MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhật ký một người bán trên Amazon: Chịu mức phí "cắt cổ" 15%, chịu đủ sức ép, giờ đây còn bị chính chủ mua tận gốc, bán cận sàn để dễ bề "bóp chết"

05-04-2019 - 19:10 PM | Tài chính quốc tế

Một sai lầm thôi cũng đủ để giết chết sự nghiệp của bạn trên Amazon.

Được định giá gần 1.000 tỷ USD, Amazon là một trong những công ty quyền lực nhất thế giới hiện nay. Gã khổng lồ bán lẻ hiện có hơn 600.000 nhân viên, vận hành khoảng 100 trung tâm phân loại và đóng gói ở Bắc Mỹ, đưa khoảng 1 triệu mặt hàng đến tay người tiêu dùng mỗi ngày. Nhưng điều Amazon làm không chỉ là bán lẻ. Amazon còn xuất bản sách và truyện tranh, tài trợ cho phim và các show truyền hình, vận hành một trang trại gió ở Texas, lắp ráp robot, bán thuốc theo đơn và vận hàng các dịch vụ web từ Medium cho đến CIA. Đó còn chưa kể các thương hiệu mà ông lớn này mua lại như Twitch, IMDB, Zappos và Whole Foods,…

Gần như tất cả chúng ta đều sử dụng dịch vụ nào đó của Amazon, theo cách này hay cách khác. Nhưng hiện trạng làm việc của nhân viên của Amazon đang như thế nào? Hãy cùng đến với series Nhật ký Amazon để tìm hiểu về công việc của nhân viên ở mọi cấp độ trong đế chế này.

Vào tháng 9, thượng nghị sĩ Elizabeth Warren đã chỉ trích Amazon vừa nắm quyền là một chợ ảo (Marketplace), nhưng cũng đồng thời là một nhà bán lẻ. Bà cho rằng đó là một lợi thế thông tin đặc biệt mà Amazon có thể dùng để đè bẹp bất cứ doanh nghiệp nào. Hàm ý ở đây là quyền truy cập của Amazon vào một lượng lớn dữ liệu khách hàng. Điều này mang đến cho nó một lợi thế khác biệt và không công bằng so với những đơn vị khác, đặc biệt là những nhà bán lẻ vừa và nhỏ đang vật lộn để cạnh tranh với Amazon. Warren cũng đã hứa sẽ sử dụng luật chống độc quyền để phá vỡ mạng lưới của Amazon cùng các gã khổng lồ công nghệ khác như Google hay Facebook nếu bà trúng cử Tổng thống.

Chẳng nhà bán lẻ nào có thể thấu hiểu sức mạnh tuyệt đối của Amazon bằng 2,5 triệu người bán hàng trên nền tảng trực tuyến này. Họ đang thực hiện gần như toàn bộ các giao dịch mua bán trên nền tảng bán lẻ lớn nhất nước Mỹ này. Theo một phân tích, doanh số 175 tỷ USD trên Amazon Marketplace chiếm 68% tổng doanh thu của Amazon và 31,3% doanh thu toàn ngành TMĐT năm 2018.

Một báo cáo từ The Verge năm ngoái đã tiết lộ Amazon Marketplace là một giấc mơ tư bản gây sốt: cạnh tranh không khoan nhượng và lừa dối giữa những người bán hàng, được chủ trì bởi một hệ thống quản lý và phân xử gần như tùy tiện. Tất cả những điều này tạo ra 19 tỷ USD doanh thu cho Amazon từ hoa hồng và phí của người bán hàng nửa đầu 2018.

Gần đây, chúng tôi đã nói chuyện với một nhà bán lẻ nhỏ, người đã bán hàng trên Amazon từ năm 2010. Khi Amazon càng phát triển thì Alex (tên đã được thay đổi) ngày càng phụ thuộc vào nền tảng này: Năm 2010, khi anh bắt đầu bán hàng trên Marketplace, doanh thu từ Amazon chiếm 5% tổng doanh thu. Hiện tại thì con số này lên đến 40-50%. Alex đã mô tả tình huống của mình như một "nô dịch có hợp đồng".

Không giống những người khác trên Marketplace, Alex không phải nhà sản xuất mà chỉ phân phối. Anh ấy bán các công cụ tự động như mũi khoan, đèn pin và bugi. Từng là nhân viên kinh doanh du lịch, anh bắt đầu công việc kinh doanh của mình trước thời kỳ suy thoái: "Tôi đã từng bán hàng trên đường phố. Tôi muốn bán hàng trực tuyến để không phải ra khỏi nhà và lái xe đi khắp nơi mỗi ngày. Đó đã từng là một ý tưởng tốt nhưng thật không may nhiều thứ tốt lại chỉ kéo dài một thập kỷ chứ không nhiều."

Nhật ký một người bán trên Amazon: Chịu mức phí cắt cổ 15%, chịu đủ sức ép, giờ đây còn bị chính chủ mua tận gốc, bán cận sàn để dễ bề bóp chết - Ảnh 1.

