất bại có thể hạ gục chúng ta nên đừng bao giờ ỷ lại và dễ dãi với nó".


Kỳ Anh

kyanh

Trí Thức Trẻ

Trở lên trên