Nhiều chuỗi liên kết chủ lực ở ĐBSCL bị 'bẻ kèo'
Theo Chủ tịch UBND TP Cần Thơ Trần Việt Trường, dù đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL) đã hình thành nhiều chuỗi liên kết nhưng thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi.
- 16-11-2023Tạo đột phá để du lịch Việt Nam đi sau nhưng vượt lên trước, trở thành ngành mũi nhọn
- 16-11-2023Hơn 50 tổ chức tài chính lớn quan tâm đầu tư vào Việt Nam
- 16-11-2023Phát triển du lịch Việt Nam: Việc hôm nay chớ để ngày mai!
Ngày 16/11, tại TPHCM đã diễn ra phiên chính thức diễn đàn Mekong Connect 2023 với chủ đề “Kết nối chuỗi cung ứng và chuỗi giá trị giữa vùng kinh tế TPHCM và ĐBSCL hướng tới nền kinh tế xanh và bền vững”.
Phát biểu khai mạc, ông Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TPHCM cho biết, năm 2023, sau những biến động lớn trên phạm vi toàn thế giới, những xu hướng mới đã hình thành và phát triển nhanh chóng; trong đó, tăng trưởng xanh, phát triển bền vững là yêu cầu tất yếu, không thể đảo ngược.
Trước thực tiễn đó, TPHCM cùng nhiều tỉnh, thành ký thỏa thuận và xây dựng kế hoạch triển khai Chương trình hợp tác phát triển kinh tế xã hội giai đoạn đến năm 2025, với mục tiêu phát huy thế mạnh của từng địa phương, đóng góp vào sự phát triển chung của kinh tế cả nước.
Cũng theo ông Hoan, lãnh đạo các Bộ ngành trung ương, thành phố và các tỉnh, thành ĐBSCL mong muốn được lắng nghe, tiếp thu về các giải pháp phát huy cơ chế chính sách nói chung, cơ chế đặc thù của thành phố nói riêng để đẩy mạnh liên kết vùng, thúc đẩy kinh tế xanh, tăng cường liên kết chuỗi cung ứng hàng hóa và dịch vụ, xây dựng quy hoạch tích hợp…
“Diễn đàn Mekong Connect năm 2023 tiếp tục là cầu nối, là kênh tiếp xúc giữa chính quyền các tỉnh, thành phố; giữa DN và chính quyền; giữa các chuyên gia khoa học và chính quyền… với mong muốn chung là thúc đẩy liên kết, phát huy thế mạnh của từng địa phương, cùng hướng tới mục tiêu phát triển kinh tế, xã hội, phát triển kinh tế xanh và bền vững” – ông Hoan kỳ vọng.
Ông Trần Việt Trường, Chủ tịch UBND Cần Thơ cho biết, ĐBSCL đã hình thành các chuỗi liên kết đa dạng sản phẩm, tuy nhiên chủ yếu là liên kết các ngành hàng chủ lực như thủy sản, lúa gạo, cây ăn trái, rau màu nhưng hiệu quả không cao, thiếu tính bền vững, vẫn còn tình trạng “bẻ kèo” hợp đồng khi giá cả thị trường thay đổi; các chuỗi liên kết còn lại chỉ mới dừng ở giai đoạn thử nghiệm.
Trong sản xuất nông nghiệp vùng ĐBSCL luôn thiếu hụt nguồn cung ứng giống cây trồng chất lượng, thiếu năng lực kỹ thuật, quản lý của người nông dân, cơ sở hạ tầng kỹ thuật nông nghiệp chưa được đầu tư đồng bộ. Chế biến và gia công sản phẩm nông nghiệp là khâu yếu nhất. Các nhà máy chế biến chưa đáp ứng được nhu cầu của nguồn nguyên liệu đến từ nông dân, gây lãng phí và giảm giá trị sản phẩm nông nghiệp.
Vùng ĐBSCL đang gặp khó khăn trong việc tiếp cận thị trường tiêu thụ. Các kênh phân phối chưa được phát triển, rất khó tiếp cận các kênh bán lẻ. Đặc biệt hơn, ĐBSCL thiếu cơ chế chính sách để thu hút DN lớn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ chế biến nông sản nên chưa tạo được động lực phát triển vùng, vốn có lợi thế về sản xuất nông nghiệp.
Tiền Phong