MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều bộ còn thờ ơ với cải cách môi trường kinh doanh

Đằng sau sự cải thiện chậm của môi trường kinh doanh là sự thờ ơ và trì trệ của nhiều bộ ngành và địa phương ơ trong việc thực hiện Nghị quyết 19 của Chính phủ trong 2 năm qua.

TS Nguyễn Đình Cung
TS Nguyễn Đình Cung
Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế TƯ
109 bài viết

Đó là đánh giá của TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) khi trao đổi với báo giới bên lề Hội thảo về Triển khai Nghị quyết 19/2016 về cải thiện môi trường kinh doanh và Nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia tổ chức ngày 18/5.

Qua 2 năm thực hiện Nghị quyết 19, ông Cung đánh giá rằng những khó khăn của việc thực hiện Nghị quyết này, “ở mức độ nào đó, là sự trì trệ, thờ ơ của các bộ”.

Một số bộ ngành được đánh giá là không muốn buông quyền lợi. Ông cho biết khi khảo sát việc thực hiện cơ chế một cửa quốc gia ở một cơ quan, ông thấy có 1/4 trong số hơn 100 thủ tục đã được kết nối, nhưng những thủ tục được kết nối lại ít tác động đến doanh nghiệp, ít thay đổi quyền và nhiệm vụ của bộ.

“Như vậy có lẽ cần thay đổi 1 cách thực chất hơn, kết nối đáng lẽ phải tìm ra các thủ tục có tác động nhiều nhất đến cộng đồng doanh nghiệp, đến phát triển kinh tế để kết nối trước, còn thủ tục đơn giản khác thì để kết nối sau,” người đứng đầu CIEM đề xuất.

Với Nghị quyết 19 năm 2016 vừa ra đời, TS. Nguyễn Đình Cung hy vọng sự thờ ơ của các bộ sẽ mất dần, thay vào đó là sự tích cực, chủ động phục vụ doanh nghiệp, theo tinh thần “theo đến cùng vấn đề, truy đến cùng trách nhiệm”.

Trước đó, trong buổi hội thảo, bà Nguyễn Thị Minh Thảo – Phó trưởng ban Môi trường Kinh doanh thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã đưa ra đánh giá về kết quả thực hiện Nghị quyết 19 năm 2014 và Nghị quyết 19 năm 2015 của Chính phủ, trong đó cho thấy dù môi trường kinh doanh đã cải thiện nhưng Việt Nam vẫn còn nhiều chỉ tiêu bị tụt bậc.

Theo đánh giá của Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năng lực cạnh tranh quốc gia của Việt Nam năm 2015 tăng 12 bậc, từ vị trí thứ 68 lên 56, mức tăng cao nhất kể từ năm 2012.

Còn theo báo cáo “Doing Business” của Ngân hàng Thế giới (WB) mà Việt Nam dựa vào đó để có chỉ tiêu xây dựng Nghị quyết, môi trường kinh doanh của Việt Nam cải thiện 3 bậc, từ vị trí 93 lên 90. Trong 10 chỉ tiêu, có 5 chỉ tiêu có sự cải thiện là khởi sự kinh doanh, tiếp cận điện nặng, tín dụng, và giải quyết phá sản doanh nghiệp.

Bà Thảo cho biết mặc dù môi trường kinh doanh được cải thiện, nhưng còn nhiều chỉ số Việt Nam chưa đạt yêu cầu. Hầu hết các chỉ số về môi trường kinh doanh của Việt Nam hiện nay vẫn còn kém xa so với Singapore, Thái Lan và Malaysia, chỉ cao hơn Philipin.

Cụ thể, chỉ tiêu khởi sự kinh doanh của Việt Nam năm 2015 tăng 6 bậc, nhưng thứ hạng vẫn ở mức thấp, đứng vị trí 119/189 nền kinh tế. So với trung bình của nhóm ASEAN-4 là vị trí 71, Việt Nam vẫn chưa đạt được.

Bà Thảo cho biết, trong năm 2015, khi WB điều tra thì Luật Doanh nghiệp 2014 chưa có hiệu lực thi hành. Nhưng với năm 2016 này, theo cách tính của WB, chúng ta tính ra thứ hạng của Việt Nam sẽ lên 50, đạt mức trung bình của ASEAN-4.

Về chỉ tiêu tiếp cận điện năng, Việt Nam có sự cải thiện khá tốt. Tiết kiệm điện năng đã giảm còn 56 ngày, về thứ hạng tăng 27 bậc, đứng thứ 159/189 nền kinh tế, nhưng còn thua xa ASEAN-4 về thứ hạng.

Về nộp thuế và bảo hiểm xã hội, năm 2015 Việt Nam giảm được 102 giờ xuống còn 770 giờ (trong đó 62 giờ thuộc bảo hiểm xã hội và 40 giờ thuộc nộp thuế). Với những thay đổi về chính sách thuế, có hiệu lực từ 1/1/2015, Việt Nam có thể đạt được mục tiêu như Nghị quyết đề ra là giảm xuống còn 168 giờ/năm cho cả nộp thuế và BHXH.

Tỷ lệ thuế và BHXH/lợi nhuận của Việt Nam vẫn ở mức cao là 39,4%, so với ASEAN-4 chúng ta tương đương với Philipin và Malaysia, nhưng cao hơn nhiều so với Thái Lan và Singapore.

Về giao dịch thương mại qua biên giới, 2 năm qua mỗi năm Việt Nam giảm 1 bậc do những bất cập trong quản lý chuyên ngành. Thời gian thực hiện thủ tục xuất khẩu và nhập khẩu dài hơn nhiều so với Singapore, Malaysia và Thái Lan, và chúng ta còn khoảng cách khá xa so với mục tiêu đề ra.

Về cấp phép xây dựng, đây là chỉ số có sự đi xuống so với tất cả các chỉ số của Việt Nam, và là chỉ số duy nhất kéo dài thêm thời gian, lên 52 ngày. Trong khi các chỉ số khác có xu hướng giảm thời gian, chỉ số này kéo dài thời gian từ 114 ngày lên 166 ngày. Thời gian kéo dài này chủ yếu nằm ở việc cấp phép xây dựng.

Về đăng ký quyền sở hữu và sử dụng tài sản, năm 2015 Việt Nam tăng thêm 1 thủ tục, thời gian kéo dài thêm 0,5 ngày. Việt Nam mất 57,5 ngày cho thời gian đăng ký sở hữu và sử dụng tài sản, cao hơn rất nhiều các nước khác như Thái Lan là 3 ngày, Singapore 4,5 ngày, Malaysia 13 ngày, Philipin 35 ngày.

Về tiếp cận tín dụng, Nghị quyết 19 xác định theo cách tiếp cận của WEF, và đặt ra mục tiêu của Việt Nam là thứ hạng 30. Tuy nhiên, chúng ta đang đứng ở vị trí 88/140 nền kinh tế, chưa đạt mục tiêu và còn dưới mức trung bình của ASEAN-4.

Về bảo vệ nhà đầu tư, Việt Nam chưa có sự cải thiện về điểm số và thứ bậc do sự thay đổi của Luật Doanh nghiệp chưa được ghi nhận trong năm 2015 do thời điểm có hiệu lực là 1/7/2015. Tuy nhiên, nếu chúng ta áp dụng cách tính của WB và Luật Doanh nghiệp, thì điểm số sẽ cải thiện từ 3,7 điểm lên 6,2 điểm, và lên vị trí thứ 50 - đạt mục tiêu Nghị quyết đề ra.

Về giải quyết tranh chấp hợp đồng, Việt Nam chưa đạt được mục tiêu là giảm từ 400 ngày xuống 200 ngày. Thứ hạng của Việt Nam chỉ cao hơn Philipin với vị trí 140, còn kém xa các nước Thái Lan, Singapore và Malaysia.

Về giải quyết phá sản doanh nghiệp, năm 2015 Việt Nam cải thiện 2 bậc nhờ điểm mới của Luật Phá sản 2014. Tuy nhiên, Luật Phá sản 2014 chưa đi vào thực tiễn do chưa có văn bản hướng dẫn ban hành. So với các nước ASEAN-4, Việt Nam mất 5 năm để giải quyết phá sản 1 doanh nghiệp, trong khi Malaysia chỉ mất 1 năm, Thái Lan hay Philipin chỉ mất 2,7 năm.

Bà Thảo cho biết, Nghị quyết 19 của năm 2016 đặt ra mục tiêu là, đến hết năm 2016, các chỉ tiêu về môi trường kinh doanh của Việt Nam phải đạt tối thiểu bằng trung bình của nhóm nước ASEAN-4.

Theo Trung Nghĩa

Người đồng hành

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên