Nhập siêu tăng vọt, cần một chiến lược kiểm soát
Thống kê của Bộ Công Thương cho thấy, hàng loạt ngành hàng xuất khẩu của Việt Nam có dấu hiệu nhập siêu nghiêm trọng.
- 20-06-2021Kinh tế Việt Nam quý II và triển vọng cả năm 2021
- 20-06-2021Bắc Ninh: Tạo mọi điều kiện cho doanh nghiệp hoạt động trong tình hình mới
- 20-06-2021Tại sao nhập siêu lên đến 1,35 tỷ USD trong nửa đầu tháng 6?
Nguyên nhân chính đến từ việc thiếu các nguồn cung từ công nghiệp hỗ trợ. Thực trạng này đã kéo dài hàng chục năm qua, cho thấy nhiều ngành nghề của Việt Nam rỗng ruột, chỉ trở thành khâu “trung gian” dịch vụ thương mại thay vì sản xuất và cung ứng.
Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, trong 5 tháng qua, các doanh nghiệp đã đẩy rất mạnh nhập khẩu linh kiện điện tử, nguyên phụ liệu trong ngành da giày, dệt may, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng; điện thoại các loại và linh kiện; chất dẻo nguyên liệu và nông sản để phục vụ sản xuất và xuất khẩu. Chỉ riêng trong tháng 5, cả nước nhập siêu hơn 2 tỷ USD khiến cán cân thương mại 5 tháng đầu năm đảo chiều sau một thời gian dài xuất siêu. Tính tổng thể, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa đạt 131,31 tỷ USD trong 5 tháng đầu năm, tăng 36,4% so với cùng kỳ năm trước.
Đáng chú ý, theo Bộ Công Thương, lượng hàng hóa nhập khẩu tăng mạnh phần lớn đến từ các doanh nghiệp FDI với kim ngạch đạt 85,5 tỷ USD, tăng 39,9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Chủ tịch Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), ông Vũ Đức Giang thừa nhận, nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng cao những tháng qua do ngành dệt may gần đây đã phục hồi trở lại với khối lượng đơn hàng cao. Nhiều doanh nghiệp đã có đơn hàng đến hết năm 2021. Việc gia tăng nhập khẩu nguyên phụ liệu dệt may đã góp phần giúp kim ngạch xuất khẩu ngành hàng này tăng trưởng đến 15% trong 5 tháng đầu năm.
“Việc các doanh nghiệp tăng cường nhập khẩu nguyên liệu sản xuất, đặc biệt là nhóm hàng điện tử, hàng hóa công nghệ cao và máy móc, thiết bị nhập khẩu sẽ giúp tạo ra dư địa và cơ hội để tăng xuất khẩu trong thời gian tới. Chưa kể, trong bối cảnh giá nhập khẩu tăng mạnh, doanh nghiệp còn có tâm lý tích trữ thêm nguyên liệu để phòng trường hợp dịch bệnh kéo dài”, ông Giang cho hay.
Số liệu của Tổng cục Hải quan công bố cách đây ít ngày cho thấy, nhập siêu đang diễn ra với ngành nông nghiệp. Nhập khẩu điều 5 tháng đầu năm 2021 lên tới hơn 1,4 triệu tấn với giá trị hơn 2,2 tỷ USD, tăng hơn 247% về lượng và tăng 281% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái. Điều nhập khẩu tăng cao bất thường cũng khiến lần đầu tiên ngành luôn dẫn đầu về xuất khẩu nông sản này rơi vào tình thế nhập siêu với giá trị hơn 1 tỷ USD.
Ông Đặng Hoàng Giang, Tổng Thư ký Hiệp hội điều Việt Nam (VINACAS) cho hay, nhập khẩu điều 5 tháng tăng mạnh khiến ngành điều lần đầu tiên rơi vào nhập siêu. Tổng lượng điều thô nhập từ Campuchia 5 tháng đầu năm 2021 đã tăng đến hơn 500% về giá trị và vượt nhập khẩu cả năm 2020 (216.330 tấn).
Chưa đến mức đáng lo?
Trao đổi với PV Tiền Phong, Cục trưởng Cục Công nghiệp Trương Thanh Hoài cho rằng, về lâu dài, nếu duy trì mô hình xuất khẩu như hiện nay, Việt Nam sẽ ngày càng tụt hậu. Mỗi năm ngành hàng điện tử xuất khẩu đạt kim ngạch 100 tỷ USD; dệt may xuất khẩu khoảng 40 tỷ USD; da giày 20 tỷ USD. 3 ngành hàng này xuất khẩu đạt 170 tỷ USD mỗi năm. Dù chiếm kim ngạch rất lớn trên tổng kim ngạch 270 tỷ USD xuất khẩu của cả nước nhưng giá trị gia tăng thu được thực tế không hề cao. Cụ thể, với ngành dệt may, nguyên phụ liệu nhập khẩu tăng mạnh đến trên 20%. Riêng vải may mặc đạt gần 5,9 tỷ USD, tăng 30,9%.
Về việc nhập siêu đang tăng nhanh, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho rằng, việc Việt Nam thâm hụt cán cân thương mại sau 5 tháng là điều không có gì quá bất thường. Hiện tại, các mặt hàng nhập khẩu nhiều chủ yếu là nguyên liệu phục vụ hoạt động sản xuất, đặc biệt là cho sản xuất của nhóm hàng xuất khẩu.
Theo Tiền Phong