MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Triết lý của ông chủ Bảo tín Minh Châu: Giữ chữ tín hơn giữ vàng

14-11-2011 - 18:51 PM |

Có lần gọi điện cho một trợ lý của ông, tôi ngạc nhiên vì bản nhạc chờ vang lên bài hát về triết lý này. Sau mới biết, tất cả máy ĐTDĐ của cán bộ, nhân viên tập đoàn đều dùng bản nhạc này...


Một triết lý kinh doanh biến thành bài hát, thành giai điệu hàng ngày, thành tâm niệm của mỗi con người trong cả tập đoàn quả là một điều lý thú.

Ông Vũ Minh Châu


Trước đây, cơ quan làm việc của tôi ở gần một tiệm vàng nổi tiếng của Bảo tín Minh Châu trên phố Trần nhân Tông. Dạo đó, tôi chưa quen biết ông, mà chỉ vì tò mò, thoảng hoặc, tôi ghé qua tiệm vàng để xem, xem cho biết chứ không có tiền mua vàng. Tôi thấy những nhân viên ở đây đều trẻ, nhiều cô xinh xắn, cởi mở, nhiệt tình và tận tình với khách hàng. Có người bạn tôi bảo: Cậu không mua mà vào hỏi han không khéo bị người ta mắng cho.

Nhưng, tôi qua xem rất nhiều lần mà họ vẫn nhiệt tình niềm nở dù không mua. Tôi bảo người bạn rằng, lạ thế đó. Rồi có lần, có được một ít tiền, tôi ra tiệm vàng này mua. Tôi vốn mù tịt về vàng, nên cũng lo mua phải vàng giả. Khi nhìn thấy thấy trên miếng vàng  mình mua có đóng dấu chất lượng Bảo tín Minh Châu; Cả cái hóa đơn đi kèm cũng có đóng dấu chất lượng.

Người bán hàng còn cho biết khi cần bán thì mang ra cửa hàng hàng,  ở đây cũng sẽ mua lại. Nghĩa là  Bảo tín Minh Châu bảo đảm hoàn toàn chất lượng vàng của mình bán ra …Tôi thấy yên tâm.

Sau này, khi trò chuyện với ông, tôi bỗng hiểu hơn cái triết lý kinh doah của ông. Cái triết lý đó không chỉ ở trong suy nghĩ, trong văn bản, mà nó đã thực sự thấm vào mỗi người, vào công việc hàng ngày của từng cán bộ, nhân viên, nó nằm ngay trong sản phẩm mà tập đoàn của ông bán ra. Nó nằm trong niềm tin của khách hàng.

Và, cũng vì thế mà trong hàng trăm cửa hàng của hàng chục thương hiệu vàng ở thủ đô Hà Nội, vàng của Bảo tín Minh Châu vẫn được nhiều người ưa chuộng, vẫn là thương hiệu hàng đầu, rất có uy tín nhiều năm nay.

Vào những ngày vàng nhảy múa đảo điên, tôi có gọi điện phỏng vấn ông. Ông nói, thị trường vàng rồi sẽ đi vào ổn định, nhưng không phải ngày một, ngày hai. Khi gặp ông, tôi thật bất ngờ về những kiến giải sâu sắc, những suy nghĩ mà ông ấp ủ không phải chỉ vì quyền lợi riêng của các ông chủ kinh doanh vàng.

Ông điểm lại lịch sử của ngành vàng. Từ chỗ con người dùng vàng, một kim loại quý hiếm làm đồ trang sức, rồi là bản vị, là một kênh đầu tư, một nơi “ Trú ẩn” an toàn cho những người có tiền trong hoàn cảnh nhiều biến động…

Ông cũng bày tỏ một số bất cập trong một số chủ trương về quản lý thị trường vàng hiện nay.
 
Ông cho rằng, nhà nước cần quản lý chất lượng vàng chặt chẽ để bảo đảm cho người dân không mua phải vàng giả, vàng kém chất lượng và có quy định về khung giá, giá trần, giá sàn …Chứ không nên cấm kinh doanh vàng miếng, hay cho công ty này nhập, công ty khác xuất …sẽ tạo ra sự độc quyền, tạo ra kẽ hở cho tiêu cực nẩy sinh.

Ông cho biết: Quốc tế người ta đã chuẩn hóa vàng, trang sức bằng vàng từ lâu: vàng 14k, 18k, 20k …Chuẩn hóa chất lượng, trọng lượng để có mức giá tương thích. Việt Nam cũng nên học cách quản lý  thị trường vàng của các nước tiến tiến trên thế giới.

Thị trường vàng cũng như các thị trường khác phải lấy tính minh bạch đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới  chống lại được bọn đầu cơ, bảo đảm cho quyền lợi chính đáng của khách hàng, của người dân. Cũng là cách tốt nhất bảo đảm chữ tín.

Giữ chữ tín hơn giữ vàng.

Tôi bảo ông rằng, chẳng phải trong thị trường vàng, mà trong tất cả mọi thị trường, trong tất cả mọi lĩnh vực, chữ tín phải được bảo đảm hàng đầu. Bởi, một sự bất tín, vạn sự bất tin như ông cha xưa đã từng nói.

Mà, mất chữ tín, mất niềm tin là mất tất cả !

  (Còn tiếp)

                                          Theo DƯƠNG KỲ ANH
Tầm nhìn

kyanh

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên