MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều gia đình xào xáo từ việc cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình

15-02-2023 - 14:50 PM | Bất động sản

Nhiều chuyên gia ủng hộ việc bỏ đối tượng là hộ gia đình sử dụng đất trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi), bởi quá nhiều vướng mắc trong giao dịch về quyền sử dụng đất cũng như tranh chấp trong gia đình.

Ngày 15-2 tại TP HCM, Ủy ban MTTQ Việt Nam TP HCM tổ chức hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).

Nhiều gia đình xào xáo từ việc cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình - Ảnh 1.

Hội nghị lấy ý kiến góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) diễn ra tại TP HCM ngày 15-2.

Phát biểu tại đây, bà Ung Thị Xuân Hương, Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM, cho rằng một trong những nội dung được quan tâm đang được lấy ý kiến là việc bỏ đối tượng là "hộ gia đình sử dụng đất".

Nguyên là Chánh án TAND TP HCM, theo bà Hương, vấn đề "hộ gia đình sử dụng đất" gây tranh cãi rất nhiều, ngay khi sửa đổi Bộ Luật dân sự lần trước đã có nhiều ý kiến là nên để "hộ gia đình" hay không? Lần này dự thảo Luật Đất đai tiếp tục đưa ra gợi ý này.

Theo bà Hương, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) quy định theo hướng bỏ đối tượng là "hộ gia đình sử dụng đất" vì việc xác định các thành viên trong hộ gia đình còn gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, ảnh hưởng đến việc thực hiện các giao dịch về quyền sử dụng đất. Thay vào đó, giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chỉ ghi tên của chủ hộ gia đình.

Nhiều gia đình xào xáo từ việc cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình - Ảnh 2.

Phó Chủ tịch Hội Luật gia TP HCM Ung Thị Xuân Hương ủng hộ việc bỏ đối tượng là "hộ gia đình sử dụng đất".

"Việc này cũng gây khó khăn khi công chứng. Nói hộ gia đình nhưng không biết hộ là ai? Có nơi xác định hộ khẩu tại thời điểm đó, có nơi xác định hộ khẩu hiện tại. Có người khiếu nại vì không có trong hộ khẩu nhưng cũng là thành viên trong hộ gia đình, cùng làm kinh tế… Chúng tôi ủng hộ dự thảo lần này bỏ khái niệm "hộ gia đình". Dần dần, chúng ta cũng phải chuẩn hóa việc này" – bà Ung Thị Xuân Hương nói.

Đồng quan điểm, bà Trịnh Thị Thanh Bình, Phó Chủ nhiệm Hội đồng tư vấn về Dân chủ - Pháp luật Ủy ban MTTQ tỉnh Bến Tre, rất băn khoăn về vấn đề này trên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Việc này "tưởng là nhỏ nhưng không nhỏ", vì gắn với tính nhân văn, trách nhiệm của Nhà nước và quyền lợi, nghĩa vụ của công dân.

Bà Bình cho biết khi còn làm Chánh án TAND tỉnh Bến Tre, đã rất đau đầu về việc đất cấp cho hộ đại trà theo quy định của Luật Đất đai trước đây. Theo đó, phôi sổ đỏ của Bộ Tài nguyên – Môi trường in sẵn là cấp cho hộ gia đình, đến khi ai xin cấp, dù là vợ chồng hay cá nhân thì cũng ghi là hộ.

"Từ chuyện này phát sinh hàng ngàn vụ tranh chấp đất. Người dân tranh chấp với nhau rồi kiện ra tòa bất tận. Rồi việc ăn chặn, ăn giật, bội tín cũng từ câu "cấp cho hộ" này" – bà Bình nói.

Nhiều gia đình xào xáo từ việc cấp quyền sử dụng đất cho hộ gia đình - Ảnh 3.

Bà Trịnh Thị Thanh Bình cho rằng hàng triệu hộ gia đình xào xáo, tranh chấp từ việc cấp quyền sử dụng đất cho "hộ gia đình".

Qua nhiều lần sửa đổi Luật Đất đai, đã có nhiều ý kiến đề nghị sửa đổi việc cấp giấy chứng nhận cho hộ gia đình. Trước đây cấp sai cho đối tượng hộ gia đình thì bây giờ cơ chế tháo gỡ như thế nào để người dân có được quyền sử dụng đất hợp pháp của chính vợ chồng hay cá nhân được thừa kế hay chuyển nhượng hợp pháp để tránh nhập nhằng.

"Đến khi người ta gỡ được câu "hộ gia đình" thì không biết bao nhiêu tốn kém, tranh chấp gây tan nát biết bao gia đình. Qua 4 lần sửa Luật Đất đai rồi, một câu sai thôi mà hàng triệu hộ gia đình xào xáo, tranh chấp vì chuyện này" – nguyên Chánh án TAND tỉnh Bến Tre bức xúc.

Theo PV

Người lao động

Trở lên trên