MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều điểm sáng về kinh tế - xã hội

Thủ tướng chỉ đạo cần tập trung cao độ, dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Ngày 7-12, Thủ tướng Phạm Minh Chính đã chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2024.

Tăng trưởng cả năm có thể đạt và vượt 7%

Dự phiên họp có các phó thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng các cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ; đại diện lãnh đạo một số ban, ủy ban, cơ quan của Trung ương Đảng và Quốc hội; lãnh đạo một số tập đoàn kinh tế.

Báo cáo tại phiên họp, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) Nguyễn Chí Dũng cho biết tình hình kinh tế - xã hội 11 tháng đã phục hồi mạnh mẽ, phản ánh niềm tin, sự đồng lòng của nhân dân đối với các chủ trương của Đảng. Các địa phương động lực như TP HCM, Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, Bình Dương, Đồng Nai… dự báo tăng trưởng cao trong quý IV, dẫn dắt tăng trưởng cả nước năm 2024 có thể đạt và vượt 7%.

Cũng theo Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng, các động lực tăng trưởng từ phía cầu phục hồi tích cực. Tính chung 11 tháng, tổng vốn FDI đăng ký khoảng 31,4 tỉ USD, vốn FDI thực hiện khoảng 21,7 tỉ USD, tăng 7,1%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 8,8%; khách quốc tế khoảng 15,8 triệu lượt người, tăng 41%. Xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng, hầu hết các nhóm hàng xuất khẩu chủ lực tăng trưởng cao. Tốc độ tăng trưởng thương mại điện tử thuộc nhóm dẫn đầu thế giới. Cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước tin tưởng và đánh giá cao về triển vọng tăng trưởng của nước ta nên cam kết đầu tư và gắn bó lâu dài, điển hình như sự kiện ký kết giữa Chính phủ và Tập đoàn NVIDIA gần đây.

Các đại biểu dự phiên họp cũng thống nhất đánh giá trong 11 tháng qua đã đẩy mạnh triển khai các dự án, công trình kết cấu hạ tầng chiến lược. Trình Trung ương và Quốc hội thông qua chủ trương đầu tư đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam và khởi động lại dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Song song đó, tập trung sắp xếp, tinh gọn bộ máy, xây dựng Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã. Thủ tướng Chính phủ đã chủ trì Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đã ban hành kế hoạch định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ.

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2024Ảnh: Nhật Bắc

Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11-2024Ảnh: Nhật Bắc

Tạo sự thống nhất khi sắp xếp bộ máy

Kết luận phiên họp, Thủ tướng cho biết từ nay đến hết năm 2024 và những tháng đầu năm 2025, phải tập trung làm cùng lúc 3 nhóm nhiệm vụ lớn, trong đó có nhiều việc khó, phức tạp, nhạy cảm: Thứ nhất, tập trung tăng tốc, bứt phá, về đích năm 2024; thứ hai, tập trung sắp xếp bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; thứ ba, tổng kết công tác năm 2024 và xây dựng kế hoạch hoạt động của năm 2025.

Thủ tướng nêu rõ mục tiêu hoàn thành toàn bộ 15/15 chỉ tiêu của năm 2024, trong đó phấn đấu tăng trưởng GDP quý IV đạt khoảng 7,5%, cả năm 2024 đạt trên 7%. Đồng thời, giữ đà, giữ nhịp để tăng tốc, bứt phá, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng khoảng 8% trong năm 2025, tạo đà, tạo lực, tạo thế cho giai đoạn 2026 - 2030 tăng trưởng 2 con số.

Một nhiệm vụ quan trọng khác là sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, cơ quan liên quan tập trung cao độ công tác tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW và đẩy mạnh sắp xếp tổ chức bộ máy "tinh - gọn - mạnh - hiệu năng - hiệu lực - hiệu quả". Phải tạo sự thống nhất trong nội bộ, trong tư tưởng, thực hiện tốt kế hoạch, định hướng sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy của Chính phủ. Các bộ, ngành giảm ít nhất 15% đầu mối bên trong. Thủ tướng chỉ đạo ngay trong tuần tới, Văn phòng Chính phủ sắp xếp lịch cho các phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực họp với các bộ, ngành theo kế hoạch Thủ tướng đã phân công để dành thời gian ưu tiên cho việc sắp xếp, tinh gọn bộ máy.

Về một số nhiệm vụ cụ thể cho các bộ ngành, Thủ tướng giao Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tập trung giữ ổn định tỉ giá, thị trường ngoại hối; bảo đảm thủ tục thuận lợi, tăng khả năng tiếp cận vốn tín dụng, tập trung cho sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu giảm lãi suất cho vay, tăng trưởng tín dụng cả năm khoảng 15%. Bộ Tài chính cùng các bộ, ngành tháo gỡ vướng mắc để khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực từ thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, trái phiếu công trình, giảm sự phụ thuộc vào tín dụng ngân hàng.

Nhấn mạnh vào dịp cuối năm, nhất là Tết Nguyên đán đang sắp tới, Thủ tướng yêu cầu các bộ ngành, địa phương bảo đảm ổn định thị trường, giá cả các hàng hóa thiết yếu, lương thực, thực phẩm. Đặc biệt, cần bảo đảm cung ứng đủ điện, xăng dầu, đáp ứng yêu cầu sản xuất, tiêu dùng. Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công Thương kịp thời xây dựng, triển khai kế hoạch bảo đảm cung ứng điện trong dài hạn, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội; tập trung tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các dự án điện năng lượng tái tạo. 

Nghiên cứu chế độ, chính sách cho cán bộ dôi dư

Tại cuộc họp báo Chính phủ chiều cùng ngày, trả lời báo giới về chủ trương, hướng xử lý liên quan đến chế độ, chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức dôi dư khi thực hiện tinh gọn bộ máy, ông Vũ Đăng Minh, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ, cho biết bộ này đang nghiên cứu, xây dựng cơ chế, chính sách đủ mạnh và vượt trội để làm cơ sở giải quyết việc này.

Theo ông Minh, đây là vấn đề nhạy cảm, phức tạp, tác động lớn. Do đó, Bộ Nội vụ đang đánh giá kỹ tác động, xem xét nhiều chiều để khi chính sách được ban hành có tính khả thi cao. Trong đó, xem xét xây dựng cơ chế để giải quyết cho các trường hợp cán bộ, công chức trong bộ máy có nguyện vọng, nhu cầu chuyển sang khu vực khác làm việc. Bên cạnh đó, các cơ chế, chính sách để giữ chân người tài, người có năng lực trong hệ thống, hướng đến nền công vụ thực tài.

M.Chiến


Theo Minh Chiến

Người lao động

Trở lên trên