Hiện giờ, điều anh quan tâm là liệu chuyện gì xảy ra nếu Amazon quyết định sẽ không chia sẻ doanh thu cho các nhà kinh doanh nhỏ như anh ấy nữa. Sau đây là những chia sẻ của Alex:

Tôi thức dậy và bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng mỗi ngày. Một giờ sau đó, tôi sẽ xem tất cả các đơn hàng và gửi email. Rồi tôi làm một số công việc giấy tờ như xem xét các khoản thanh toán ban đêm trên Paypal vì tôi cũng bán hàng cả trên eBay nữa. Việc này thường mất từ nửa giờ đến một giờ. Sau khi hoàn thành công việc, tôi bắt đầu giao hàng và kiểm tra đơn hàng. Khi thấy sắp hết hàng, tôi sẽ phải tính toán đặt hàng. Tôi mua hàng từ một nhà phân phối ở New Jersey cho một loạt các mặt hàng. Anh ta sẽ gửi qua UPS trong ngày cho tôi và tôi sẽ nhận hàng vào ngày hôm sau.

Có rất nhiều đơn đặt hàng giả sử dụng thẻ tín dụng bị đánh cắp. Vấn đề ở đây là nếu bạn gửi một đơn hàng được mua từ thẻ bị đánh cắp, sẽ có người phàn nàn rằng thẻ của họ bị mất. Rồi công ty phát hành thẻ sẽ nhanh chóng lấy tiền từ tài khoản của bạn để trả lại người bị mất và bạn thì mất hàng và tiền. Một số có thể thoát được nhưng đa số thì tôi có thể tìm ra để có thể tránh.

Sau đó tôi xem xét những đơn hàng mà tôi đã gửi đi. Tôi gửi hàng qua Amazon, Walmart, eBay và tôi cũng có 2 trang web nữa. Amazon là lớn nhất, eBay lớn thứ hai và các trang web là thứ 3. Walmart thì tạm gác sang một bên.

Số hàng đi qua Amazon của tôi chiếm khoảng 40 đến 50%. Vào năm 2010, khi tôi bắt đầu bán trên Amazon, doanh số ước tính chỉ khoảng 5%. Nhưng giờ đây Amazon chẳng khác gì kẻ lừa bịp. Ý tôi là, 50% tiền trên Internet đều đi qua Amazon. Quay lại năm 2009, khi tôi bắt đầu bán hàng trên eBay, nó chiếm 23% thị phần. Tôi từng kiếm nhiều tiền trên eBay nhưng giờ đây không còn nhiều khách hàng trên đó nữa.

Chính xác thì Amazon muốn thu hút nhiều doanh nghiệp nhỏ sử dụng nền tảng của mình. Tôi gọi họ là "những nô dịch có hợp đồng", bởi đó chính xác là những gì miêu tả chúng tôi hiện tại. Bạn đang có một công việc ngày làm 8 tiếng với mức lương kha khá. Rồi bỗng một ngày bạn nghỉ việc để làm 10 đến 12 giờ mỗi ngày, 6 ngày mỗi tuần. Nếu bạn muốn trở thành một công ty bán hàng lớn trên Amazon thì quả là một điều khó khăn. Tôi đang gặp vấn đề như vậy. Bởi khi chỉ có mình tôi và một người nữa, tôi có thể quản lý mọi thứ. Nhưng một khi bạn bắt đầu có quá nhiều người, chắc chắn họ sẽ phạm phải sai lầm. Một sai lầm thôi cũng đủ để giết chết sự nghiệp của bạn trên Amazon.

Nhật ký một người bán trên Amazon: Chịu mức phí cắt cổ 15%, chịu đủ sức ép, giờ đây còn bị chính chủ mua tận gốc, bán cận sàn để dễ bề bóp chết - Ảnh 2.

Tôi luôn nói với mọi người: "Không phải tôi đang phàn nàn về Amazon mà họ vẫn đang như vậy. Tôi hiểu họ là người như thế nào, họ giúp tôi kiếm sống nhưng mọi thứ rất khó khăn và dễ chán nản."

Amazon có thứ gọi là "đơn hàng ảo". Về cơ bản, khi bạn bán hết hàng, bạn sẽ để chế độ "out of stock" vì bạn đâu còn gì để bán. Đôi khi mặt hàng đó sẽ restock trở lại. Nhưng rồi khi có người đặt, bạn lại không lấy được hàng vì nhà sản xuất cũng không còn. Bởi vậy, khách hàng có thể phải chờ tận vài tuần. Lúc này Amazon sẽ nói: "Tôi chẳng biết về đơn hàng này đâu nhưng bạn cần phải làm gì với nó."

Lúc này, bạn sẽ phải hủy đơn hàng, nhưng bởi đó là Prime nên số lần hủy tối đa bạn có thể thực hiện trong tháng chỉ là 0,5%. Giờ đây, tôi làm việc rất nhiều trên Amazon với doanh thu khoảng nửa triệu USD mỗi năm qua nền tảng này, một con số khá lớn với tôi. Tôi cũng bán ở nơi khác nữa nhưng khi bạn hủy một đơn hàng thôi, chỉ một đơn hàng đấy cũng đã vượt mức 0,5% rồi.

