MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều dự án thủy điện ở Quảng Ngãi chậm tiến độ

Một thủy điện ở Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Chung.

Một thủy điện ở Quảng Ngãi. Ảnh: Thành Chung.

Hàng loạt dự án thủy điện ở Quảng Ngãi dù được cấp phép nhiều năm nhưng vẫn triển khai ì ạch, thậm chí nhiều dự án không triển khai.

Nhiều lần xin điều chỉnh tiến độ

Theo Sở Công thương tỉnh Quảng Ngãi, đến tháng 1/2023, toàn tỉnh có 33 dự án thủy điện đã được quy hoạch, với tổng công suất gần 667 MW. Trong đó, có 16 dự án đã vận hành, với tổng công suất hơn 397 MW; 6 dự án đang đầu tư xây dựng; 6 dự án đang chuẩn bị đầu tư và 5 dự án chưa lựa chọn nhà đầu tư.

Tổng sản lượng điện sản xuất năm 2022 đạt gần 2 tỷ kWh, doanh thu khoảng 2.330 tỷ đồng, nộp ngân sách nhà nước hơn 400 tỷ đồng.

Mặc dù vậy, nhiều dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi thực hiện chậm so với tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư ban đầu, phải xin điều chỉnh tiến độ nhiều lần.

Như dự án thủy điện Sông Liên 1 có tổng vốn đầu tư hơn 400 tỷ đồng với 3 lần điều chỉnh. Cụ thể, dự án này được chấp nhận chủ trương đầu tư, chấp nhận nhà đầu tư vào tháng 4/2017 và đến tháng 7/2018 xin điều chỉnh chủ trương lần thứ nhất. Sau đó, vào tháng 10/2021, dự án điều chỉnh lần thứ 2, lần thứ 3 vào ngày 30/1/2023.

Tương tự, các dự án thủy điện Long Sơn (huyện Minh Long), dự án thủy điện Sơn Linh (huyện Minh Long và huyện Sơn Hà) và dự thủy điện Sơn Nham (huyện Sơn Hà). Cả 3 dự án trên được UBND tỉnh Quảng Ngãi cấp quyết định chủ trương đầu tư vào năm 2019.

Theo quyết định chủ trương đầu tư, dự án thủy điện Sơn Linh phải hoàn thành, phát điện vào quý 3/2021; dự án thủy điện Sơn Nham hoàn thành, phát điện vào quý 2/2021 và dự án thủy điện Long Sơn hoàn thành, phát điện vào tháng 8/2022.

Tuy nhiên, chủ đầu tư các dự án thủy điện này đều xin UBND tỉnh Quảng Ngãi điều chỉnh chủ trương đầu tư và xin gia hạn thời gian thực hiện dự án đến cuối năm 2024 mới hoàn thành công trình, phát điện thương mại.

Trong khi đó, dự án thủy điện Sơn Nham do CTCP đầu tư Xây dựng Thủy điện Sơn Linh làm chủ đầu tư và Dự án thủy điện Long Sơn do CTCP thủy điện Long Sơn làm chủ đầu tư được đăng ký trong Kế hoạch sử dụng đất năm 2020 đến nay đã quá 3 năm, vẫn chưa phối hợp với chính quyền địa phương thực hiện việc thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất.

Theo lãnh đạo Sở Công Thương tỉnh Quảng Ngãi, đối với các dự án thủy điện đang chuẩn bị thủ tục và đang triển khai đầu tư xây dựng, chủ đầu tư các dự án cơ bản tuân thủ các quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng và chỉ đạo của tỉnh. Tuy nhiên, vẫn còn một số chủ đầu tư chưa thực hiện quy định về ký quỹ, thủ tục hồ sơ về môi trường, chậm xin chuyển mục đích sử dụng đất, thuê đất…

Hầu hết các dự án đều thực hiện chậm so với tiến độ theo quyết định chủ trương đầu tư ban đầu, phải xin điều chỉnh tiến độ nhiều lần. Nguyên nhân chủ yếu do vướng mắc về công tác bồi thường GPMB, một số chủ đầu tư thiếu tích cực và chưa tập trung nguồn lực triển khai thực hiện dự án.

Không gia hạn với nhà đầu tư không đủ năng lực

Tại buổi làm việc với chủ đầu tư các dự án thủy điện đang triển khai thi công trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Trần Phước Hiền cho biết, bên cạnh nhưng kết quả đạt được vẫn còn nhiều dự án chậm, có khả năng chậm tiến độ. Nguyên nhân chủ yếu do việc triển khai thực hiện còn nhiều bất cập.

Trong đó, năng lực tổ chức thực hiện của một số chủ đầu tư còn hạn chế: chưa xây dựng kế hoạch chi tiết, tổng thể; chưa tập trung cao về công tác triển khai thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng còn nhiều lúng túng, thiếu chủ động.

Đồng thời, chưa phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương, nhất là việc cung cấp thông tin, phối hợp chưa thực sự xuyên suốt, kịp thời (đặc biệt là thiếu phối hợp ngay từ lúc bắt đầu triển khai dự án) dẫn đến công tác tham mưugặp khó khăn; chưa tập trung nguồn lực cao nhất để thực hiện dự án.

Ngoài ra, một số Sở ngành chưa thực sự ưu tiên tập trung giải quyết các kiến nghị của các chủ đầu tư nên vẫn còn chưa giải quyết dứt điểm.

Ông Hiền yêu cầu đối với các chủ đầu tư chủ động phối hợp chặt chẽ với cơ quan, đơn vị và địa phương có liên quan để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng thẩm quyền quy định.

"Tập trung nguồn lực, đẩy nhanh việc bồi thường, giải phóng mặt bằng, triển khai thi công xây dựng để hoàn thành dự án đúng tiến độ được phê duyệt. UBND tỉnh kiên quyết không gia hạn tiến độ đối với các dự án mà chủ đầu tư không tập trung nguồn lực để thực hiện", ông Hiền cho hay.

Ngoài ra, đối với các dự án đã được cấp có thẩm quyền chấp thuận vận hành, phát điện thương mại nhưng chưa hoàn thiện các thủ tục về đất đai, yêu cầu các chủ đầu tư khẩn trương thực hiện hoàn thành. Trường hợp, các chủ đầu tư cố tình không thực hiện, không tập trung nguồn lực để thực hiện, theo tình hình cụ thể UBND tỉnh sẽ kiến nghị cấp có thẩm quyền xem xét, xử lý theo quy định...

Theo Thành Vân

Nhà đầu tư

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên