Nhập khẩu ngô, đậu tương, lúa mì liên tục tăng rất mạnh
Trong 4 tháng đầu năm 2018, lượng ngô, đậu tương, lúa mỳ nhập khẩu về Việt Nam tăng mạnh về giá trị và số lượng. Riêng đậu tương nhập từ Mỹ tăng nhờ giá rẻ.
- 23-05-2018Vỏ quả cà phê “lên ngôi”, đắt hơn cả hạt cà phê
- 22-05-2018Thị trường hàng hóa ngày 22/05/2018: Dầu, cao su, đường tăng giá mạnh trong khi vàng, quặng sắt, đậu tương giảm sâu
- 12-05-2018Thị trường hàng hóa ngày 12/5: Dầu và đậu tương giảm; sắt thép, vàng bạc, cao su tăng
Nhập khẩu ngô tăng mạnh nhất trong tháng 4
Theo báo cáo của Hải quan Việt Nam, nhập khẩu ngô đã tăng tới 96% trong tháng đầu năm 2018, sau đó sụt giảm mạnh trong 2 tháng kế tiếp (tháng 2 giảm 43,9%, tháng 3 giảm 17,2%), nhưng sang tháng 4/2018 đã tăng trở lại, với mức tăng mạnh nhất trong các nhóm hàng nhập khẩu, tăng 150% về lượng và tăng 154% về trị giá, đạt 1,12 triệu tấn, tương đương 225,91 triệu USD. Tuy nhiên, giá ngô nhập khẩu trong tháng 4 chỉ tăng nhẹ 1,6% so với tháng 3/2018 và giảm 1,04% so với tháng 4/2017.
Tính chung trong cả 4 tháng đầu năm 2018, lượng ngô nhập khẩu tăng 36% so với cùng kỳ, đạt 3,05 triệu tấn; trị giá tăng 28,8%, đạt 596,97 triệu USD.
70% lượng ngô nhập khẩu vào Việt Nam trong 4 tháng đầu năm có xuất xứ từ Argentina, đạt 2,15 triệu tấn, tương đương 413,02 triệu USD, tăng rất mạnh 233,6% về lượng và tăng 212% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái. Giá ngô nhập khẩu từ thị trường này đạt 192,4 USD/tấn, giảm 6,5%.
17% lượng ngô nhập khẩu vào Việt Nam có xuất xứ từ Brazil, với 504.143 tấn, tương đương 94,34 triệu USD, tăng 7,5% về lượng và tăng 0,4% về trị giá so với cùng kỳ. Giá ngô nhập khẩu từ Brazil giảm 6,6%, đạt 187,1 USD/tấn.
Giá ngô nhập khẩu từ thị trường Ấn Độ giảm rất mạnh 83,6% so với cùng kỳ, đạt 277,4 USD/tấn, do đó khối lượng ngô nhập khẩu từ thị trường này tăng đột biến gấp 68 lần và trị giá cũng tăng gấp 11 lần so với cùng kỳ, đạt 17.000 tấn, trị giá 4,72 triệu USD.
Ngoài, ra, Việt Nam còn nhập 2.480 tấn ngô từ Thái Lan (giảm 98% so với cùng kỳ) và 725 tấn từ thị trường Lào (giảm 38,6%). Trong khi giá ngô nhập khẩu từ các thị trường đều giảm so với cùng kỳ năm ngoái, thì riêng giá ngô của Thái Lan tăng rất mạnh 917,6% so với cùng kỳ và ở mức rất cao 2.480 USD/tấn.
Đậu tương nhập khẩu từ Mỹ tăng mạnh do giá rẻ
Nhóm hàng đậu tương nhập khẩu vào Việt Nam sau khi sụt giảm rất mạnh trên 75% cả về lượng và trị giá trong tháng đầu năm 2018, thì sau đó liên tục tăng mạnh cho đến nay (tháng 2 tăng 129%, tháng 3 tăng 18,5% và tháng 4 tăng 48,5%). Tính tổng cộng 4 tháng đầu năm, đậu tương nhập khẩu tăng 22,3% về lượng và tăng 19,5% về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 562.124 tấn, tương đương 242,34 triệu USD. Tuy nhiên, giá nhập khẩu giảm nhẹ 2,4% so với cùng kỳ, đạt 431 USD/tấn.
Đậu tương nhập khẩu nhiều nhất từ thị trường Mỹ, do có mức giá rẻ nhất thị trường, đạt trung bình 421 USD/tấn, giảm 5,6% so với cùng kỳ; lượng nhập khẩu tăng mạnh 66,8% so với cùng kỳ, đạt 375.100 tấn, trị giá tăng 57,6%, đạt 157,93 triệu USD, chiếm 66,7% trong tổng lượng đậu tương nhập khẩu của cả nước và chiếm 65,2% trong tổng kim ngạch.
Đậu tương xuất xứ từ Canada nhập khẩu về Việt Nam mặc dù giá đắt đỏ nhất 469 USD/tấn, nhưng lượng nhập khẩu vẫn tăng tương đối mạnh 25%, trị giá tăng 23%, đạt 38.966 tấn, tương đương 18,27 triệu USD, chiếm 7% trong tổng lượng và tổng trị giá nhập khẩu nhóm hàng này của cả nước.
Chỉ duy nhất thị trường Brazil giảm cả về lượng và trị giá, giảm lần lượt là 24% và 22% so với cùng kỳ, đạt 133.636 tấn, trị giá 58,92 triệu USD, chiếm 24% trong tổng lượng và tổng trị giá. Giá nhập khẩu tăng 2,3%, đạt 440,9 USD/tấn.
Nhập khẩu lúa mì từ Nga, Mỹ tăng đột biến
Nhóm hàng lúa mì nhập khẩu vào Việt Nam 4 tháng đầu năm tuy giảm nhẹ 1,2% về lượng so với cùng kỳ năm ngoái, nhưng trị giá vẫn tăng 14%, đạt 1,73 triệu tấn, tương đương 404,98 triệu USD. Giá nhập khẩu tăng tương đối mạnh 15,4% so với cùng kỳ, đạt 234,5 USD/tấn.
Nhập khẩu lúa mì từ các thị trường 4 tháng đầu năm 2018
Lúa mì nhập khẩu từ thị trường Nga 4 tháng đầu năm nay tăng vượt trội gấp 14 lần về lượng và gấp 15 lần về trị giá so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 826.046 tấn, tương đương 175,02 triệu USD.
Lúa mì xuất xứ từ Mỹ nhập khẩu về tuy không nhiều, chỉ 91.451 tấn, tương đương 24,34 triệu USD, nhưng so với cùng kỳ năm ngoái cũng tăng rất mạnh gấp 50 lần về lượng và gấp 48 lần về trị giá.