MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều kẽ hở chính sách khiến trạm thu phí BOT dày đặc

23-02-2017 - 08:17 AM | Bất động sản

Kết quả kiểm toán 27 dự án BOT giao thông, giai đoạn 2011 - 2016 lý giải, chính kẽ hở từ Thông tư 159 của Bộ Tài chính đã tạo điều kiện cho nhà đầu tư và các cơ quan liên quan “vận dụng”. Từ đó dẫn tới quốc lộ bị chia thành nhiều khúc, khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo 70 km nhưng vẫn được chấp nhận.

Lắp camera giám sát tại trạm thu phí (?)

Điểm thu hút sự chú ý tại kết luận của Kiểm toán Nhà nước (KTNN) là tổng thời gian thu phí hoàn vốn của 27 dự án đã giảm cả trăm năm so với phương án tạm tính ban đầu. Trong đó, dự án điều chỉnh giảm thu phí tối thiểu là 10 tháng và tối đa lên đến hơn 13 năm so với phương án tài chính ban đầu.

Theo KTNN, trong các văn bản chưa có chỉ tiêu, tiêu chí rõ ràng về việc lựa chọn những dự án nâng cấp, cải tạo hay đầu tư tuyến mới để thực hiện theo hình thức BOT, hay đầu tư bằng nguồn vốn nhà nước. Tại nhiều dự án cải tạo, nâng cấp tuyến cũ, người tham gia giao thông không còn cơ hội sử dụng kết cấu hạ tầng giao thông miễn phí mà “bắt buộc” phải trả phí cho nhà đầu tư. “Nhất thiết phải ban hành các quy định cụ thể, rõ ràng trong việc lựa chọn đề án thực hiện theo hình thức BOT”, KTNN nhấn mạnh.

Đặc biệt, KTNN cũng khẳng định, ngay cả quy định về khoảng cách giữa các trạm thu phí tại Thông tư 159 của Bộ Tài chính vẫn còn kẽ hở để nhà đầu tư và các cơ quan liên quan “vận dụng”. Cụ thể, theo thông tư này: “Trường hợp đường bộ đặt trạm thu phí không thuộc quy hoạch hoặc khoảng cách giữa các trạm thu phí không đảm bảo tối thiểu 70 km trên cùng tuyến đường thì trước khi xây trạm thu phí, Bộ GTVT thống nhất ý kiến với UBND cấp tỉnh báo cáo HĐND cùng cấp quyết định”.

“Thực tế này dẫn tới tình trạng quốc lộ bị chia thành rất nhiều khúc, xen kẽ đầu tư bằng vốn ngân sách nhà nước và đầu tư theo hình thức BOT để đặt trạm thu phí cho đảm bảo khoảng cách tối thiểu, hoặc đặt trạm thu phí có khoảng cách không đảm bảo 70 km nhưng đã được Bộ GTVT, Bộ Tài chính và UBND tỉnh chấp thuận, gây bức xúc cho người dân”, KTNN nêu nguyên nhân các trạm thu phí mọc lên dày đặc nhưng vẫn được chấp nhận.

Không chỉ vậy, việc vận hành khai thác tại các dự án BOT còn chưa có cơ chế kiểm tra, kiểm soát quá trình thu phí để xác định lưu lượng phương tiện giao thông thực tế qua trạm thu phí. Trong khi đây chính là chỉ tiêu quan trọng nhất để tính thời gian thu phí hoàn vốn đối với các dự án được đầu tư theo hình thức BOT.

Khắc phục tình trạng này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Dương Quốc Anh đề nghị phải lắp camera tại các trạm thu phí để giám sát.

Vay vốn ngân hàng, ôm đồm dự án

Điểm đáng chú ý khác mà KTNN chỉ rõ là tình trạng nhiều dự án tỷ lệ góp vốn chủ sở hữu không đúng theo cam kết. Nguyên nhân, là vốn chủ của nhà đầu tư chủ yếu tập trung vào các tài sản như nhà xưởng, trụ sở, bất động sản... do vậy khi thực hiện nhà đầu tư rất khó huy động vốn vào triển khai dự án.

KTNN cho rằng, việc nhà đầu tư góp vốn chủ không đạt yêu cầu và dự án chủ yếu thực hiện bằng vốn vay ngân hàng. Điều này tiềm ẩn rủi ro lớn để thực hiện dự án. “Để đảm bảo vốn chủ đúng cam kết, cần có quy định cụ thể hơn, chặt chẽ trong giai đoạn thực hiện đầu tư. Cần quy định rõ vốn góp vào dự án bằng tiền”, kết luận kiểm toán nêu.

Chỉ ra rất nhiều bất cập, KTNN đề nghị Bộ GTVT cần chủ động trong việc xây dựng danh mục dự án, bảo đảm xác định mức phí ngay từ ban đầu, hạn chế rủi ro. Đồng thời xem xét các chỉ tiêu có sự sai lệch khi thỏa thuận quyết toán dự án và điều chỉnh hợp đồng BOT để xác định chính xác thời gian hoàn vốn của dự án. Cùng với đó, cần đưa ra cơ chế kiểm soát lưu lượng phương tiện thật sự hiệu quả qua trạm, kiểm soát doanh thu thực tế của dự án để đảm bảo tính công khai, minh bạch...

“Cần có quy định về việc thường xuyên công khai, cập nhật lưu lượng phương tiện, doanh thu hoàn vốn, thời gian thu phí hoàn vốn của dự án BOT khi đàm phán và ký kết hợp đồng”, KTNN nêu.

Dự án bị điều chỉnh thời gian thu phí nhiều nhất là công trình mở rộng Quốc lộ 1 đoạn km1488 - km1525 tỉnh Khánh Hòa (giảm 13 năm 1 tháng 12 ngày). Kế đến là dự án đầu tư nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14) đoạn km1793+600 (km734+600) đến km1824+00 (km1765+00), tỉnh Đắk Nông giảm 12 năm 3 tháng 22 ngày; dự án xây dựng đường nối từ đường Nguyễn Duy Trinh vào Khu công nghiệp Phú Hữu, Q.9 (TPHCM) giảm 11 năm...

Một số dự án lớn BOT tăng tổng vốn lên 100%, như dự án cải tạo nâng cấp Quốc lộ 18 Uông Bí - Hạ Long, điều chỉnh tăng tổng mức đầu tư từ 1.318 tỷ lên 2.838 tỷ đồng; dự án cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, tăng từ 24.567 tỷ đồng lên 45.522 tỷ đồng. Các dự án đều tồn tại, sai sót về khối lượng, định mức, đơn giá. KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 1.358 tỷ đồng.

Theo Thanh Nam

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên