MỚI NHẤT!

Đọc nhanh >>

Nhiều ngân hàng để ngỏ khả năng tăng trưởng tín dụng 2019

01-05-2019 - 09:33 AM | Tài chính - ngân hàng

Cho đến thời điểm này, theo lời ông Nghiêm Xuân Thành chủ tịch Vietcombank, thì Vietcombank là ngân hàng được giao chỉ tiêu tăng trưởng cao nhất hệ thống, ở mức 15%. Tuy nhiên có những ngân hàng đã đặt kế hoạch tăng trưởng tín dụng tới trên dưới 30%.

Theo định hướng của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) về tăng trưởng tín dụng, năm 2019, toàn ngành sẽ duy trì mức tăng trưởng khoảng 14%, tương đương năm 2018, có thể thay đổi linh hoạt theo diễn biến của thị trường và kinh tế vĩ mô. Năm nay là năm thứ 2 liên tiếp tín dụng bị siết lại.

Trước đây, khi NHNN quản lý chặt tín dụng thường giao chỉ tiêu đến từng ngân hàng và các chỉ tiêu này được công khai rộng rãi, song những năm gần đây chỉ công bố cho bản thân các ngân hàng thực hiện. Và cũng mãi đến năm vừa qua khi tín dụng siết lại khiến cho lợi nhuận của nhiều ngân hàng bị ảnh hưởng, điển hình nhất là VietinBank khi quý 4/2018 không được cho vay trong khi phải dự phòng lớn đã phải gánh khoản lỗ tới 853 tỷ đồng (trong khi các quý trước lãi trên dưới 2.000 tỷ) hoặc như VPBank vì chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng thấp hơn mọi năm nên lợi nhuận cũng không đạt kế hoạch ban đầu, thì người ta mới lại quan tâm đến câu chuyện tăng trưởng tín dụng.

Tại mùa đại hội cổ đông năm 2019, các nhà đầu tư đã bày tỏ sự quan tâm này đối với hầu hết các lãnh đạo ngân hàng, và ở nhiều ngân hàng nhận được câu trả lời chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng phổ biến từ 12% – 14%, chẳng hạn BIDV mức 12%, MB là 14%, ACB và SCB cùng mức 13%... Một số ngân hàng có kế hoạch tăng cao hơn hoặc thấp hơn, chẳng hạn VietinBank chỉ 6 – 7% còn Vietcombank tới 15%, trong đó VietinBank được cho là vướng quy định về vốn còn Vietcombank thì ngược lại. Theo lời ông Nghiêm Xuân Thành, chủ tịch HĐQT Vietcombank, "do ngân hàng này đã đáp ứng Basel II sớm hơn 1 năm so với quy định nên được NHNN cho ưu tiên 2 nội dung là tăng trưởng tín dụng và phát triển mạng lưới. Đến nay trong số các ngân hàng được giao tăng trưởng tín dụng thì Vietcombank được tăng cao nhất, là 15%".

Dẫu vậy, có không ít các ngân hàng vẫn để ngỏ khả năng được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng ở mức cao hơn rất nhiều so với hiện tại, cùng với đó là một kịch bản khác nữa về lợi nhuận bởi hoạt động tín dụng vẫn đang đóng góp trên dưới 70% vào tổng doanh thu của các nhà băng.

Chẳng hạn như ở VIB, cổ đông của ngân hàng đã thông qua kế hoạch tăng trưởng tín dụng đến 35%, bao gồm cả cho vay khách hàng và phát hành giấy tờ có giá. OCB thì đặt chỉ tiêu tăng trưởng đến 30% cho dù room hiện tại được giao thấp hơn. VPBank lên kế hoạch tăng trưởng tín dụng 15%, Sacombank tới 16% còn HDBank là 24%. TPBank thì kỳ vọng ngân hàng được chấp thuận cho chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm hơn 20% (chỉ hết quý 1 ngân hàng đã tăng trưởng đến 11%)….

Trong số các ngân hàng để ngỏ khả năng tăng trưởng tín dụng thì những ngân đã được NHNN chấp thuận áp dụng Thông tư 41 về an toàn vốn (trụ cột thứ nhất của Basel II) như VIB, OCB, TPBank…nếu được điều chỉnh lên một room cao hơn cũng không có gì lạ bởi NHNN đã đưa ra thông điệp sẽ có ưu tiên hơn về chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng và mở rộng mạng lưới đối với nhóm này. Những ngân hàng còn lại có được nới room tăng trưởng hay không còn tuỳ NHNN, song những ngân hàng thuộc diện tái cơ cấu hoặc tham gia tái cơ cấu tổ chức tín dụng khác khả năng cũng sẽ có chính sách riêng. Và như đã phân tích ở trên, các ngân hàng có được điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hay không chắc chắn sẽ tác động đáng kể tới kết quả lợi nhuận cả năm.

Trước đó hồi đầu năm, tham gia khảo sát của Vụ dự báo thống kê NHNN, các tổ chức tín dụng đã kỳ vọng mức tăng trưởng tín dụng bình quân toàn ngành năm nay khoảng 15,27% - cao hơn so với mục tiêu tín dụng 14% mà NHNN đặt ra.

Tùng Lâm

Trí Thức Trẻ

CÙNG CHUYÊN MỤC

XEM
Trở lên trên