Để trở thành shop Prime, bạn phải giao hàng đúng hạn và được đánh giá tích cực 97%. Họ làm điều này hàng tuần. 97%, một con số không tưởng. Có lẽ Chúa cũng khó đạt được con số đó. Ý tôi là trong trường hợp bão tuyết bất thường khiến dịch vụ chuyển phát bị chậm trễ. Và dĩ nhiên trong cái thời tiết quái dị đó, tôi sẽ có 3 hay 4 gói hàng không thể giao đúng hạn trong một tuần. Giờ đây tôi đang bị đánh dấu X đỏ lớn như cảnh cáo: "Bạn sẽ bị đình chỉ bán nếu vẫn tiếp tục giao hàng muộn như vậy."

Khi Amazon dần phát triển thì tôi cũng đã có sự thay đổi. Trước đây, tôi từng bán rất tốt mà không cần làm Prime. Tôi đã không muốn làm Prime bởi tôi sẽ phải giao hàng trong 2 ngày hoàn toàn miễn phí. Với nhiều mặt hàng thì đây là khoản phí vô cùng tốn kém.

Nhật ký một người bán trên Amazon: Chịu mức phí cắt cổ 15%, chịu đủ sức ép, giờ đây còn bị chính chủ mua tận gốc, bán cận sàn để dễ bề bóp chết - Ảnh 3.

Thực sự thì tôi không muốn làm theo mô hình này nhưng giờ đây các nhà sản xuất cũng đang dần bắt tay với Amazon. Họ gửi hàng hóa đến trung tâm hoàn thiện đơn hàng của Amazon và cho Amazon toàn quyền xử lý mọi thứ. Tôi chẳng thể cạnh tranh với họ. Tôi không thể kiếm được thêm tiền ở đó nữa. Tôi buộc phải hoàn thiện đơn hàng ở Trung tâm của Amazon hoặc không bán được gì cả. Tôi quyết định làm theo các nhà sản xuất.

Giờ đây thì vấn đề nảy sinh với lợi nhuận, tôi thực sự chẳng kiếm được mấy đồng. Rất nhiều đơn hàng như vậy và bạn còn mất thêm tiền nữa.

Do vậy, bạn không nên bán hàng ở tất cả các khu vực. Bạn chỉ nên bán ở những khu vực có thể giao hàng trong vòng 2 ngày. Đó là điều tôi đã từng thực hiện và nó mang lại hiệu quả khá tốt. Thời điểm đó tôi đang làm việc với FedEx. Nhưng sau đó Amazon lại thay đổi thuật toán của họ: Nếu bạn không bán hàng ở một khu vực rộng hơn thì các thành viên Prime sẽ khó tìm thấy shop của bạn. Hãy yên tâm, nếu Amazon cũng bán mặt hàng giống bạn, họ sẽ luôn ở phía trên bạn dù bất cứ chuyện gì xảy ra. Họ luôn quảng cáo sản phẩm của họ phía trên. Vô vàn quy tắc mà tôi phải tuân thủ, họ lại chẳng cần.

Gần đây họ có một chính sách mới gọi là Vendor One (Nhà cung cấp số 1). Theo chính sách này, nhà sản xuất sẽ bán trực tiếp cho Amazon và Amazon sẽ bán với bất kỳ cách nào họ muốn. Dù sao thì họ chẳng phải trả 15% phí như tôi phải trả, họ hoàn toàn có thể bán giá tốt hơn không phải sao. Vì vậy, có muốn bạn cũng chẳng thể cạnh tranh nổi. Họ mua trực tiếp từ nhà sản xuất, bán bất cứ thứ gì họ thích. Rồi họ sẽ đè bẹp những hộ kinh doanh nhỏ như chúng tôi bởi làm sao tôi cạnh tranh nổi.

Cách duy nhất những người bán hàng có thể ngăn chặn điều này nếu cùng hợp tác với nhau để làm một trang web riêng hoặc ngừng kinh doanh trên Amazon. Vấn đề là điều này khó có thể xảy ra. Bạn chẳng bao giờ có thể khiến tất cả mọi người cùng làm điều này cả. Vẫn sẽ người nói tôi vẫn kiếm được tiền. Sẽ chẳng có gì khiến họ đồng thuận với nhau cả.

Tôi thực sự không có giải pháp nào cho chính mình. Với tôi, Amazon độc quyền ngược. Sự độc quyền thông thường sẽ tăng giá sản phẩm dịch vụ lên mức cắt cổ như điện, xăng dầu,.. bởi họ là đơn vị duy nhất làm việc đó. Còn Amazon thì ngược lại. Họ bán những thứ càng rẻ càng tốt cho những những người ngoài kia. Theo cách đó, những nhà quản lý luật pháp sẽ bỏ qua bởi họ có thể viện cớ mình đang mang lại giá trị cực cao cho người tiêu dùng. Vì vậy, chẳng ai có thể làm gì cả.


Theo Mai Lâm

Trí thức trẻ

Trở lên trên