Nhật Bản: Đã có hàng nghìn vụ hôi của, trộm cắp sau thảm họa động đất, sóng thần những năm gần đây
Thống kê gần đây của cảnh sát Nhật cho thấy cùng với tỷ lệ nhập cư tăng, tỷ lệ trộm cắp ở Nhật cũng tăng đáng kể.
- 08-03-2014Nhật Bản 3 năm sau thảm họa động đất, sóng thần
- 11-04-2011Nhật sẽ mất 1 nghìn tỷ USD trong kịch bản động đất tồi tệ hơn
- 24-03-2011Nhật Bản mở kho dự trữ dầu lần thứ 2 sau động đất
Truyền thông Việt Nam lâu nay luôn đưa tin về một nước Nhật “màu hồng”, một nước Nhật không có hôi của ngay cả trong đời sống khó khăn cùng cực. Tất cả những thông tin trên không khỏi tạo ra nhiều ảo tưởng, đặc biệt với người trẻ.
Đồng ý rằng nước Nhật và người Nhật tuyệt vời với việc tuân thủ chặt chẽ kỷ luật, kỷ cương, tỷ lệ tội phạm tại Nhật thuộc loại thấp nhất thế giới, thế nhưng vẫn còn rất nhiều người Nhật xấu xí.
Trong thời gian tới khi nhập cư vào Nhật ngày một nhiều hơn, chắc chắn nước Nhật sẽ mất đi không ít những hình ảnh đẹp. Thống kê gần đây của cảnh sát Nhật cho thấy cùng với tỷ lệ nhập cư tăng, tỷ lệ trộm cắp ở Nhật cũng tăng đáng kể.
Câu chuyện dưới đây tại vùng động đất Kumamoto sẽ khiến không ít người yêu nước Nhật phải thất vọng.
Ngày 17/4/2016, chỉ một ngày sau khi trận động đất tồi tệ có cường độ lên đến 7,3 độ richte làm rung chuyển đảo Kyushu và đặc biệt là tỉnh Kumamoto, cô Reiko Takahashi trở về căn hộ của mình tại quận Chuo, thành phố Kumamoto.
Trong bóng đêm gần như đen kịt, cô nhìn thấy có hai người đàn ông đang loay hoay phá két sắt nhà cô, cô hét lên: “Các anh đang làm gì ở đây thế này?”
Hai người đàn ông giật mình quay lại, sau giây phút choáng váng ban đầu, họ nói chậm rãi: “À thì chúng tôi nghe thấy có người kêu cứu nên chúng tôi chạy lên.” Cô Takahashi quát lại: “Ai cũng biết ở đây không còn ai sống cả, chắc chắn các anh là kẻ cắp.”
Và rất tiếc, cô Takahashi đã nói đúng.
Cô trở về nhà không phải để kiểm đồ mà để lấy thêm áo bông cho hai con, khi phát hiện ra sự thật đau lòng trên cô đã rất thất vọng. Cô phàn nàn: “Nước Nhật tốt đẹp của tôi đã thành thứ quái quỷ gì thế này.”
Số liệu mới nhất từ cảnh sát tỉnh Kumamoto cho thấy, sau khi động đất xảy ra, chỉ trong 2 tuần sau đó đã có đến 34 vụ hôi của và trộm cắp . Rất nhiều người Nhật cũng như người nước ngoài “xấu xí” đã tranh thủ tình trạng hoảng loạn của người chạy trốn động đất để trốn vào nhà họ tìm kiếm tiền bạc và đồ đạc quý giá.
Không chỉ vậy, ngay chính trong dòng người chạy trốn động đất, nhiều kẻ cũng luôn rình rập sơ hở để ăn cắp ví tiền hay điện thoại di động.
Thậm chí, nhiều kẻ từ các tỉnh khác cũng đã đổ xô đến Kumamoto để tranh thủ trộm cắp. Cảnh sát đã bắt được một số người thậm chí đang có công ăn việc làm tử tế tại nhiều doanh nghiệp tỉnh Fukuoka mò sang Kumamoto để trộm cắp.
Khi bị cảnh sát hỏi cung, chúng đã khai như sau: “Chúng tôi sang Kumamoto để ăn cắp bởi chúng tôi tin rằng trong lúc sợ hãi, nhiều người đã không kịp khóa cửa. Biết đâu chúng tôi kiếm được một món hời để đổi đời.”
Cảnh sát Kumamoto đã phải tăng cường các cuộc truy quét tội phạm và tăng cường thêm lực lượng cảnh sát giám sát các tòa nhà để giảm tình trạng hôi của.
Tình trạng hôi của ở Nhật không phải đến bây giờ mới có. Cơ quan cảnh sát quốc gia Nhật công bố, sau thảm họa động đất sóng thần tháng 3/2011, trong khoảng thời gian từ tháng 3 đến tháng 12/2011, trong khi hàng chục nghìn người Nhật phải đi lánh nạn, đã có đến 1.108 vụ hôi của xảy ra tại các căn nhà trống trong tỉnh Fukushima.
Tại tỉnh Miyagi, nơi phải đón nhận những con sóng thần cao hàng chục mét gây tàn phá gần như hoàn toàn nhiều vùng ven biển, chỉ trong vòng 10 ngày sau thảm họa động đất, thống kê cho thấy đã có đến 250 vụ hôi của gây thiệt hại hơn 1 triệu yên. Cảnh sát tỉnh Miyagi đã phải triển khai thêm 100 cảnh sát đi tuần tra để bảo quản tài sản cho người dân.
Tại tỉnh Ibaraki, sau trận lũ lụt kinh hoàng vào tháng 9/2015, đã có hơn 20 vụ trộm xảy ra tại các căn nhà trống.
Và rất buồn là...không chỉ có chuyện hôi của.
Đã có rất nhiều người Nhật xấu xí cố tình bịa ra những câu chuyện vô cùng thương tâm về hoàn cảnh mà họ phải chịu đựng sau thảm họa để moi tiền của người khác.
Chỉ mới đây thôi, một người đàn ông đã kể câu chuyện vô cùng thê thảm về gia đình anh ta và xin được một sinh viên 19 tuổi tại tỉnh Kumamoto 10 nghìn yên. Sau đó anh này đã bị cảnh sát bắt. Anh ta thừa nhận anh ta chẳng bị sao cả, gia đình anh ta hoàn toàn bình thường.
Tại thành phố Kamiamakusa, tỉnh Kumamoto, cảnh sát địa phương đã bắt được một số người đóng giả nhân viên chính phủ đi quyên tiền cứu trợ nạn nhân động đất, một số người dân đã sinh nghi và gọi điện cho cảnh sát.
Tất nhiên, không ai dám phủ nhận những đức tính tốt của người Nhật trong hoạn nạn như luôn xếp hàng có tuần tự để nhận hàng cứu trợ, không tham lam, không tranh cướp. Các doanh nghiệp Nhật giảm giá hàng hóa để hỗ trợ cho người dân, họ không tận dụng hoàn cảnh khó khăn để bóp nghẹt đời sống người dân hơn nữa.
Tuy nhiên cuộc sống ở bất kỳ nơi nào cũng có người tốt người xấu và một cái nhìn công tâm khách quan là điều hoàn toàn cần thiết.
Trí thức trẻ/CafeBiz