MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều khoản thuế giảm sâu

Hơn 1 tháng đã trôi qua kể từ khi Nghị định 41 của Chính phủ có hiệu lực, song mới chỉ có 10% người nộp thuế làm thủ tục đề nghị gia hạn thuế, tiền thuê đất. Cộng đồng doanh nghiệp mong muốn được giảm tới 50% nhiều khoản thuế phí quan trọng như thuế giá trị gia tăng, phí trước bạ, thuế bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, nhiều loại đề xuất đã bị Bộ Tài chính bác bỏ.

Tính đến 7/5, nhiều giải pháp hỗ trợ miễn, giảm, gia hạn thuế, phí và tiền thuê đất đã được Bộ Tài chính đưa ra để hỗ trợ các doanh nghiệp (DN) vượt qua khó khăn.

Mới nhất, Bộ Tài chính đã ban hành 4 Thông tư từ số 33-36 (có hiệu lực từ 5/5 đến hết 31/12/2020) giảm từ 20-50% mức thu phí với một số lĩnh vực như: Ngân hàng, Xây dựng, du lịch, tài nguyên nước.

Trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, Bộ Tài chính cũng đang xin ý kiến về dự thảo thông tư quy định mức thu, nộp phí kiểm định phương tiện phòng cháy, chữa cháy; phí thẩm định phê duyệt thiết kế phòng cháy chữa cháy, lệ phí cấp căn cước công dân. Theo dự thảo, các khoản phí, lệ phí liên quan những lĩnh vực trên sẽ được giảm 20-50% so với quy định hiện hành.

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng đã lấy ý kiến các bên về dự thảo thông tư quy định miễn, giảm phí, lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán. Theo đó, tổ chức, cá nhân sẽ nộp phí, lệ phí bằng 50% mức thu đối với 19 khoản lệ phí trong lĩnh vực chứng khoán.

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) cho hay, đang rà soát, đối chiếu, xử lý giấy đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất để hỗ trợ các DN vượt khó trong đại dịch COVID-19. Theo tính toán của Tổng cục Thuế, số lượng người nộp thuế thuộc diện được gia hạn theo Nghị định 41 chiếm khoảng 98% tổng số người nộp thuế, tương đương 737.310 DN, 347.840 hộ gia đình và cá nhân sẽ được hỗ trợ. Tổng số tiền thuế và tiền thuê đất dự kiến được gia hạn khoảng 180.000 tỷ đồng.

Thống kê của Tổng cục Thuế cho thấy, kể từ ngày Nghị định 41 có hiệu lực (ngày 8/4) đến ngày 6/5, cả nước có tổng cộng 85.190 đề nghị gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất được gửi đến cơ quan thuế với tổng tiền 25.866 tỷ đồng. Trong đó gia hạn đối với tổ chức, DN là 25.675 tỷ đồng, gia hạn đối với cá nhân là 191 tỷ đồng.

Như vậy, sau gần 1 tháng thực hiện Nghị định 41, cả nước mới có khoảng 10% DN, hộ gia đình và cá nhân gửi giấy đề nghị gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Nguyễn Đức Huy, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền hỗ trợ (Tổng cục Thuế) cho biết, do thời gian đang còn nhiều (đến hết 30/7-PV) nên phần lớn người nộp thuế chưa làm thủ tục. Đây là quyền lợi của người nộp thuế nên chắc chắn người nộp thuế sẽ không thể bỏ qua.

Liên quan tới các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư công trong bối cảnh đại dịch COVID-19, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (Bộ KH&ĐT) đang lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện dự thảo Nghị quyết của Chính phủ về vấn đề này.

Tuy nhiên, góp ý cho dự thảo, Bộ Tài chính đã bác bỏ nhiều đề xuất. Trước hết, bộ này không đồng ý giảm 50% thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) cho DN vừa và nhỏ, hợp tác xã trong năm 2020. Nguyên nhân được bộ này đưa ra là nội dung này trùng lắp với một số chính sách dự kiến áp dụng. Bộ KH&ĐT kiến nghị giữ lại đề xuất miễn giảm này để có cơ sở cho Chính phủ quyết nghị phương hướng thực hiện cụ thể, sau đó giao lại cho Bộ Tài chính tiếp tục rà soát.

Bộ Tài chính cũng bác đề xuất giảm 50% thuế giá trị gia tăng (hiện nay là 10%) cho các hàng hóa, dịch vụ gặp khó khăn, nguyên vật liệu để giảm chi phí đầu vào cho sản xuất của các DN. Lý do được bộ này đưa ra bởi đây là thuế gián thu, người tiêu dùng trả thuế. Còn  với DN, toàn bộ thuế giá trị gia tăng (GTGT) đầu vào được khấu trừ với thuế GTGT đầu ra khi xác định thuế GTGT phải nộp, không ảnh hưởng đến chi phí của DN.

Bộ KH&ĐT tiếp thu ý kiến này và quy định chỉ cho phép giãn thuế GTGT đến tháng 9/2020 đối với nguyên vật liệu hàng hóa, dịch vụ thuộc các ngành chịu ảnh hưởng của dịch bệnh nhằm tạo điều kiện cho các DN hoạt động trong các ngành này có thêm nguồn vốn lưu động.

Đối với việc giảm 50% lệ phí trước bạ khi đăng ký ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước hết năm 2020 và áp dụng các chính sách ưu đãi khác cũng không được Bộ Tài chính thông qua.

Theo Tuấn Nguyễn

Tiền phong

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên