Nhật ít vụ tự tử nhất 20 năm, nhưng vẫn cao thứ ba OECD
Cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng thêm trong tỷ lệ thất nghiệp của Nhật, thì nước này lại có thêm 4.800 vụ tự vẫn...
- 22-06-2017Chính phủ Nhật Bản đánh giá lạc quan về tăng trưởng kinh tế
- 13-06-2017Câu chuyện đằng sau hãng chuyển phát Nhật Bản 27 năm không tăng giá cước
- 07-06-2017Ở Nhật Bản, bạn đã có thể mua vé máy bay bằng Bitcoin nếu đi hãng hàng không này
Aokigahara, một khu rừng rộng hơn 35 km2 dưới chân núi Fuji của Nhật Bản là một địa chỉ yêu thích của du khách, nhờ những con đường mòn, hang động, và một thảm thực vật dày. Khu rừng này thường được người Nhật gọi là Jukai, tức “biển cây”.
Nổi tiếng là vậy, nhưng rừng Jukai còn được biết đến bởi một vấn nạn nhức nhối: sự biệt lập đã khiến khu rừng trở thành nơi được nhiều người Nhật tìm đến để tự vẫn nhất.
Tờ The Economist cho biết, vào năm 2003, năm gần đây nhất mà Chính phủ Nhật công bố dữ liệu chính thức, hơn 100 thi thể người tự sát đã được phát hiện ở rừng Jukai.
Từ đó đến nay, tỷ lệ tự tử trên toàn quốc ở Nhật đã giảm 30%. Tuy nhiên, với mức 18,5 người tự sát trên 100.000 dân mỗi năm theo số liệu thống kê mới nhất, đây hiện vẫn là quốc gia có tỷ lệ tự tử cao thứ 3 trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD) - một “câu lạc bộ” các quốc gia giàu có.
Ở Nhật Bản, sức ép kinh tế được xem là nguyên nhân chính dẫn tới tỷ lệ tự tử cao.
Sau khi bong bóng kinh tế ở nước này vỡ tung vào thập niên 1980, nhiều công ty Nhật phải trải qua quá trình tái cơ cấu (risutora) đầy khó khăn. Khi sự giảm tốc của nền kinh tế Nhật trở nên tồi tệ hơn trong thập niên 1990, số vụ tự tử tăng vọt, nhất là ở những người đàn ông trung niên vốn kỳ vọng vào một công việc trọn đời tại công ty mà họ làm việc.
Vào năm 1998, khi nền kinh tế Nhật rơi vào suy thoái, số vụ tự tử đã tăng tới 35%, lên mức hơn 32.000 người.
Một nghiên cứu được công bố vào năm 2007 ước tính rằng cứ mỗi 1 điểm phần trăm tăng thêm trong tỷ lệ thất nghiệp của Nhật, thì nước này lại có thêm 4.800 vụ tự vẫn.
Chính phủ Nhật đã xem việc giảm nạn tự vẫn là một ưu tiên. Năm 2007, Tokyo đặt ra mục tiêu giảm tỷ lệ tự tử 20% trong vòng 10 năm, đồng thời cam kết chi 220 triệu USD cho các biện pháp ngăn ngừa như tư vấn tâm lý ở nơi làm việc.
Trong tháng 6 này, Chính phủ Nhật tiếp tục đặt ra một mục tiêu mới là giảm tỷ lệ tự tử thêm 30% trong vòng một thập kỷ tới. Chính quyền địa phương và các tổ chức phi lợi nhuận ở Nhật cũng tích cực tham gia chiến dịch chống tự sát.
Cảnh sát đã treo trên những thân cây ở rừng Jukai những tấm biển mang thông điệp như “sinh mệnh của bạn là một món quà quý giá từ cha mẹ”. Trên khắp nước Nhật, giới chức đường sắt cũng đã lắp những tấm gương và thêm đèn chiếu sáng tại các nhà ga để ngăn những người có ý định tự sát nhảy ra trước đoàn tàu đang chạy.
Vào năm 2004, một viên cảnh sát về hưu đã thành lập một tổ chức chuyên đi kiểm tra khu vực vách núi Tojinbo lởm chởm đá cạnh biển Nhật Bản để tìm những người tìm cách trầm mình. Nhóm này nói rằng họ đã cứu sống được hơn 500 sinh mạng. Vào tháng 5, nhóm bắt đầu sử dụng máy bay không người lái để giám sát vách núi Tojinbo.
VnEconomy