Nhập khẩu đường và bài toán phát triển bền vững cùng người lao động
85.000 tấn đường trong hạn ngạch nhập khẩu theo cam kết khi gia nhập WTO, và mới đây 200.000 tấn đường luyện nhập khẩu theo thông tin từ Hiệp hội Mía đường Việt Nam (VSSA).
Thị trường đường trong nước luôn nóng hổi với lý do đảm bảo nguồn cung nội địa.
Hiện cả nước có tổng số gần 40 nhà máy đường đang hoạt động, cung cấp việc làm cho hàng trăm nghìn công nhân và hợp tác hỗ trợ sản xuất, thu mua nguyên liệu của hàng triệu hộ nông dân.
Khi dư luận còn quan tâm về khả năng Hoàng Anh Gia Lai được nhập khẩu đường về Việt Nam với thuế suất 0%, thì mới đây là thông tin cho phép nhập khẩu thêm 200.000 tấn đường. Như vậy, tổng lượng đường nhập khẩu tối thiểu của Việt Nam trong năm nay lên tới 285.000 tấn. Liệu con số này có phải là mức thiếu hụt cần được bù đắp của thị trường tiêu dùng nội địa trong năm 2016?
Theo VSSA, tính đến ngày 20/5, cả nước chỉ còn ba nhà máy đường đang hoạt động, những nhà máy khác đã kết thúc vụ mía đường 2015-2016. Tính đến thời điểm nói trên, tổng lượng đường trong niên vụ mía đường nay là gần 1,2 triệu tấn, giảm hơn 200.000 tấn so với cùng kỳ niên vụ trước. Đây là năm thứ hai liên tiếp sản lượng đường sản xuất trong nước giảm.
Tuy nhiên, ước tính tổng lượng đường tồn kho của các nhà máy đường trên cả nước đang vào khoảng 400.000 tấn, cộng với 85.000 tấn đường theo hạn ngạch nhập khẩu và khoảng 385.000 tấn đường thẩm lậu qua đường biên giới Tây Nam, Lao Bảo, Tịnh Biên… (theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Thái Lan năm 2015).
Vậy chưa kể đến 200.000 tấn đường đang trong quá trình xem xét nhập khẩu, tổng lượng dự trữ đường trong nước hiện ổn định ở mức 1,6 triệu tấn, trong khi ước nhu cầu tiêu thụ nội địa chỉ khoảng 1,5 triệu tấn.
Thống kê trên cho thấy, trong bối cảnh ngành đường liên tiếp đối mặt với những khó khăn về biến đổi khí hậu, sụt giảm nguyên liệu… các doanh nghiệp trong nước đã có sự chuẩn bị bài bản và chủ động trong việc duy trì nguồn cung ở mức ổn định, đảm bảo đáp ứng nhu cầu tiêu dùng nội địa. Đóng góp vào kết quả này là một phần không nhỏ công sức của những người công nhân, những hộ nông dân đã kiên định bám mía và hợp tác bền bỉ với các doanh nghiệp mía đường bằng những chính sách hỗ trợ toàn diện.
Nhằm chủ động lượng đường dự trữ đáp ứng nhu cầu khách hàng và bình ổn thị trường, một số doanh nghiệp trong nước đã chủ động xây dựng phương án nhập khẩu đường thô với hạn ngạch hợp lý. Việc nhập khẩu không chỉ đảm bảo phát huy tối đa công suất của nhà máy đường luyện mà còn góp phần ổn định việc làm cho hàng ngàn công nhân đang làm việc tại các nhà máy trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, phần lớn các nhà máy luyện đường tại Việt Nam hiện chưa phát huy được hết công suất hoạt động. Do đó, việc khuyến khích nhập khẩu đường thô về để chế luyện không chỉ đảm bảo tận dụng tối đa năng lực chế biến của các nhà máy trong nước, tránh lãng phí nguồn vốn đầu tư, mà còn góp phần tạo điều kiện cho ngành đường chủ động về nguồn cung và thực hiện các biện pháp xuất khẩu để bình ổn thị trường đường trong nước.
Thêm vào đó, thuế nhập khẩu đường trắng (đường đã tinh luyện) hiện ở mức 85%, cao hơn thuế nhập khẩu 80% đường thô. Vậy nghịch lý dễ thấy là ngành đường trong nước vừa phải bỏ ra một khoản chênh lệch chi phí đáng kể khi nhập đường luyện thay vì đường thô, vừa lãng phí năng suất lao động của một nguồn nhân công lớn với nhu cầu làm việc rất cao.
Việc nhập khẩu một số lượng đường luyện lớn như trên cũng đặt ra thách thức đối với việc đảm bảo chất lượng an toàn thực phẩm do hạn chế về kiểm soát quá trình chế luyện, trong khi đây là vấn đề cốt lõi cần được ưu tiên quan tâm hàng đầu nhằm đảm bảo sức khỏe người tiêu dùng.
Trên thế giới, đa số các nước nhập khẩu đường đều nhập đường thô về chế luyện để tiết kiệm ngoại tệ, đảm bảo việc làm cho người lao động trong nước và quan trọng hơn sẽ quản lý được chất lượng, an toàn thực phẩm đối với sản phẩm đường, góp phần ổn định nguồn cung nội địa, bình ổn giá thành sản phẩm.
Nhập khẩu đường luyện với hạn ngạch quá lớn, về lâu dài, có nguy cơ gây ảnh hưởng không nhỏ tới việc hiệu quả thúc đẩy hoạt động nông nghiệp, canh tác sản xuất của các hộ nông dân, cũng như cắt giảm nhu cầu lao động tại các nhà máy…
Thực tế chứng minh, phát triển bền vững phải đến từ việc đảm bảo tăng trưởng kinh tế đi kèm với giải quyết hiệu quả các vấn đề xã hội, trong đó đáp ứng nhu cầu việc làm để ổn định đời sống là quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, một mắt xích quan trọng trong chuỗi giá trị nông nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung.
Không riêng gì ngành đường, cạnh tranh hội nhập và phát triển bền vững phải đi kèm với các lợi ích gia tăng cho các thành phần tham gia chuỗi giá trị ngành. Một nguồn tin đã đưa vào cuối năm 2015 cho biết, công nhân nhà máy đường tại nhiều nước trên thế giới như Ấn Độ, Thái Lan…đã chủ động yêu cầu Chính Phủ đưa ra các chính sách bảo hộ giá đường.
Đó là thực tế ở nước bạn, vậy tại Việt Nam, chúng ta cần có các chính sách để đảm bảo quyền lợi người lao động, để ngành đường Việt Nam thực sự vững vàng trên chính sân nhà và tự tin chủ động hội nhập.