Nhiều dự án của các ông lớn "đắp chiếu" 10 năm vẫn không bị xử lý, luật chưa đủ sức răn đe?
Nhiều đại biểu đặt vấn đề Hà Nội nể nang các nhà đầu tư có tiềm lực tài chính, chậm tiến độ dự án khi nêu câu hỏi về việc xử lý các dự án vốn ngoài ngân sách vi phạm luật đất đai trên địa bàn thành phố tại phiên họp giải trình của HĐND TP. Hà Nội sáng 13.8.
Sáng nay, 13-8, mở đầu phiên giải trình của Thường trực HĐND TP Hà Nội về tình hình quản lý các dự án vốn ngoài ngân sách sử dụng đất chậm triển khai, vi phạm Luật Đất đai trên địa bàn thành phố, các đại biểu đã tập trung chất vấn với Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Nguyễn Trọng Đông.
Các nội dung chất vấn bao gồm nguyên nhân chính đối với các dự án được giao đất chậm triển khai nhưng chậm xử lý theo quy định, giải pháp để sớm đưa đất vào sử dụng hiệu quả như thế nào? Việc xử lý vi phạm như hiện nay đã đảm bảo mức răn đe hay chưa? Có bao nhiêu chủ đầu tư thực hiện khắc phục sau xử phạt và có bao nhiêu đơn vị không khắc phục và tiếp tục tái phạm?
Trả lời câu hỏi của các đại biểu, Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cho biết, qua quá trình thanh tra, rà soát và giám sát của HĐND TP, các chủ đầu tư cũng có ý thức đưa đất vào sử dụng, nhưng vẫn còn nhiều dự án chậm triển khai. Nguyên nhân chủ yếu khiến các dự án chậm triển khai gồm 4 lý do:
Thứ nhất, Luật Đất đai năm 2013 có hiệu lực từ 1/7/2014, quá trình chuyển tiếp có nhiều chính sách thay đổi trong đó có chính sách GPMB, nên các dự án chậm có nguyên nhân chậm GPMB do thay đổi chính sách. Ngoài ra, chủ đầu tư không chủ động phối hợp với chính quyền địa phương và các sở ngành để tháo gỡ các chính sách GPMB, tập trung nguồn lực, thời gian GPMB các dự án.
Thứ hai, do giai đoạn 2012-2015, thị trường bất động sản trầm lắng nên khó kêu gọi đầu tư cũng như vay vốn ngân hàng.
Thứ ba, về quy hoạch, sau khi Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, Chính phủ chỉ đạo Thành phố lập quy hoạch chung xây dựng Thủ đô và Chính phủ phê duyệt, sau đó triển khai quy hoạch này thì Thành phố tổ chức lập quy hoạch phân khu. Quá trình rà soát có trên 240 dự án phải điều chỉnh để phù hợp với quy hoạch chung và quy hoạch phân khu.
Thứ tư, liên quan đến Luật đê điều quy định không xây dựng nhà cao tầng trong khu nội đô cũng một phần ảnh hưởng đến các dự án đã đầu tư trước đây. Về nguyên nhân chủ quan, các dự án trên địa bàn sau khi được phê duyệt giao đất, các ngành một số nơi chưa phối hợp hậu kiểm chặt chẽ và chưa quyết liệt xử lý.
Giám đốc Sở TN&MT Nguyễn Trọng Đông cũng khẳng định đối với các dự án chậm tiến độ, Sở đã thực hiện công bố công khai các đơn vị này trên Cổng thông tin điện tử của Sở và của Bộ TN&MT. Đây là căn cứ để xem xét giao đất chấp thuận dự án đối với các dự án tiếp theo. Nếu các đơn vị có vi phạm chưa được khắc phục thì dứt khoát không được chấp thuận dự án mới.
Giám đốc Sở TN&MT cũng cho biết thêm Sở đã thực hiện thanh kiểm tra với 215 dự án. Qua thanh tra thì có 64 dự án đã được khắc phục, còn 151 dự án qua thanh kiểm tra có 21 dự án đã kiến nghị thu hồi đất và xử lý phạt, 11 dự án vướng mắc do quy hoạch GPMB, 30 dự án thanh tra Chính phủ và các ngành thanh kiểm tra, 84 dự án đang thanh kiểm tra. Hiện, Sở đang tiếp tục phối hợp với các ngành xử lý vi phạm.
Trả lời câu hỏi nhiều chủ đầu tư tái phạm dù không vướng mắc về quy hoạch, tài chính. Rất nhiều dự án chậm hơn 10 năm, trong khi Luật Đất đai quy định gia hạn 24 tháng, liệu mức xử phạt hiện nay chưa đủ sức răn đe?
Trả lời câu hỏi của đại biểu, Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Sở sẽ thực hiện nghiêm túc việc công khai các dự án vi phạm. Giám đốc Sở TN&MT cho biết, Luật Đất đai năm 2013 và các quy định của Chính phủ quy định với Thủ đô được xử phạt tới 1 tỷ đồng với 1 dự án, đây là mức cao nhất, với tình hình Thủ đô hiện nay thì mức này thực sự chưa đủ sức răn đe nên tới đây Sở sẽ cùng các ngành nghiên cứu dự thảo quy định để báo cáo UBND TP, HĐND TP nâng mức xử phạt theo quy định của Luật Thủ đô lên gấp đôi.