Nhiều ngân hàng bội thu từ chứng khoán
Tỷ trọng của thu nhập phi tín dụng tăng mạnh trong quý đầu năm nay, tuy nhiên không phải đến từ dịch vụ mà đến từ đầu tư chứng khoán, góp vốn mua cổ phần và hoạt động khác.
Tỷ trọng đóng góp của thu nhập phi tín dụng trong 3 tháng đầu năm nay của 20 ngân hàng theo khảo sát của chúng tôi là 26,1%, tăng lên khá nhiều so với mức 21,7% tại quý 1 năm ngoái. Tuy nhiên, đáng lưu ý, khoản lãi này lại không phải đến từ hoạt động dịch vụ mà là từ chứng khoán, góp vốn mua cổ phần và hoạt động khác.
Trong 3 tháng đầu năm nay, tổng lãi từ hoạt động mua bán chứng khoán của các ngân hàng này đạt hơn 3.600 tỷ đồng, tăng gấp 2,2 lần cùng kỳ năm trước. Hoạt động này đóng góp khoảng 5,5% thu nhập cho ngân hàng, trong khi cùng kỳ năm 2017 là 3,3% và năm 2016 còn chưa đến 1%.
Trong 20 ngân hàng khảo sát, 19/20 ngân hàng đều có lãi từ mua bán chứng khoán, duy Eximbank bị lỗ 24 tỷ do phải chi dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư 30 tỷ trong khi thu nhập chỉ ở mức 5,8 tỷ. Có 12/20 ngân hàng có lãi từ chứng khoán cao hơn so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó có những nhà băng có tăng trưởng tính theo lần như BIDV tăng 14 lần, VietinBank tăng 3,3 lần, Vietcombank tăng 3,9 lần, Sacombank tăng 3 lần.
BIDV là ngân hàng có lãi nhiều nhất từ chứng khoán với khoản lãi lên tới 528 tỷ từ mua bán chứng khoán kinh doanh. Trong khi đó, mua bán chứng khoán đầu tư bị lỗ 16 tỷ, ít hơn so với cùng kỳ (lỗ 67 tỷ). Cùng với BIDV, 2 ngân hàng còn lại trong khối NHTMCP NN là VietinBank và Vietcombank cũng đem về lãi khủng từ chứng khoán. VietinBank ghi nhận lãi 239 tỷ từ chứng khoán kinh doanh và 79 tỷ từ chứng khoán đầu tư, tăng trưởng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Vietcombank lãi 277 tỷ từ chứng khoán kinh doanh, tăng gấp 2,7 lần cùng kỳ năm 2017.
Không chỉ lãi đậm từ mua bán chứng khoán, nhiều ngân hàng còn ghi nhận thu nhập đột biến từ góp vốn, mua cổ phần. Chẳng hạn Techcombank có khoản thu lên tới 894 tỷ đồng từ thanh lý khoản đầu tư dài hạn. Theo BCTC quý 1, danh sách công ty con của ngân hàng đã không còn có TechcomFinance, như vậy Techcombank đã hoàn tất việc chuyển nhượng toàn bộ vốn góp tại đây cho Công ty TNHH Thẻ Lotte của Hàn Quốc và ghi nhận khoản lãi đột biến trên.
Eximbank cũng có khoản thu nhập 521 tỷ đồng từ góp vốn, mua cổ phần nhờ thoái toàn bộ vốn khỏi Sacombank. Được biết, ngân hàng đem về 648 tỷ đồng từ việc thoái vốn này và trong đó 521 tỷ được ghi nhận trong quý 1 năm nay.
Còn tại Vietcombank, thu nhập từ góp vốn mua cổ phần đạt 350 tỷ, tăng 240% so với cùng kỳ, trong đó 248,4 tỷ đồng là lợi nhuận từ thoái vốn tại Vietnam Airlines và Công ty tài chính cổ phần Xi măng. Ngân hàng này cũng vừa hoàn tất đợt chào bán lần 2 cổ phiếu OCB, phân phối hơn 5,1 triệu cổ phiếu chiếm 77,88% tổng số cổ phiếu chào bán với giá trung bình là 25.735 đồng/cp. Nhờ đó, Vietcombank thu ròng về 135 tỷ đồng từ lần đấu giá này và sẽ được ghi nhận trong quý 2. Vietcombank cũng đang có kế hoạch tiếp tục thoái vốn khỏi 2 TCTD nữa là Eximbank và MB. Nếu thành công, theo các công ty chứng khoán, ngân hàng có thể ghi nhận thu nhập trên 1.000 tỷ từ trong năm nay.
Tăng trưởng cao ở các nguồn thu từ kinh doanh chứng khoán, góp vốn, mua cổ phần là kết quả của việc lợi tức trái phiếu giảm thấp và thị trường chứng khoán tăng điểm trong quý 1. Với thị trường chứng khoán liên tục giảm sâu trong quý 2, nguồn thu từ đầu tư chứng khoán của các ngân hàng có thể khó duy trì được đà tăng tốt như vừa rồi.
Thực tế, trong khi tăng trưởng tín dụng bị giới hạn, nguồn thu từ đầu tư chứng khoán không thường xuyên, tăng giảm thất thường, thậm chí có thể lỗ thì gia tăng lợi nhuận bằng thu nhập từ hoạt động dịch vụ là biện pháp an toàn, ổn định nhất. Tuy nhiên, dù nhiều nhà băng thể hiện quyết tâm đẩy mạnh dịch vụ thì tốc độ tăng trưởng ở mảng này vẫn rất khiêm tốn: quý 1/2018, lãi từ dịch vụ của 20 ngân hàng tăng 25% so với cùng kỳ, trong khi thu nhập từ tín dụng tăng 28%, từ kinh doanh chứng khoán, góp vốn cổ phần đều tăng trên 100%.
Trí Thức Trẻ