MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhập nhèm điện mặt trời mái nhà với nối lưới để hưởng giá cao

Việc thiếu hướng dẫn phân biệt điện mặt trời mái nhà và nối lưới có thể dẫn đến tình trạng lợi dụng chính sách để hưởng giá điện cao, ảnh hưởng đến ngân sách nhà nước.

Ngày 9-7, tại TP HCM, Bộ Công Thương tổ chức Hội thảo Phát triển bền vững nguồn năng lượng tái tạo nối lưới và điện mặt trời mái nhà.

Phát biểu tại hội thảo, ông Nguyễn Văn Lý, Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Điện lực miền Nam (EVNSPC), nhấn mạnh Quyết định 13 về cơ chế khuyến khích điện mặt trời tại Việt Nam có hiệu lực từ 22-5 là cú hích quan trọng nhằm tạo đà điện mặt trời phát triển. Bộ Công Thương cần sớm ban hành thông tư hướng dẫn thực hiện quyết định nêu trên bởi còn rất nhiều vấn đề chưa được làm rõ, khiến doanh nghiệp (DN) ngành điện rơi vào tình trạng "ngại làm sai".

"Thế nào là điện mặt trời mái nhà là khái niệm rất quan trọng và cần làm rõ sớm ngày nào tốt ngày đó. Điện mặt trời mái nhà theo quy định là công trình có những tấm quang điện đặt trên mái của công trình xây dựng và có công suất dưới 1 MW. Tuy nhiên, công trình xây dựng hiện nay bao gồm rất nhiều loại như công trình dân dụng, giao thông, nông nghiệp… Có tình trạng nhà đầu tư lợi dụng chính sách để né quy hoạch bằng cách làm dự án dưới 1 MW. Mỗi nơi có thể làm cả chục dự án như thế. Vậy áp dụng giá điện mặt trời mái nhà 8,38 cent/KWh hay điện mặt trời nối lưới chỉ trên 7 cent/KWh? Việc này ảnh hưởng rất nhiều đến ngân sách nhà nước" - ông Nguyễn Văn Lý chỉ rõ.

Nhập nhèm điện mặt trời mái nhà với nối lưới để hưởng giá cao - Ảnh 1.

Hệ thống điện mặt trời mái nhà tại TP HCM - Ảnh: Nguyễn Hải

Dưới góc độ địa phương, ông Trần Văn Vĩnh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, cho rằng việc lợi dụng chính sách như trên chưa phải là vấn đề lớn cần giải quyết, nhất là với những địa phương thu hút đầu tư khá lớn như Đồng Nai.

Theo ông Vĩnh, để đáp ứng nhu cầu phát triển lớn của tỉnh, nhu cầu về điện là rất lớn. Trong khi đó, Đồng Nai có 12.000 ha đất khu công nghiệp và dự kiến tăng thêm 5.000 ha trong 5 năm tới. Trong khu công nghiệp, rất nhiều hệ thống tổng kho, khu logistics đều phải làm mái. Ngoài ra, diện tích trang trại chăn nuôi, trồng trọt của tỉnh cũng khá lớn. Nếu làm điện mặt trời với công suất dưới 1 MW thì không hiệu quả và chắc chắn không nhà đầu tư nào đầu tư vào dự án với quy mô này.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai kiến nghị chính sách thống nhất với điện mặt trời để hỗ trợ cho địa phương trong thu hút đầu tư.

Thứ trưởng Bộ Công Thương Hoàng Quốc Vượng thừa nhận chưa có pháp lý liên quan đến điện mặt trời áp mái tại khu công nghiệp quy mô trên 1 MW. Do đây là vấn đề thực tiễn đặt ra nên Bộ Công Thương sẽ tiếp tục nghiên cứu để có chính sách phù hợp.

"Một số địa phương phản ánh tình trạng dựng ra công trình nông nghiệp nhưng bên trên lắp đặt điện mặt trời. Thực chất, sau khi lắp đặt xong họ không sản xuất nông nghiệp và chủ yếu kinh doanh điện mặt trời. Việc lách luật là có diễn ra. Bất cứ chính sách nào cũng khó bịt kín hết được. Nhưng, cũng như ý kiến của lãnh đạo tỉnh Đồng Nai, mọi việc cần nhìn nhận với mục tiêu lớn hơn. Ở đây là mục tiêu xây dựng chính sách tạo điều kiện cho người dân, DN phát triển điện mặt trời mái nhà. Những khoảng trống chính sách sẽ được nghiên cứu phù hợp" - Thứ trưởng Hoàng Quốc Vượng nói thêm bên lề hội thảo.

Theo Phương Nhung - Khả Ái

Người lao động

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên